Trên cơ sở Văn bản số 54/BC-HĐND ngày 21-7-2015 của HĐND tỉnh về Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XII, UBND tỉnh đã chỉ đạo, giao cho các sở, ban, ngành, địa phương liên quan nghiêm túc tiếp thu, xem xét và đối chiếu với các quy định hiện hành của Nhà nước, của địa phương và điều kiện cụ thể của tỉnh để giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XII đã được các đại biểu HĐND tỉnh trả lời tại các buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 15 và sẽ trả lời trực tiếp tại phiên trả lời chất vấn của kỳ họp. Để phục vụ kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XII, Báo Thái Nguyên Điện tử trích đăng Báo cáo của UBND tỉnh về kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 13, tiếp thu, giải trình các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XII.
I. KẾT QUẢ GIẢI QUYẾT Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI GỬI ĐẾN KỲ HỌP THỨ 13, HĐND TỈNH KHÓA XII
Do thời gian có hạn, UBND tỉnh lựa chọn, tập trung trả lời trực tiếp những vấn đề trọng tâm, nổi cộm được đông đảo cử tri quan tâm.
1. Cử tri huyện Phú Bình, thành phố Thái Nguyên đề nghị không thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô vì hiện nay có địa phương quy định mức thu, có địa phương không quy định mức thu, đồng thời phí bảo trì đường bộ đã được tính trong giá thành bán xăng.
Trả lời:
Đến nay, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 19/2013/QĐ-UBND ngày 20-9-2013 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, sau gần 3 năm thực hiện công tác thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô tại các huyện, thành phố, thị xã cho thấy công tác thu phí đã gặp rất nhiều khó khăn, kết quả thực hiện công tác thu giảm dần, số thu 9 tháng đầu năm 2015 đã giảm so với cùng kỳ các năm trước. Ngày 7-10-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2015, thống nhất tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô kể từ ngày 01-01-2016. Do vậy, UBND tỉnh sẽ sớm có văn bản về việc tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn tỉnh kể từ ngày 01-01-2016 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Năm 2015 vẫn thực hiện thu theo quy định tại Quyết định số 19/2013/QĐ-UBND ngày 20-9-2013 của UBND tỉnh.
2. Cử tri một số địa phương đề nghị tỉnh làm rõ tiến độ triển khai thực hiện Nghị quyết số 18/2010/NQ-HĐND ngày 20-7-2010 của HĐND tỉnh về việc thông qua Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020. Hiện nay, nhiều địa phương vẫn chưa có điện, như: Xóm Trung Sơn (xã Quang Sơn); xóm Bãi Vàng (xã Hợp Tiến); xóm Liên Phương, xóm Mỏ Nước, xóm Bản Tèn và khu vực Tàng Pàn thuộc xóm Vân Lăng (xã Vân Lăng) của huyện Đồng Hỷ; xóm Lũng Cà, xóm Lũng Hoài (xã Thượng Nung) của huyện Võ Nhai, đề nghị tỉnh chỉ đạo ngành Điện đầu tư, đưa điện lưới về các xóm và khu vực nói trên.
Trả lời:
Sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 18/2010/NQ-HĐND ngày 20-7-2010 thông qua Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015 có xét đến năm 2020, UBND tỉnh đã trình Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt Quy hoạch tại Quyết định số 4899/QĐ-BCT ngày 21-9-2010. Đánh giá chung về kết quả thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015: Đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đảm bảo cung cấp điện an toàn, đầy đủ, đặc biệt là nhu cầu phụ tải điện các khu công nghiệp, khu đô thị, trung tâm thương mại - du lịch và các phụ tải trên địa bàn tỉnh. Riêng đối với việc cấp điện nông thôn: UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương xây dựng Đề án phát triển lưới điện nông thôn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015 và đã phê duyệt tại Quyết định số 2987/QĐ-UBND ngày 3-12-2012. Mục tiêu của Đề án:“Đẩy nhanh chương trình đưa điện về nông thôn phấn đấu đến trước năm 2015 đạt 100% số hộ nông thôn có điện” và được cụ thể hóa bằng Chương trình hành động nâng cấp, cải tạo lưới điện nông thôn của tỉnh giai đoạn 2012-2015 (UBND tỉnh đã phê duyệt tại Quyết định số 2918/QĐ-UBND ngày 03-12-2012).
