Tình trạng xây dựng sai phép, không phép trên địa bàn tỉnh không phải bây giờ mới được nhắc đến, nhưng phổ biến như hiện nay quả là đáng báo động. Điều đáng nói là tại sao các công trình trái quy định vẫn mọc lên mà không bị phát hiện, xử lý ngay từ đầu?
Dư luận và báo chí thời gian gần đây đã nhắc nhiều đến hai công trình xây dựng vi phạm điển hình nằm trong Khu du lịch hồ Núi Cốc là Trung tâm thương mại du lịch và Bến thuyền Thiên Nga. Đây là hai công trình có quy mô lớn được đầu tư hàng chục tỷ đồng và hiện đã thi công xong phần thô. Riêng tòa nhà Trung tâm thương mại du lịch đã xây dựng xong tầng 7 và đang trong quá trình hoàn thiện. Theo Kết luận của Thanh tra Sở Xây dựng thì cả hai công trình đều không có Giấy phép xây dựng, thi công khi chưa có đầy đủ hồ sơ theo quy định, vi phạm về quản lý lòng hồ. Mặc dù đã bị đình chỉ xây dựng, xử phạt vi phạm hành chính (40 triệu đồng) nhưng dư luận vẫn cho rằng cần phải có hình thức xử lý mạnh tay và quyết liệt hơn với chủ đầu tư bởi đây là hai công trình lớn, xây dựng ngay tại Trung tâm Khu du lịch trọng điểm của tỉnh, lại ngang nhiên xây dựng không phép. Dư luận cũng mong muốn tỉnh xử lý nghiêm trường hợp này để răn đe, bảo vệ tính thượng tôn của pháp luật, giống như Thủ tướng Chính phủ mới đây đã yêu cầu T.P Hà Nội kiên quyết cho phá bỏ phần xây dựng sai phép đối với công trình Tòa nhà 8B Lê Trực (Hà Nội). Chánh Thanh tra Sở Xây dựng, ông Nguyễn Văn Dương cho biết, Sở đã có báo cáo và đề xuất cụ thể hai trường hợp này với UBND tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo xử lý trên tinh thần nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
Không điển hình như hai trường hợp trên nhưng lại là công trình vi phạm ngay giữa trung tâm T.P Thái Nguyên, cũng được dư luận quan tâm đó là tòa nhà 7 tầng nằm trên trục đường Phan Đình Phùng, thuộc tổ 28, phường Phan Đình Phùng. Theo ông Nguyễn Tô Vũ, Phó đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng, giao thông T.P Thái Nguyên thì công trình này xây dựng sai với nội dung cấp phép, tức là được cấp phép xây 6 tầng, nhưng lại xây thêm tầng 7. Công trình này được phát hiện sai quy định từ khá lâu nhưng đến nay Đội vẫn chưa nhận được báo cáo kết quả xử lý từ UBND phường Phan Đình Phùng...
Theo báo cáo mới nhất của Đội Quản lý trật tự xây dựng, giao thông T.P Thái Nguyên thì từ đầu năm đến nay, đơn vị đã đôn đốc kiểm tra hơn 400 công trình xây dựng trên địa bàn, trong đó xử phạt 3 trường hợp xây dựng không phép và 26 trường hợp sai phép với số tiền trên 212 triệu đồng. Trường hợp vi phạm bị xử lý tập trung chủ yếu ở các phường trung tâm Thành phố là Phan Đình Phùng (6 trường hợp), Trưng Vương (5 trường hợp), Túc Duyên (5 trường hợp), Gia Sàng (3 trường hợp)... Còn theo báo cáo xử lý vi phạm (theo thẩm quyền) của cấp phường, xã trên địa bàn T.P Thái Nguyên thì gần 11 tháng qua, các địa phương đã kiểm tra hơn 1.370 trường hợp, trong đó phát hiện và xử lý 111 trường hợp xây dựng không phép, 120 trường hợp xây sai phép và 17 trường hợp xây trên đất không được phép xây dựng (có 4 trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp) với số tiền xử phạt trên 45,6 triệu đồng.
Không chỉ có địa bàn T.P Thái Nguyên mà ở hầu khắp các địa phương khác trong tỉnh, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra khá phổ biến và có chiều hướng gia tăng. Ngay như ở huyện vùng cao Võ Nhai hay huyện miền núi Định Hóa, tình trạng làm nhà xuống ruộng, xây nhà không phép hoặc sai phép cũng xảy ra.
Vậy, việc vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh diễn ra từ nhiều năm nay và đang có biểu hiện gia tăng là do đâu? Trước tiên phải nói rằng, công tác phát hiện sớm các công trình xây dựng sai phép, không phép còn nhiều hạn chế. Hầu hết các công trình xây dựng xong hoặc cơ bản hoàn thành thì mới bị phát hiện, nên dẫn đến tình trạng "sự đã rồi", người vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính và được yêu cầu hợp thức thủ tục hồ sơ sao cho hợp lệ. Theo một số cán bộ làm công tác kiểm tra trật tự xây dựng cấp phường, xã thì do tỷ lệ vi phạm lớn, nếu phải buộc phá bỏ công trình vi phạm thì sẽ rất tốn kém, lãng phí tiền của nên hầu như chỉ xử lý vi phạm hành chính. Trong khi đó, chế tài xử lý còn khá nhẹ, cụ thể như trường hợp xây dựng sai phép chỉ bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng... Ở địa bàn các phường, xã thuộc T.P Thái Nguyên, trong năm qua cũng chỉ có 2 công trình bị cưỡng chế, tháo dỡ. Như vậy có nghĩa, tính răn đe còn chưa đủ mạnh để khiến các trường hợp khác thấy vậy mà không dám vi phạm.
Theo Thanh tra Sở Xây dựng thì do lực lượng thanh tra chuyên ngành còn rất mỏng, hơn nữa quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng giữa cấp tỉnh và các địa phương chưa có, nhiệm vụ quản lý đôi chỗ còn chồng lấn nên rất khó để phát hiện và xử lý sớm các trường hợp vi phạm. Mặt khác, nhiều lộ giới đường ở các tuyến phố, khu dân cư chưa ổn định, hay phải điều chỉnh nên cũng dễ tạo ra các trường hợp sai phạm. Việc theo dõi, quản lý về trật tự xây dựng ở cấp cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, nếu không muốn nói có nơi bị buông lỏng...
Trao đổi vấn đề này với ông Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng, chúng tôi được biết cơ quan này đang tham mưu cho UBND tỉnh để có phương án xử lý cao nhất đối với một số trường hợp vi phạm điển hình để làm gương. Cũng giống như việc Hà Nội xử lý trường hợp xây dựng sai phép tại Tòa nhà 8B Lê Trực, tỉnh ta cũng cần cương quyết, dứt khoát hơn trong xử lý để lập lại trật tự, kỷ cương trong xây dựng. Đây không chỉ là việc làm mang tính răn đe đối với xã hội mà còn là bài học cho công tác quản lý trật tự xây dựng ở địa phương.