Chúng ta vừa chứng kiến một kỳ họp Quốc hội với phiên chất vấn và trả lời chất vấn chưa có trong tiền lệ, không chốt danh sách các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn, cũng không theo nhóm vấn đề. Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, 3 Phó Thủ tướng Chính phủ, 16 vị "tư lệnh" ngành, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao đều cùng trả lời chất vấn. Rất nhiều vấn đề bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội đã được đặt lên bàn nghị sự. Nhiều hạn chế, yếu kém trong điều hành đã được các đại biểu của dân thẳng thắn đề cập với mong muốn các bộ, ngành tiếp tục có giải pháp tích cực.
Việc trả lời chất vấn của Chủ tịch Quốc hội rất có ý nghĩa, đặc biệt là trong hệ thống chính trị của chúng ta để thấy rằng không có ai nằm ngoài việc phải trả lời chất vấn. Sự xuất hiện của Chủ tịch Quốc hội giữa một số cuộc chất vấn tại nghị trường, ngắt lời một số "tư lệnh" ngành đã làm nên nét kịch tính và hấp dẫn cho những tranh luận. Rõ ràng, cách chất vấn truy đến cùng vừa tránh được cách trả lời diễn giải, dài dòng; đồng thời hướng thẳng đến trách nhiệm của các bộ trưởng đối với những vấn đề thuộc mình quản lý.
Có thể nói, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần này đã thể hiện tinh thần dân chủ, minh bạch, công khai… Nội dung, cách thức tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn có sự đổi mới tích cực. Rất nhiều vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh thu hút sự quan tâm của toàn xã hội đã được các đại biểu đề cập như: Tình hình nợ công, nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản hay việc thay đổi giảng dạy môn Lịch sử từ độc lập sang tích hợp trong môn học mới… Có lĩnh vực đang gây hoang mang trong dư luận đã được đề cập rất thẳng thắn như: Những giải pháp quyết liệt để chặn đứng việc quan chức Nhà nước chạy đua nước rút, thực hiện những "chuyến tàu vét" cuối cùng trước khi "hạ cánh"… Các đại biểu chất vấn với tinh thần trách nhiệm cao, hết sức thẳng thắn trên quan điểm xây dựng.
Đa số các thành viên Chính phủ đã trả lời trực tiếp vào vấn đề được hỏi, không né tránh những vấn đề gai góc, phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu ra; nhận trách nhiệm về cá nhân mình và đề xuất giải pháp để quyết tâm làm chuyển biến tình hình. Lãnh đạo Chính phủ, bộ trưởng và đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần tranh luận sôi nổi, nhiều nội dung đi đến tận cùng của vấn đề… Đây là kỳ họp có nhiều đổi mới, đặc biệt là đổi mới trong việc tranh luận, chất vấn và trả lời chất vấn.
Tỉnh ta đang chuẩn bị cho kỳ họp HĐND cuối năm với nhiều quyết sách quan trọng sẽ được thông qua. Đây cũng là dịp để kiểm nghiệm, đánh giá hiệu quả hoạt động giám sát, chất vấn của nhiệm kỳ vừa qua, rút ra những bài học cần thiết để tiếp tục hoàn thiện chức năng quan trọng này của HĐND tỉnh.
Mục đích cuối cùng của chất vấn và trả lời chất vấn là để xác định rõ trách nhiệm cá nhân, nhận diện những vấn đề đang đặt ra, đang tồn tại để tìm giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy sự phát triển. Do vậy, không khí dân chủ, thẳng thắn, xây dựng cũng như tinh thần cầu thị, trách nhiệm của các vị "tư lệnh" ngành mà các đại biểu HĐND và cử tri trên địa bàn toàn tỉnh được đón nhận từ phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này sẽ là sự khẳng định, thể hiện một tinh thần mới trong hoạt động giám sát của HĐND.
Có một thực trạng tại các kỳ họp hiện nay là vẫn còn đại biểu HĐND khi tham luận hoặc giải trình, trả lời chất vấn bằng cách đứng lên đọc một bài phát biểu đã được chuẩn bị sẵn như một báo cáo; có khi những phần không thuộc nội dung trả lời chất vấn hoặc trùng lặp nhưng cũng không rút ngắn lại gây lãng phí thời gian. Việc tranh luận, đưa ra những quan điểm khác nhau trước khi quyết định các vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh là hết sức cần thiết. Khi tranh luận phải nhất quán là chỉ xoay quanh chủ đề, luận điểm bàn luận, không được nhằm vào cá nhân và bản thân của người tham gia tranh luận.
Tranh luận trong nghị trường cũng như các diễn đàn là một hình thức trao đổi ý kiến không thể thiếu, thể hiện tính dân chủ và văn minh. Yêu cầu đặt ra với người tranh luận là phải xem xét, cân nhắc các quan điểm, cách giải thích khác nhau, phải đánh giá ảnh hưởng của sự chủ quan và cảm tính. Đồng thời, cần chú tâm vào việc tìm sự thật cũng như sẵn sàng chấp nhận có những quan điểm không được nhiều người đồng tình. Tranh luận cũng rất có thể là cơ hội đánh thức được những tư duy mới, hướng tới những giá trị mới của sự thật. Khi tranh luận trở nên cởi mở và nghiêm túc chính là dấu hiệu của xã hội lành mạnh.
Cử tri toàn tỉnh đang hướng về kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XII với niềm tin và kỳ vọng. Trong rất nhiều sự kiện diễn ra mỗi ngày, cử tri vẫn luôn quan tâm, dõi theo và hướng về kỳ họp qua các kênh thông tin, nhất là phiên chất vấn tại nghị trường. Người dân rất mong muốn kỳ họp lần này, các vị đại biểu HĐND tỉnh sẽ tiếp thu tinh thần của kỳ họp Quốc hội lần thứ 10 khóa XIII vừa qua, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân để việc tranh luận, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường sôi nổi hơn, đi thẳng vào những vấn đề gai góc, những vấn đề nóng mà xã hội đang quan tâm, góp phần vào thành công của Kỳ họp.