Sớm di dời các hộ dân ra khỏi vùng ô nhiễm

16:37, 04/11/2015

Gần chục năm nay, các gia đình ở tổ dân phố Chương Lương, phường Bách Quang (T.P Sông Công) phải sinh sống trong môi trường ô nhiễm nghiêm trọng do hoạt động của một số doanh nghiệp tại Khu công nghiệp (KCN) Sông Công I gây ra. Người dân đã nhiều lần gửi đơn thư đến các cấp chính quyền bày tỏ mong muốn sớm được di dời ra khỏi khu vực ô nhiễm, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Theo phản ánh của người dân, chúng tôi tìm đến gia đình bà Nguyễn Thị Nụ, ở tổ dân phố Chương Lương, phường Bách Quang. Gia đình bà ở cách khu vực sản xuất của Nhà máy Kẽm điện phân (thuộc Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên) khoảng hơn 100m. Bà Nụ cho biết: “Từ khi Nhà máy đi vào hoạt động (năm 2006) cả 6 người trong gia đình tôi đều mắc những bệnh về đường hô hấp, riêng tôi và 2 đứa cháu nội bị ho quanh năm. Hằng ngày, chúng tôi phải hít luồng không khí có mùi rất khó chịu, khiến mắt, cổ họng cay xè. Ban đêm, luồng khí ấy nhiều và đặc hơn khiến mọi người đều tức ngực, khó thở”. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà toàn bộ 6.000m2 cây ăn quả của gia đình bà nhiều năm nay không cho thu hoạch, rụng hết lá rồi chết khô.

 

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, ông Dương Anh Ngọt, người dân tổ dân phố Chương Lương phản ánh: “Không khí thải ra từ các nhà máy trong KCN Sông Công I có mùi rất khó chịu khiến cả gia đình tôi đều mắc chứng khó thở, chóng mặt, đau đầu… Cánh cổng sắt của gia đình tôi còn bị han rỉ, thường xuyên phải sơn lại, đến sắt thép còn không chịu nổi, huống chi là con người! Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng của tỉnh, thành phố nhưng đến nay, mọi chuyện vẫn không có gì thay đổi. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi bây giờ là được di dời đến nơi ở khác, sớm ngày nào tốt ngày đó”.

 

Ông Cao Văn Minh, Tổ trưởng tổ dân phố Chương Lương cho biết: Nước thải từ các nhà máy nằm trong KCN Sông Công I còn ảnh hưởng đến hơn 10ha lúa và hoa màu tại các cánh đồng Kè, Tràng Ba, La Nhặm của người dân tổ dân phố Chương Lương và Làng Mới. Nếu như trước đây lúa ở những cánh đồng này cho năng suất trung bình từ 180-200kg/sào thì từ năm 2007 đến nay, dù được chăm bón tốt đến đâu cũng chỉ cho năng suất cao nhất là từ 80-100kg/sào (giảm 50%). Riêng năm 2013 và 2014, nhiều diện tích lúa của bà con không được thu hoạch do nước thải của KCN tràn vào ruộng làm chết lúa.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phú Hùng, Giám đốc Nhà máy Kẽm điện phân - một trong những doanh nghiệp được người dân cho là đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường tại KCN Sông Công I - thừa nhận: Trước đây do chưa làm chủ công nghệ nên Nhà máy đã gây những tác động xấu về môi trường làm ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân xung quanh. Trước thực trạng đó, vài năm trở lại đây, Nhà máy đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để đầu tư cải tiến công nghệ nhằm khắc phục tình trạng này. Đặc biệt, tháng 10-2015, Nhà máy đã đưa vào sử dụng hệ thống xử lý khí thải với tổng kinh phí xây dựng trên 6,6 tỷ đồng. Hiện nay, theo đánh giá của Trung tâm quan trắc và Công nghệ môi trường thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường thì khí thải của Nhà máy thải ra môi trường đã nằm trong ngưỡng an toàn cho phép. Tuy nhiên, do hộ dân nằm quá gần khu vực sản xuất của Nhà máy nên ít nhiều vẫn bị ảnh hưởng. Vì vậy, đề nghị chính quyền T.P Sông Công sớm có phương án di dời để đảm bảo cuộc sống cho người dân. 

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tổ dân phố Chương Lương có hơn 80 hộ dân thì hầu như gia đình nào cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động của các nhà máy trong KCN Sông Công I gây ra. Trong số đó có 9 hộ chịu ảnh hưởng nặng nhất vì nằm ngay sát KCN. Mặc dù hàng năm, các doanh nghiệp ở đây đều phối hợp với chính quyền địa phương thống kê thiệt hại về tài sản, cây cối, hoa màu để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Mong muốn chính đáng của người dân lúc này là được di dời đến nơi ở mới an toàn hơn, đang cần được các cấp chính quyền ở T.P Sông Công sớm xem xét, giải quyết.