Chú trọng công tác quản lý lao động nước ngoài

09:28, 22/11/2015

Những năm gần đây, sự phát triển cả về số lượng và quy mô của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã kéo theo ngày càng nhiều lao động nước ngoài tới làm việc tại tỉnh Thái Nguyên. Thực tế đó đòi hỏi các cơ quan chức năng quan tâm hơn đến công tác quản lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, chấp hành tốt các quy định, đồng thời đảm bảo an ninh - trật tự.

Theo thông tin của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thời điểm cuối năm 2014, tổng số lao động người nước ngoài được cấp phép làm việc tại tỉnh là 398 người, trong đó số mới được cấp phép là 290 người. Hiện tại, số lao động là người nước ngoài được cấp phép làm việc tại tỉnh đã tăng lên 593 người, riêng cấp mới là 441 trường hợp. Bà Đỗ Thị Huế, Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng: Sự tăng trưởng mạnh của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh trong khoảng 3 năm trở lại đây là yếu tố chính làm gia tăng lượng lao động người nước ngoài đến làm việc. Điều đó phản ánh sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, sự hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Thái Nguyên nói riêng, nhưng cũng đặt ra yêu cầu ngày càng lớn cho công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này; vừa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài của họ, vừa đảm bảo an ninh - trật tự.   

 

Để thực hiện tốt chức năng này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn cho các đơn vị có nhu cầu sử dụng lao động ngoài nước làm các thủ tục theo quy định. Cụ thể như tổ chức tập huấn về các quy định liên quan cho đại diện 50 doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động ngoài nước; gửi thông báo, hướng dẫn bằng văn bản cho doanh nghiệp. Ngoài việc tích cực đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp chấp hành quy định về tuyển dụng, sử dụng lao động người nước ngoài, Sở đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan (Sở Ngoại vụ, Sở Tư pháp, Công an tỉnh và Ban Quản lý các khu công nghiệp - KCN tỉnh) tổ chức Đoàn liên ngành kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay, Đoàn đã phát hiện một số sai phạm, kiến nghị trục xuất 2 trường hợp người lao động nước ngoài sử dụng visa không đúng mục đích.

 

Thực hiện phân cấp quản lý, từ ngày 1-5-2015, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ủy quyền cho Ban Quản lý các KCN tỉnh cấp Giấp phép cho người nước ngoài đến làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN. Từ khi đó đến nay, Ban đã cấp mới 140 Giấy phép lao động cho người nước ngoài, cấp lại 43 trường hợp. Ông Phan Công Minh, Trưởng Phòng Quản lý lao động (Ban Quản lý các KCN tỉnh) cho biết: Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, chúng tôi hướng dẫn cụ thể, giải đáp thắc mắc của họ bằng nhiều hình thức khác nhau (tư vấn trực tiếp, qua đường công văn, qua mạng và liên lạc bằng điện thoại). Các thủ tục liên quan đến cấp phép lao động đều được triển khai theo đúng Nghị định 102/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; đảm bảo thời gian, nhanh gọn theo tinh thần cải cách hành chính. Cùng với đó, Ban cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp chấp hành đúng quy định.

 

Ông Kim Yeon Goo, Phó Giám đốc Công ty TNHH SekWang Vina (trụ sở tại KCN Điềm Thụy), là một trong 3 người có quốc tịch Hàn Quốc mới được cấp Giấp phép lao động và đang làm việc tại Công ty. Bày tỏ sự hài lòng về các dịch vụ hành chính, công tác quản lý đối với lao động nước ngoài của các cơ quan chức năng, ông Kim Yeon Goo nói: Chúng tôi được hướng dẫn tận tình, thủ tục khá nhanh, chỉ 10 ngày từ khi đủ hồ sơ là đã có Giấp phép. Xác định làm việc tại Thái Nguyên lâu dài, đầu tư bài bản nên chúng tôi sẽ luôn chấp hành tốt pháp luật của Việt Nam và quy định của địa phương, đồng thời mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa…

 

Đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, đại đa số các đơn vị trên địa bàn tỉnh có sử dụng lao động người nước ngoài và bản thân người lao động đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Tuy nhiên cũng có trường hợp “lách luật”, như người nước ngoài đến làm việc tại tỉnh khi hết hạn visa lần 1 mới đề nghị cấp phép (quy định là phải được cấp phép trước khi sang làm việc). Một số nhà thầu sử dụng lao động người nước ngoài (nhất là nhà thầu Trung Quốc) chưa chấp hành nghiêm quy định, “đảo” lao động trong vào 3 tháng để không phải xin cấp phép. Việc cấp phép, quản lý lao động là người nước ngoài tại những doanh nghiệp có trụ sở ngoài tỉnh gặp khó khăn, vướng mắc…

 

Ông Bùi Tuấn Thịnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Những khó khăn, hạn chế đó sẽ được chúng tôi tăng cường giải quyết, xử lý trong thời gian tới thông qua các hoạt động thanh, kiểm tra và phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan liên quan. Hiện nay, Sở đang xây dựng Quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong công tác quản lý lao động người nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Do sự phát triển nhanh của các doanh nghiệp FDI, sự hội nhập ngày càng sâu rộng của nước ta với thế giới nên lượng lao động người nước ngoài đến làm việc tại tỉnh chắc chắn sẽ gia tăng. Công tác quản lý lao động người nước ngoài sẽ trở thành nhiệm vụ ngày càng quan trọng và phức tạp, đòi hỏi sự quan tâm, nỗ lực của các cấp, ngành liên quan.