Hoàn thiện các chính sách hỗ trợ cho vùng dân tộc thiểu số

16:32, 04/12/2015

Chiều 4-12, Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến cho kết quả tư vấn, phản biện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo cho các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh. Dự Hội thảo có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân tộc tỉnh, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới, các sở, ngành liên quan và các Hội thành viên.

Toàn tỉnh hiện có 124 xã, thị trấn miền núi, vùng cao, trong đó có 35 xã khu vực I, 41 xã khu vực II và 48 xã khu vực III. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS như: Chương trình 135, chính sách trợ giá, trợ cước, vay vốn phát triển sản xuất… từng bước làm thay đổi hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào. UBND tỉnh cũng đã ban hành 2 chính sách hỗ trợ muối I ốt, phòng chống bướu cổ cho vùng đồng bào DTTS và đề án phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống của xóm khó khăn có nhiều đồng bào Mông sinh sống đến năm 2020.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục những bất cập trong tổ chức thực hiện các chính sách đã ban hành về hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào DTTS như: Cần rà soát, đánh giá các chính sách đã và đang triển khai thực hiện trong vùng DTTS. Những chính sách hiệu quả thì tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện, những chính sách không phù hợp, hiệu quả thấp nên chấm dứt để tập trung nguồn lực đầu tư tránh dàn trải. Tỉnh cần có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS hơn nữa. Đối với UBND cấp huyện, xã nơi có đề án cần lồng ghép các nguồn vốn, tập trung ưu tiên hỗ trợ sản xuất và đời sống, cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xóm, bản đặc biệt khó khăn. Trung ương cần có quy định cụ thể đối với việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, công chức viên chức là người DTTS…

 

Trên cơ sở kết quả Hội thảo lần này, những đề xuất về giải pháp, các kiến nghị là cơ sở khoa học, thực tiễn nhằm giúp các cơ quan được tư vấn, phản biện xã hội có thêm thông tin, căn cứ trong việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt các đề án cụ thể để các chính sách đầu tư hỗ trợ cho vùng DTTS phát huy được hiệu quả cao nhất.