Nhức nhối sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

17:11, 04/11/2015

Thời gian gần đây, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã gia tăng ở mức độ báo động cả về quy mô lẫn tính chất. Ở các tỉnh phía Nam, nếu trước đây sử dụng chất cấm chỉ xuất hiện ở các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, thì nay đã có ở cả các cơ sở chăn nuôi trang trại, thậm chí là các trang trại trong hệ thống chăn nuôi gia công của các tập đoàn lớn.

Sabultamol - chất tạo nạc/chất tăng trọng đã bị lạm dụng trong một thời gian dài. Tuy nhiên, những giám sát trên diện rộng mới đây cho thấy việc sử dụng loại chất cấm này có dấu hiệu bùng phát trở lại. Bên cạnh sabultamol, hiện nay trên thị trường còn xuất hiện chất vàng ô trong thức ăn để tạo màu thịt cho gà. Loại chất này vốn được sử dụng trong công nghiệp dệt và công nghiệp giấy, thế nhưng thời gian gần đây, đã được ngang nhiên sử dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm, gây nguy hại tới tính mạng người tiêu dùng (NTD).

 

Tình trạng sử dụng chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi không chỉ rộ lên tại các tỉnh phía Nam mà các mẫu thịt, thủy sản lấy tại thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành phố (TP) lân cận cũng cho kết quả dương tính với các chất này. Mới đây, trong cuộc họp triển khai đợt cao điểm năm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đã khẳng định: Mặc dù đã có nhiều quyết liệt từ phía các địa phương nhưng tình hình vi phạm VSATTP trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản vẫn chưa tiến triển, thậm chí vẫn nổi cộm những vấn đề gây bức xúc dư luận như tình trạng lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi, lạm dụng kháng sinh trong thú y, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, kích thích nông sản...

 

Nhiều địa phương đã báo cáo tình trạng vi phạm ATTP đang ở mức báo động. Theo đại diện của UBND T.P Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh, 9 tháng đầu năm 2015, cả hai thành phố lớn nhất nước đều tăng cường thanh, kiểm tra, lấy mẫu các loại nông, lâm thủy sản để phân tích, giám sát chất lượng. Song, do đặc điểm đô thị đông dân cư, mức tiêu thụ thực phẩm lớn, trong khi nguồn cung phụ thuộc khá nhiều vào các tỉnh, thành phố lân cận nên việc kiểm soát, giám sát chưa chặt chẽ. Còn tại các tỉnh vùng biên giới như Lạng Sơn, Lào Cai đều cho biết, do đường biên kéo dài, việc buôn bán qua lại giữa cư dân biên giới hai nước khó có thể kiểm soát, nên thuốc trừ sâu lậu vẫn tuồn qua biên giới.

 

Thời gian qua, thông tin thịt lợn có chứa chất tạo nạc bị cấm; và gần đây là gà dùng chất tạo màu có thể gây ung thư lan tràn trên các phương tiện thông tin đại chúng càng làm cho sự e ngại và lo lắng của NTD tăng lên. Dù chất tạo nạc đã bị cấm trong chăn nuôi nhưng do lợi nhuận, nhiều người vẫn bất chấp để sử dụng các chất cấm này. Có không ít nguyên nhân dẫn đến tình trạng sử dụng chất cấm như hiện nay, nhưng có lẽ phần nhiều do công tác kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi của các cơ quan chức năng, nhất là ở các địa phương có sự chểnh mảng; cùng với đó là giá lợn thịt tăng cao đã tác động đến tư tưởng hám lợi của những người chăn nuôi bất chính. Sự lỏng lẻo trong quản lý chất cấm salbutamol của ngành Y tế cũng là những khe hở làm gia tăng thêm tình trạng dùng chất này trong chăn nuôi.

 

Đợt cao điểm VSATTP do Bộ Nông nghiệp và PTNT phát động lần này sẽ kéo dài từ nay đến hết tháng 2-2016, trong đó tập trung giải quyết căn bản bức xúc nổi cộm hiện nay là tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đặc biệt là nhóm chất tạo nạc salbutamol và chất vàng ô; giảm thiểu rõ nét mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả và tồn dư hoá chất, kháng sinh trong thủy sản nuôi, tạo niềm tin cho NTD thực phẩm nông sản, thuỷ sản. Vấn đề ở đây không chỉ nhìn ở góc độ VSATTP mà còn hướng tới nông nghiệp, nông sản sạch phục vụ xuất khẩu và đảm bảo sức khỏe nhân dân.

 

Trên thực tế, việc buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chưa được ngăn chặn; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; kháng sinh, chất bảo quản trong thịt gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi còn ở mức cao gây bất an cho NTD. Tuy không phải là đại trà, nhưng phải khẳng định rằng, thông tin về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã ảnh hưởng đến cả ngành chăn nuôi và kinh doanh thực phẩm. Và đương nhiên, những người làm ăn chân chính cũng bị ảnh hưởng theo. Mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện ra trường hợp vi phạm nào, song những hiện tượng nêu trên cảnh báo NTD đã thông thái nay lại càng phải thông thái hơn khi lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày của gia đình mình, đảm bảo thực phẩm sạch, có địa chỉ rõ ràng. Để giúp cho NTD yên tâm hơn trong việc lựa chọn thực phẩm tiêu dùng, các ngành chức năng cần tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra thường xuyên việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bảo vệ thực phẩm tươi sống và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Cùng với đó, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để giúp cho người dân nâng cao nhận thức về VSATTP.

 

Hành vi buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cần phải được xử lý nghiêm, thậm chí có thể xử lý hình sự chứ không chỉ phạt tiền đối với các cơ sở, đối tượng vi phạm. Chúng ta cần vận động sự vào cuộc của các cấp hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, cảnh báo đến từng hộ dân và NTD về hành vi, sản phẩm, nguy cơ cụ thể trong việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Đặc biệt, từ nay đến Tết Nguyên đán là dịp cao điểm tiêu dùng thực phẩm, cùng với Trung ương, các ngành liên quan như Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Công Thương trên địa bàn tỉnh cần sớm có kế hoạch hướng dẫn cụ thể cho các địa phương vào cuộc; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, phát hiện những vấn đề còn lỏng lẻo, bất cập để kịp thời chỉnh đốn.

 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT khẳng định: “Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là một tội ác, không khác gì buôn bán ma túy. Chúng ta phải cùng nhau làm quyết liệt, dứt khoát phải chặn đứng tình trạng chất cấm trong đợt cao điểm này, còn vào cuộc đều đều như thời gian vừa qua thì cứ chìm xuống rồi lại bùng lên. Không thể chấp nhận tình trạng vì lợi ích của một vài cá nhân mà gây ảnh hưởng tới sức khỏe hàng chục triệu người”.

Chất cấm trong chăn nuôi gọi nôm na là chất tạo nạc chủ yếu thuộc nhóm Beta Agonist. Ở Việt Nam sử dụng phổ biến nhất salbutamol. Các chất này có tác dụng làm “bung đùi, nở mông, da óng mượt”. Trong cơ thể vật nuôi, salbutamol được bài tiết dần qua nước tiểu, nhưng vẫn tích lâu trong gan, thận, mỡ và không bị phân hủy khi nấu chín. Đây cũng là nguyên nhân khiến người ăn nội tạng bị ngộ độc, nguy cơ bị ung thư.