Vận dụng cơ chế cấp điện đã được áp dụng tại một số tỉnh trong cả nước (ngân sách Trung ương hỗ trợ 85%; ngân sách địa phương đối ứng 15%), UBND tỉnh giao cho Ban quản lý Dự án REII của tỉnh lập Dự án đầu tư xây dựng công trình “Cấp điện cho các xóm, bản chưa có điện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2013-2020”. Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 958/QĐ-UBND ngày 22-5-2013. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2015 tại Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 8-11-2013 (trong đó có tỉnh Thái Nguyên), UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh dự án tại Quyết định số 1806/QĐ-UBND ngày 18-8-2014 (thay thế Quyết định số 958/QĐ-UBND ngày 22-5-2013) để phù hợp với Chương trình Quốc gia. Sau điều chỉnh, dự án đổi thành "Dự án cấp điện nông thôn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2013-2020”. Do yêu cầu cấp bách về việc cấp điện cho các xóm, bản vùng đặc biệt khó khăn (chủ yếu là người dân tộc) sinh sống tại huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ; UBND tỉnh có Văn bản số 2534/UBND-KTN ngày18-9-2014 gửi Bộ Công Thương đề nghị ưu tiên cấp vốn xây lắp điện trước cho các xóm, bản chưa có điện trên địa bàn tỉnh. Sau khi thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 26-9-2014, Bộ Công Thương có Văn bản số 9536/BCT-TCNL báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất cấp vốn thực hiện đầu tư các dự án điện nông thôn cấp bách của một số địa phương. Trong đó, Bộ Công Thương đề nghị bố trí cho Dự án của tỉnh Thái Nguyên là 100 tỷ đồng (ứng vốn năm 2015 để tổ chức triển khai thực hiện ngay trong năm 2014).
Tuy nhiên, tại thời điểm báo cáo, Dự án cấp điện nông thôn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2013-2020 chưa được phân bổ vốn nên chưa có điều kiện triển khai thực hiện. Theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về phê duyệt chủ trương và quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư công (đối với các dự án phê duyệt trước ngày 01-01-2015 phải lập đề xuất chủ trương đầu tư), Sở Công Thương đã lập, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cấp điện nông thôn giai đoạn 2016-2020. Sau khi HĐND tỉnh có Văn bản số 408/HĐND-KTNS ngày 14-10-2015, thống nhất chủ trương đầu tư Dự án và giao UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện; ngày 21-10-2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2898/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án: Cấp điện nông thôn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020 (Văn bản đã gửi các Bộ Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư để được xem xét, bố trí nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương - Kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020).
Dự án cấp điện nông thôn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020 đã được thẩm định và cấp vốn thực hiện từ năm 2016, trong đó có: Xóm Trung Sơn (xã Quang Sơn); xóm Bãi Vàng (xã Hợp Tiến); xóm Liên Phương, xóm Mỏ Nước, xóm Bản Tèn và khu vực Tàng Pàn thuộc xóm Vân Lăng (xã Vân Lăng) của huyện Đồng Hỷ và xóm Lũng Cà, xóm Lũng Hoài (xã Thượng Nung) của huyện Võ Nhai, theo kiến nghị của cử tri các địa phương, thuộc danh mục 76 xóm, bản sẽ được đầu tư cấp điện khi Dự án được triển khai.
* Cử tri thị trấn Chợ Chu (Định Hóa) đề nghị tỉnh nghiên cứu, lồng ghép chức danh cán bộ y tế thôn bản với cán bộ dân số kế hoạch hóa gia đình.
