Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Thái Nguyên được thành lập ngày 20-11-2000 theo Quyết định số 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Qua chặng đường 15 năm xây dựng và phát triển, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tạo bước tiến mới trong phát triển các KCN tập trung, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Ngay sau khi có Quyết định thành lập Ban Quản lý các KCN, tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo xây dựng, phát triển các KCN theo đúng quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, cho đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 4 KCN đi vào hoạt động. Hệ thống kết cấu hạ tầng trong hàng rào các KCN của tỉnh ngày càng được đầu tư đồng bộ, hiện đại góp phần đổi mới, thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào KCN gắn với xây dựng các đô thị liền kề văn minh, hiện đại tạo sự tác động tương hỗ với nhau.
Việc hình thành và phát triển các KCN đã đóng góp lớn vào thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư FDI. Năm 2012, tỉnh có 2 KCN đi vào hoạt động, với diện tích bồi thường GPMB 150ha; thu hút được 74 dự án, trong đó có 8 dự án FDI (với số vốn đăng ký là 22 triệu USD) và 66 dự án trong nước (vốn đăng ký gần 6.000 tỷ đồng); tạo việc làm cho khoảng 6.000 lao động; doanh thu tiêu thụ đạt 4.000 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 50 tỷ đồng. Từ năm 2013 trở lại đây, tỉnh đã có 4 KCN đi vào hoạt động, với diện tích đất bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) gần 700ha, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thu hút được 133 dự án, trong đó có 61 dự án FDI vốn đăng ký 7 tỷ USD và 72 dự án trong nước vốn đăng ký trên 11.000 tỷ đồng. Trong số 133 dự án đăng ký, đến năm 2015 đã có gần 100 dự án đi vào hoạt động đem lại một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng như: Vốn đầu tư trong nước ước thực hiện 7.700 tỷ đồng (chiếm 70% tổng vốn đầu tư trong nước đã đăng ký); vốn FDI thực hiện ước đạt 6,2 tỷ USD (chiếm 88,57% tổng vốn FDI đã đăng ký và chiếm tỷ trọng 86,11% vốn FDI giải ngân trên toàn tỉnh); kim ngạch xuất khẩu dự ước 18,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 97,2% tổng kim ngạch xuất khẩu trên toàn tỉnh; giải quyết việc làm cho 95.000 lao động (chiếm tỷ lệ 57,9% lực lượng lao động làm việc trong khu vực công nghiệp - xây dựng) với thu nhập bình quân 5,7 triệu đồng/người/tháng; nộp ngân sách Nhà nước khoảng 2.100 tỷ đồng. Theo kế hoạch, khi các dự án FDI giải ngân hết vốn đầu tư đăng ký vào năm 2018 và hết thời gian miễn thuế thu nhập doanh nghiệp chuyển sang thời gian giảm thuế, nguồn thu thuế từ các doanh nghiệp trong KCN ước đạt 4.500 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 40 tỷ USD, giải quyết việc làm khoảng 16 vạn lao động…
Bên cạnh việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, thì các doanh nghiệp đầu tư vào KCN còn tạo sức lan tỏa cả về kinh tế, xã hội và môi trường đối với địa phương và các tỉnh trong vùng Trung du miền núi Bắc bộ, đó là: Đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, thúc đẩy hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm sản xuất từ nông nghiệp; tạo thêm việc làm, thu nhập cho cộng đồng dân cư liền kề KCN, bằng chuyển đổi mô hình sản xuất, từ sản xuất nông nghiệp truyền thống, nhỏ lẻ, chuyển sang sản xuất cung ứng dịch vụ như dịch vụ nhà ở, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu,… phục vụ cho sinh hoạt của công nhân và người lao động trong KCN; huy động được nguồn lực tổng hợp tham gia xây dựng hạ tầng nông thôn như đường giao thông, điện lưới, trường học, trạm y tế bằng nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp; đầu tư xây dựng công trình bảo vệ môi trường chung hiện đại, nâng cao ý thức của doanh nghiệp, người lao động, cộng đồng dân cư liền kề tham gia vào thực hiện tốt pháp luật bảo vệ môi trường…
Có thể khẳng định, sau 15 năm hình thành và phát triển các KCN đã đưa Thái Nguyên trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư trong cả nước, đặc biệt là thu hút các dự án FDI. Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan thì thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn thời gian qua cũng bộc lộ những hạn chế nhất định, như: Chất lượng nhiều dự án đầu tư ở giai đoạn 2000-2012 còn thấp, hiệu quả kinh tế - xã hội tạo ra chưa cao, chưa tương xứng với mức độ khai thác và sử dụng nguồn lực; một số doanh nghiệp KCN có năng lực quản trị, điều hành sản xuất kinh doanh yếu, khả năng tài chính khó khăn, công nghệ lạc hậu, chi phí giá thành sản phẩm cao nên khả năng cạnh tranh thấp dẫn đến thua lỗ kéo dài, thậm chí dẫn đến giải thể, ngừng sản xuất kinh doanh; ý thức chấp hành pháp luật môi trường của một số doanh nghiệp yếu và còn tình trạng gây ô nhiễm môi trường ở một số doanh nghiệp KCN...
Để tiếp tục gia tăng thu hút đầu tư vào các KCN tạo động lực đột phá cho tăng trưởng kinh tế địa phương những năm tới, thì cần tập trung vào những giải pháp chủ yếu sau: Cho phép các chủ đầu tư hạ tầng KCN sử dụng vốn ngân sách Nhà nước được vận động và sử dụng toàn bộ tiền ứng trước tiền thuê đất có hạ tầng nộp một lần 50 năm của nhà đầu tư thứ cấp để thực hiện công tác bồi thường GPMB, tạo quỹ đất sạch gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ để thu hút đầu tư. Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), xây dựng, củng cố và tạo lập niềm tin cho các nhà đầu tư. Xây dựng và ban hành cơ chế của địa phương để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đầu tư đổi mới công nghệ, tạo sức cạnh tranh sản phẩm từ KCN, nhất là đối với doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Mạnh dạn đưa ra khỏi danh mục những KCN có lợi thế so sánh kém, đề xuất bổ sung những KCN mới có lợi thế so sánh tốt và thuận lợi trong triển khai để trình cấp có thẩm quyền bổ sung vào Danh mục các KCN Việt Nam. Khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sử dụng lao động của địa phương. Điều chỉnh, sửa đổi và bổ sung cơ chế hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho người dân vùng dự án. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt chính sách bồi thường GPMB, hỗ trợ tái định cư và nhà ở cho công nhân. Khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư hạ tầng KCN và doanh nghiệp thứ cấp đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường. Điều chỉnh các chế tài xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm Luật môi trường. Thành lập quỹ bảo vệ môi trường các KCN, các khu tái định cư, khu đô thị và khu nhà ở công nhân liền kề các KCN…
Với chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về xây dựng và phát triển các KCN, tin tưởng rằng tỉnh ta sẽ tiếp tục có những bước phát triển nhanh, bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra.