Hiệu ứng tích cực của một chương trình lớn

11:00, 18/12/2015

Ngày 19-7-2012, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-HĐND quy định hỗ trợ đầu tư và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Ngay sau đó, UBND tỉnh đã triển khai Nghị quyết thông qua Chương trình hỗ trợ xi măng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Việc thực hiện Chương trình có hiệu ứng tích cực tại các địa phương, đặc biệt là tạo nền tảng vững chắc cho phong trào làm đường giao thông, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới.  

Những ngày này, người dân xóm La Giang, xã Bá Xuyên (T.P Sông Công) vui lắm bởi con đường đất đỏ của xóm đã được bê tông hóa. Vậy là từ nay, bà con không còn phải đi trên con đường “nắng bụi, mưa lầy” nữa, việc giao thương hàng hóa cũng thuận lợi hơn trước rất nhiều. Ông Đặng Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Bá Xuyên cho biết: Nhờ được hỗ trợ xi măng theo Chương trình của tỉnh nên bà con trong xóm mới mạnh dạn đóng góp tiền và ngày công lao động để đổ bê tông con đường này.
Được biết trong năm 2015, xã Bá Xuyên được tỉnh hỗ trợ 440 tấn xi măng để cứng hóa gần 3km đường giao thông và con đường vào xóm La Giang là 1 trong 9 tuyến đường trên địa bàn xã đã được đổ bê tông hóa. Đến thời điểm này, xã đã cứng hóa được 33/34km đường giao thông liên xóm, trong đó có hơn 10km được thực hiện theo Chương trình hỗ trợ xi măng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn của tỉnh.

 

Cũng giống như xã Bá Xuyên, từ khi được hỗ trợ xi măng theo Chương trình của tỉnh, phong trào làm đường bê tông đã phát triển rộng khắp ở xã Phú Đô (Phú Lương). Ông Phạm Ngọc Tân, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước năm 2012, xã chỉ có gần 1km đường bê tông, nhưng đến nay đã cứng hóa được khoảng 20/50km đường liên xóm.

 

Tìm hiểu thực tế chúng tôi nhận thấy, từ năm 2012 đến nay, phong trào cứng hóa đường giao thông nông thôn phát triển khá mạnh ở rất nhiều xã trong tỉnh (toàn tỉnh có hơn 140 xã nông thôn). Chị Nguyễn Thị Thế, ở xóm Phú Nam 5, xã Phú Đô chia sẻ: Khi cứng hóa các tuyến đường, nguồn vốn đầu tư cho xi măng là lớn nhất. Trước đây, các hộ dân trong xóm đã nhiều lần bàn bạc để thống nhất việc làm đường nhưng do nguồn vốn đầu tư quá lớn nên chúng tôi không thể thực hiện được. Chỉ khi được Nhà nước hỗ trợ xi măng, các hộ gia đình góp thêm tiền mua cát, sỏi… thì tuyến đường của xóm mới được bê tông sạch sẽ như ngày hôm nay.

 

Cũng từ Chương trình hỗ trợ xi măng của tỉnh, nhiều tuyến đường vào các xóm, bản vùng cao đặc biệt khó khăn, có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống đã được cứng hóa. Thậm chí nhiều tuyến đường hiểm trở như Lũng Luông, Lũng Hoài của xã Thượng Nung và Khuổi Mèo của xã Sảng Mộc (Võ Nhai) cũng đã được bê tông tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Chị Hoàng Thị Sùng, bản Lũng Luông chia sẻ: Đầu năm, khi con đường bê tông hoàn thành, bà con mình vui lắm! Mỗi lần đi trên con đường này, ai cũng hỉ hả hỏi nhau, có phải chúng mình nằm mơ không nhỉ? Rồi mọi người bấu vào tay nhau cười vang, không phải mơ đâu, là thật đấy. Chúng mình cảm ơn Đảng và Nhà nước rất nhiều…

 

Tính đến nay, Chương trình hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện được 3 năm. Theo thống kê của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tỉnh, từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ cho các xã nông thôn hơn 200 nghìn tấn xi măng. Các địa phương đã sử dụng nguồn xi măng đúng mục đích, qua đó đã xây dựng được xấp xỉ 2.000 công trình đường giao thông nông thôn, với tổng chiều dài gần 1.100km. Cũng từ Chương trình này đã tạo ra phong trào hiến đất, đóng góp tiền để làm đường ở các địa phương. 3 năm qua, toàn tỉnh đã huy động nhân dân hiến 346ha đất, đóng góp được trên 887 tỷ đồng và gần 2 triệu ngày công lao động cho cứng hóa đường giao thông nông thôn. Kết quả này cho thấy, Chương trình hỗ trợ xi măng của tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực và khẳng định, đây là một chủ trương đúng đắn của tỉnh, được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, triển khai thực hiện; nhân dân nhiệt tình tham gia hưởng ứng.

 

Có thể thấy, Chương trình đã tạo đòn bẩy để các xã nông thôn hoàn thành được tiêu chí giao thông - một trong những tiêu chí được xem là khó trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, khi các tuyến đường giao thông nông thôn được đưa vào sử dụng đã giúp nhân dân các xã (đặc biệt là các xã vùng cao, ATK, 135) đi lại thuận tiện hơn, nhất là trong mùa mưa lũ; tạo điều kiện đưa các phương tiện vận tải, cơ giới vào phục vụ sản xuất, vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Đồng thời, giúp nhân dân thay đổi phương thức canh tác, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật, áp dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới. Việc làm đường xuất phát từ nhu cầu bức thiết của cộng đồng dân cư, người dân được lựa chọn, quyết định tuyến đường cần làm, tham gia vào việc lập dự toán, quyết định mức đóng góp vật liệu, ngày công và trực tiếp tổ chức thi công, giám sát nên chất lượng các công trình được đảm bảo, chi phí thực tế thấp.

 

Với những kết quả đã đạt được, chính quyền và người dân ở các xã nông thôn trong tỉnh rất mong muốn Chương trình hỗ trợ xi măng sẽ được tỉnh tiếp tục triển khai trong giai đoạn từ năm 2016-2020. Nhất là khi, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra mục tiêu có từ 70% số xã đạt chuẩn NTM trở lên. Trong đó riêng năm 2016 phấn đấu có 15 xã đạt chuẩn NTM. Theo ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình XDNTM thì khi nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn thấp, các xã xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 có xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hơn các xã đã đạt chuẩn giai đoạn 2011-2015, việc tiếp tục hỗ trợ xi măng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn là rất cần thiết và hiệu quả.