Trả lời:
Căn cứ tiêu chuẩn, chức năng nhiệm vụ của Nhân viên y tế thôn bản và Cộng tác viên làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình thôn, bản quy định tại Thông tư số 07/2013/TT-BYT ngày 8/3/2013 của Bộ Y tế quy định chuẩn, chức năng nhiệm vụ của Nhân viên y tế thôn bản và Thông tư số 05/2008/TT-BYT ngày 14/5/2008 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy dân số - kế hoạch hóa gia đình ở địa phương; căn cứ quy trình tuyển chọn nhân viên y tế thôn bản và Cộng tác viên làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình thôn, bản cho thấy: việc tuyển chọn 02 chức danh nêu trên đều do xóm (thôn), bản giới thiệu, đề xuất, UBND cấp xã quyết định. Hiện nay một số địa phương trong tỉnh đã thực hiện việc lồng ghép 02 chức danh nêu trên, nhằm tinh gọn đội ngũ cán bộ ở cở sở, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần động viên khuyến khích cán bộ cơ sở gắn bó, tâm huyết với công việc được giao. UBND tỉnh sẽ tiếp thu ý kiến góp ý của cử tri, chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện trong thời gian tới.
* Cử tri các địa phương tiếp tục kiến nghị tỉnh tăng cường công tác quản lý giá, chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật.
Trả lời:
Về nội dung trên, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) và các đơn vị được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành xây dựng Kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về hàng hóa vật tư nông nghiệp (thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng và giống vật nuôi) đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp.
Tính đến 30-9-2015, tổng số cuộc thanh tra, kiểm tra về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi đã được tiến hành 12 cuộc. Trong đó: Sở Nông nghiệp và PTNT tiến hành 02 cuộc (01 cuộc kiểm tra vật tư nông nghiệp và 01 cuộc kiểm tra về giống cây trồng) và Chi cục Bảo vệ thực vật tiến hành 10 cuộc (01 cuộc thanh tra và 09 cuộc kiểm tra). Cụ thể:
* Về quản lý giá: 09 tháng đầu năm, Sở Nông nghiệp và PTNT đã thanh tra, kiểm tra đối với 253 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua thanh tra, kiểm tra, các cơ sở thực hiện tương đối tốt về việc niêm yết giá bán tại trụ sở kinh doanh.
* Về giống cây trồng:
- Tổng số cuộc đã tiến hành: 01 cuộc
- Tổng số cơ sở đã kiểm tra: 11 cơ sở. Trong đó: 02 tổ chức sản xuất và 09 cơ sở kinh doanh.
- Tổng số mẫu đã lấy để kiểm nghiệm chất lượng thực tế: 10 mẫu.
Kết quả: 09/10 mẫu có chất lượng thực tế phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; 01/10 mẫu có chất lượng thực tế không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Đoàn Thanh tra đã xử lý vi phạm hành chính đối với 01 cơ sở kinh doanh.
* Về thuốc bảo vệ thực vật:
- Tổng số cuộc đã tiến hành: 11 cuộc (01 cuộc thanh tra và 10 cuộc kiểm tra).
- Tổng số cơ sở đã kiểm tra: 383 cơ sở. Trong đó: 118 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và 265 hộ gia đình sử dụng.
- Tổng số cơ sở vi phạm: 132 cơ sở. Trong đó: 20 cơ sở kinh doanh, buôn bán và 112 hộ gia đình sử dụng.
- Biện pháp xử lý theo thẩm quyền:
+ Tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 18 cơ sở kinh doanh vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước: 54.500.000 đồng (Bằng chữ: Năm mươi tư triệu, năm trăm nghìn đồng chẵn).
+ Phạt cảnh cáo đối với 02 cơ sở kinh doanh.
+ Nhắc nhở, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng đối với 112 hộ gia đình sử dụng.
Trong năm tới, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng giống cây trồng, giống vật nuôi và thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Tăng cường công tác phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư hàng hóa nông nghiệp nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật; chấn chỉnh và đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
(Còn nữa)