Từ trăm năm trước, cây chè đã bén rễ trên vùng đất Thái Nguyên, ngày nay, sản phẩm chè đã trở thành đặc sản nổi tiếng với danh hiệu "Đệ nhất danh trà” và kỷ lục quốc tế dành cho "Top các đặc sản quà tặng có giá trị ở châu Á". Không chỉ bó hẹp ở thị trường nội địa, chè Thái Nguyên đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới…
Những năm gần đây, chè được xác định là cây trồng chủ lực của Thái Nguyên, không chỉ giúp người nông dân giảm nghèo mà còn làm giàu trên đất quê hương. Cây chè sinh trưởng và phát triển tốt ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh, nhưng tập trung chủ yếu ở các huyện: Phú Lương, Định Hóa, Đồng Hỷ, Đại Từ và T.P Thái Nguyên… Hiện, toàn tỉnh có gần 20.800ha chè, trong đó, trên 17.600ha chè đã cho thu hoạch, năng suất bình quân 110 tạ/ha, tổng sản lượng đạt gần 193.000 tấn/năm. Trên địa bàn tỉnh hiện có 34 doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè. Tổng sản lượng chè búp khô năm 2014 của tỉnh đạt 39.364 tấn, trong đó, sản lượng chế biến công nghiệp chiếm khoảng 20% (với các sản phẩm chủ yếu: chè đen, chè xanh ướp hương liệu để xuất khẩu). Năm 2014, xuất khẩu chè của tỉnh đạt 12,9 triệu USD. Tuy nhiên, sản phẩm chè xuất khẩu mới chỉ chiếm khoảng 20% tổng sản lượng chè của tỉnh, còn lại 80% được tiêu thụ trong nước, chủ yếu là ở các chợ đầu mối, các đại lý trong tỉnh và một số thương lái thu mua.
Để cây chè phát triển bền vững, đem lại giá trị và hiệu quả kinh tế cho người nông dân, những năm qua, tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách như: Triển khai quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư sản xuất chè hàng hóa chất lượng, giá trị cao; đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo hướng giảm giống chè trung du, tăng giống chè nhập nội và các giống chè trong nước tuyển chọn, lai tạo, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị của cây chè; triển khai thực hiện các đề án như: Đề án phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè Thái Nguyên giai đoạn 2000-2005; Đề án phát triển cây chè Thái Nguyên giai đoạn 2006-2010; Đề án nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015…
Mặc dù được coi là sản phẩm quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, có lợi thế và cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhưng việc phát triển cây chè của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là diện tích chè sản xuất theo quy trình VietGAP còn thấp. Hiện toàn tỉnh mới có 42 mô hình sản xuất chè VietGAP với tổng diện tích được chứng nhận khoảng 600ha. Việc đầu tư phát triển cây chè, chế biến chè phần lớn vẫn là kinh tế hộ, chưa thu hút được nhiều nguồn vốn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là đầu tư vào chế biến. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chè chưa thực sự quan tâm đến nâng cao chất lượng sản phẩm, do đó giá chè nguyên liệu xuất khẩu chỉ đạt từ 2,2 - 3,2 USD/kg. Các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, xúc tiến đầu tư còn hạn chế. Việc tổ chức quản lý nhãn hiệu tập thể "chè Thái Nguyên" còn lỏng lẻo, thiếu đồng bộ, chưa có sự kiểm soát chặt chẽ...
Trước yêu cầu phát triển kinh tế, đặc biệt là trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay, để tồn tại và phát triển vững chắc, ngành Chè của tỉnh cần phải có những giải pháp mới phù hợp. Việc phân tích, đánh giá thực trạng nhằm làm rõ những thành tựu và hạn chế, cũng như đề xuất một số định hướng và giải pháp phát triển ngành Chè của tỉnh là hết sức cần thiết. Xuất phát từ thực tiễn đó, Liên minh HTX tỉnh được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm trà Thái Nguyên”. Hội thảo sẽ tập trung thực hiện một số nội dung chủ yếu như: đánh giá về chè Thái Nguyên, vị trí của chè Thái Nguyên đối với thị trường chè thế giới; định hướng phát triển ngành Chè của tỉnh; những vấn đề về sản xuất, chế biến chè an toàn và tổ chức chứng nhận chè an toàn; xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu; yêu cầu của thị trường nước ngoài hiện nay; vấn đề kết hợp giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè gắn với phát triển du lịch, văn hóa, lịch sử; vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và chính sách của Nhà nước đối với phát triển ngành Chè...
Hội thảo là cơ hội để các nhà quản lý, nhà khoa học và các HTX, làng nghề, doanh nghiệp, người dân trồng, sản xuất, chế biến chè trong và ngoài tỉnh gặp gỡ, trao đổi, thảo luận nhằm tìm ra những định hướng để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm trà Thái Nguyên nói riêng và chè Việt Nam nói chung. Nhân dịp này, Ban Tổ chức sẽ tiến hành ký kết chương trình hành động 4 nhà: Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp, hợp tác xã - Nhà nông (hộ xã viên, hộ nông dân). Qua hội thảo, hy vọng rằng, thời gian tới cây chè Thái Nguyên sẽ góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế của tỉnh và sự phát triển chung của ngành Chè Việt Nam.
Hiện, toàn tỉnh có gần 20.800ha chè, trong đó, trên 17.600ha chè đã cho thu hoạch, năng suất bình quân 110 tạ/ha, tổng sản lượng đạt gần 193.000 tấn/năm. Trên địa tỉnh hiện có 34 doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè. Tổng sản lượng chè búp khô năm 2014 của tỉnh đạt 39.364 tấn, trong đó, sản lượng chế biến công nghiệp chiếm khoảng 20% (với các sản phẩm chủ yếu: chè đen, chè xanh ướp hương liệu để xuất khẩu).