Ngày 21-9-2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 24/QĐ-UBND về việc điều chỉnh mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng hè đường, lề đường, bến, bãi, mặt nước trên địa bàn tỉnh. Việc điều chỉnh lần này là cần thiết và phù hợp với thực tế phát triển hiện nay. Tuy nhiên, thực tế trong quá trình thực hiện đang còn nhiều vuớng mắc từ cơ sở cần được tháo gỡ.
Phí sử dụng lề đường, bến bãi, mặt nước trên địa bàn tỉnh được thực hiện từ năm 2004 và điều chỉnh mức thu tại Quyết định số 268/QĐ-UBND ngày 2-2-2007. Sau 8 năm thực hiện, vừa qua Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 13, điều chỉnh lại mức thu phí và đã được HĐND tỉnh phê chuẩn. Mức thu phí mới áp dụng từ ngày 1-10-2015. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, rất nhiều các tổ chức, cá nhân nằm trong diện bị điều chỉnh vẫn chưa được tiếp cận với nội dung này.
Doanh nghiệp Thắng Lá (có trụ sở tại xã Thuận Thành, T.X Phổ Yên) đầu tư xây dựng bến cảng tại khu vực bến Đa Phúc. Theo Quyết định, việc thu phí từ khách hàng là chủ tàu, thuyền sẽ do Công ty thực hiện, sau đó nộp 30% tổng số phí thu được vào ngân sách Nhà nước và được giữ lại 70% để doanh nghiệp tự trang trải. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thắng, chủ doanh nghiệp thì hiện nay, các tàu ra vào cảng ở khu vực bến Đa Phúc đã có bộ phận cảng vụ phụ trách địa bàn thu phí. Chủ cảng không thu gì ngoài chi phí bốc dỡ hàng, có chăng chủ phương tiện chủ động đóng góp thêm tiền điện thắp sáng. Trên thực tế, hoạt động kinh doanh tại cảng đang rất ảm đạm, nếu tiến hành áp dụng thu phí theo quyết định mới tại thời điểm này sẽ rất khó khăn cho chủ cảng.
Cùng hoạt động tại khu vực bến Đa Phúc, Công ty CP Xăng dầu dầu khí Thái Nguyên (Tổng Công ty Dầu Việt Nam) xin cấp phép đầu tư xây dựng bến cảng cuối năm 2014, chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2015. Tổng mức đầu tư của dự án là trên 30 tỷ đồng. Ông Nguyễn Phi Hùng, Phó Giám đốc Công ty CP Xăng dầu dầu khí Thái Nguyên cho rằng: Khoản thu này chưa hợp lý bởi vì chúng tôi là đơn vị sản xuất. Cảng được xây dựng với mục đích để tàu thuyền của công ty trung chuyển hàng, không có hoạt động kinh doanh bến bãi nên không thể thu phí từ ai khác. Hơn nữa, chúng tôi đang phải nộp rất nhiều các loại phí như: Phí bảo vệ môi trường, phí quan trắc môi trường, phí đảm bảo duy trì hệ thống kho… Trong 9 tháng năm 2015, Công ty đã nộp trên 40 tỷ đồng thuế và phí các loại.
Chưa biết hoặc mới chỉ được đọc được thông tin trên báo là câu trả lời của hầu hết các tổ chức, cá nhân khi được hỏi về Quyết định điều chỉnh lần này. Vì vậy, dù đã qua hơn một tháng từ khi Quyết định có hiệu lực thi hành, nhiều đơn vị vẫn chưa biết phải triển khai như thế nào. Ông Lương Tiến Thành, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải Thái Nguyên băn khoăn: Chúng tôi chưa nhận được văn bản nào thông báo về quy định mới này và nếu áp dụng cũng phải có thời gian để chúng tôi thông tin tới các đối tượng có hoạt động bốc xếp hàng qua cảng của mình và để thực hiện được thì các cơ quan chức năng, nhất là Sở Tài chính phải có văn bản hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp.
Bên cạnh việc thiếu thông tin, một số doanh nghiệp còn thắc mắc về mức thu phí. Công ty CP Khách sạn du lịch Công đoàn Hồ Núi Cốc có hoạt động kinh doanh trên mặt nước hồ Núi Cốc, hiện đang có 50 tàu thuyền lớn nhỏ. Hiện, Công ty đang tiến hành đóng mới gần 100 chiếc thuyền nhỏ khác để phục vụ nhu cầu tham quan hồ của du khách và làm đẹp thêm cảnh quan hồ. Tuy nhiên, trên thực tế, số tàu thuyền này mỗi năm chỉ hoạt động được 5 tháng (thời điểm mùa hè). Thời gian còn lại, hồ phải tháo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước cạn nên tàu thuyền du lịch không thể hoạt động được. Ông Phạm Vũ Luân, Phó Giám đốc Công ty đề nghị: Chúng tôi mong cấp trên xem xét để điều chỉnh cho phù hợp với từng doanh nghiệp. Nếu một năm thu cả 12 tháng thì quá khó khăn cho chúng tôi.
Đối với phí sử dụng lề đường, hè đường sẽ được thực hiện theo quy hoạch. Quyết định cũng đã phân định từng khu vực từ I đến IV để các địa phương làm căn cứ thực hiện. Song, trên thực tế, việc triển khai thu phí vẫn đang và sẽ còn gặp nhiều vướng mắc. Chị Phạm Thị Kim Thoa, chuyên viên Phòng Quản lý đô thị T.P Thái Nguyên bày tỏ: Trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 24/QĐ-UBND chúng tôi thấy còn một số bất cập: Chưa phân loại rõ các loại hình kinh doanh, đặc biệt là các loại hình kinh doanh ưu tiên phục vụ cho hạ tầng xã hội (trông giữ xe, điện, nước, viễn thông đi ngầm dưới mặt đất); thời gian ban hành văn bản đến khi thực hiện là quá ngắn...
Trước những vướng mắc, băn khoăn từ cơ sở, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Tiến Thát, Trưởng phòng Quản lý giá (Sở Tài chính) - đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định này. Ông Thát cho hay: Phí sử dụng lề đường, bến bãi, mặt nước được thực hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2004 và được điều chỉnh mức thu vào năm 2007. Sau 8 năm thực hiện, do phần lớn các lề đường, hè đường đã được đầu tư, nâng cấp, nên hiệu quả từ việc sử dụng của người thuê ngày càng cao hơn. Với chỉ số trượt giá trong 8 năm qua thì mức thu điều chỉnh tăng khoảng 10-15% như hiện nay là không nhiều. Tuy nhiên phải thừa nhận một thực tế rằng, ở một số địa phương, quy định này trước đây chưa được thực hiện triệt để. Để tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện và để quy định này có chỗ, có nơi còn bị “thả nổi” như thời gian qua thì việc tuyên truyền rộng rãi, cụ thể về chính sách này cần được tăng cường hơn nữa. Đồng thời cần có sự nghiên cứu, xem xét và áp dụng phương thức thu cho phù hợp với từng đơn vị, tổ chức, cá nhân, để đảm thu đúng, thu đủ và không làm thất thoát ngân sách Nhà nước.