Ổn định đời sống nhân dân sau thu hồi đất

08:34, 06/11/2015

Những năm qua, T.P Sông Công đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn, đặc biệt là các tuyến đường giao thông huyết mạch, khu dân cư, đô thị, khu công nghiệp, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, kéo theo đó là diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Để giải quyết vấn đề này, Thành phố rất quan tâm đến việc chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho các hộ dân sau khi bị thu hồi đất…

Trong 5 năm qua, T.P Sông Công đã tiến hành thu hồi hơn 116ha đất phục vụ các dự án, công trình xây dựng (trong đó, đất nông nghiệp là trên 111ha, đất ở 2,43ha, đất khác là 2,27ha). Tổng cộng có 2.800 lượt hộ dân bị thu hồi đất, trên 5.000 lao động bị ảnh hưởng. Đây là những con số không nhỏ, đặt ra nhiều thách thức trong giải quyết việc làm cho người lao động sau thu hồi đất đối với một thành phố trẻ đang trên đà phát triển như Sông Công.

 

Ngay từ khi có quy hoạch và trong quá trình triển khai các dự án trên địa bàn, Thành phố đã giao nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), bảo đảm công khai, minh bạch, chống thất thoát. UBND Thành phố cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và các xã, phường thực hiện nhiều giải pháp cụ thể để giúp các hộ dân bị thu hồi đất chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm, ổn định đời sống. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ sử dụng hợp lý, hiệu quả số tiền bồi thường, hỗ trợ để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh các nghề mới.

 

Về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân trên địa bàn, ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất T.P Sông Công cho biết: Đây là vấn đề phức tạp, khó khăn (nhất là với các dự án lớn) vì liên quan đến hàng trăm hộ gia đình, cá nhân, tổ chức. Do vậy, chúng tôi luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ ý nghĩa quan trọng của các dự án đối với sự phát triển của địa phương. Để bảo đảm quyền lợi của người dân, chúng tôi thường xuyên phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư, linh hoạt đề xuất các giải pháp bồi thường, nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục, chi trả kịp thời và tập trung giải quyết vướng mắc cho các hộ dân. Nhờ đó nhiều dự án lớn đã được triển khai trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

 

Đơn cử như trong việc thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, do làm tốt công tác đền bù, GPMB nên đến nay, trên địa bàn T.P Sông Công đã có 2 khu công nghiệp (KCN) tập trung của tỉnh (KCN Sông Công I và II) cùng 3 cụm công nghiệp nhỏ với quy mô gần 580ha, thu hút hàng trăm doanh nghiệp đầu tư kinh doanh. Được biết, khi đóng chân trên địa bàn, Thành phố đã yêu cầu các đơn vị này ký cam kết sử dụng lao động địa phương, ưu tiên lao động không còn đất sản xuất. Trong 5 năm qua, trên địa bàn có khoảng hơn 6.000 lao động được các doanh nghiệp này nhận vào làm việc, trong đó có khoảng gần 3.000 người có đất thuộc diện thu hồi. Như trường hợp bà Nguyễn Thị Thao (52 tuổi), có 8 sào đất ruộng nằm trong dự án xây dựng Nhà máy may Shinwon (ở tổ dân phố Xuân Gáo, phường Cải Đan). Đồng tình với Dự án này, chấp thuận hiến đất, nhận đền bù song bà Thao từng rất lo lắng: Đất sản xuất còn lại ít, bản thân đã quá tuổi lao động nên rất khó để kiếm việc làm tại các công ty, trong khi “miệng ăn núi lở”. Tuy nhiên đúng như cam kết, Nhà máy may Shinwon đã mở lớp đào tạo nghề may tại tổ dân phố và ưu tiên tuyển dụng các hộ dân đã dành đất cho dự án. Con gái tôi là cháu Lưu Thị Thùy đã được Công ty nhận vào làm việc với mức lương trung bình từ 3-3,5 triệu đồng/tháng.

 

Cũng như bà Thao, ông Dương Ngọc Bảy đã nhượng một phần đất ở, đất ruộng ở tổ dân phố Cầu Gáo (phường Bách Quang) để phục vụ Dự án KCN Sông Công I. Hiện nay, gia đình ông đã ổn định đời sống tại khu tái định cư tổ dân phố Bình Minh, phường Bách Quang, mở cửa hàng kinh doanh đồ gỗ nội thất, chăn ga gối đệm. Ông Bảy chia sẻ: Nhận thấy Dự án có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của Thành phố, chúng tôi rất ủng hộ chủ trương này. Tôi nhận mức đền bù thỏa đáng, lại được bố trí ra nơi ở mới có nhiều thuận lợi, kinh tế gia đình cũng dần khá lên.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hầu hết các doanh nghiệp khi đã đầu tư trên địa bàn T.P Sông Công đều có cơ chế ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương, đặc biệt là với những hộ dân đã bàn giao đất cho doanh nghiệp. Đối với những hộ dân có đất, nhà ở nằm trong các dự án xây dựng khu đô thị, khu tái định cư, công trình xã hội... thì ngoài được giải quyết hỗ trợ kinh phí, hoặc đất ở có giá trị tương ứng theo đúng quy định của Nhà nước thì người dân cần phải chủ động học nghề tại các trung tâm, trường dạy nghề trên địa bàn. Trong 5 năm qua, Trung tâm Dạy nghề Thành phố đã đào tạo nghề cho hơn 1.000 lao động địa phương. Cùng với đó, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội cũng tạo điều kiện để người dân tiếp cận với những nguồn vốn vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các mô hình phát triển sản xuất kinh doanh...

 

Mặc dù T.P Sông Công đã rất nỗ lực trong công tác này, song quá trình triển khai cũng còn gặp nhiều khó khăn. Đối với người dân bị thu hồi đất chủ yếu là những người chưa qua đào tạo nghề nên gặp khó trong quá trình tìm việc làm, đặc biệt là với phụ nữ và người lớn tuổi. Mặt khác, tư tưởng của người dân vẫn còn thụ động, ngại sự đổi mới và trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp nên không có sự chuẩn bị nghề nghiệp mới.

 

Để khắc phục những những vấn đề này, ông Đặng Mộng Điệp, Phó Chủ tịch UBND T.P Sông Công cho biết: Thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện quy hoạch chi tiết sử dụng đất để xây dựng các KCN, khu đô thị, tránh tình trạng dự án treo gây ảnh hưởng đến đời sống người dân; hỗ trợ chuyển đổi lao động nông nghiệp sang các ngành nghề phi nông nghiệp khác thông qua đào tạo, hướng nghiệp; phát triển các khu đô thị, dịch vụ liền kề gắn với các KCN để người dân có thể tự tạo việc làm; tăng cường công tác đào tạo nghề nông thôn, khuyến khích người dân chủ động, tự chuyển đổi việc làm…