Kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri

11:09, 03/12/2015

Tiếp theo thông tin đã đăng tải trên TNĐT ngày 2-12

* Cử tri huyện Phú Lương đề nghị tỉnh chỉ đạo công tác hoàn trả mặt bằng Cụm công nghiệp (CCN) Động Đạt để địa phương sớm triển khai xây dựng hạ tầng CCN để thu hút đầu tư.

 

Trả lời:

 

CCN Động Đạt - Đu được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định 2361/QĐ-UBND ngày 01-01-2005, diện tích 25,5 ha. Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công được giao làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng, Giấy Chứng nhận đầu tư số 17221000017 ngày 01-6-2008 do Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên cấp. Đến nay, chủ đầu tư đã thực hiện vốn đầu tư xây dựng hạ tầng là 7,88 tỷ đồng, hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng, trực tiếp thực hiện 01 dự án tuyển quặng, tổng vốn đầu tư: 35 tỷ đồng, diện tích: 06ha; ngoài ra, có 02 dự án thứ cấp đăng ký đầu tư vào Cụm, chưa triển khai do chưa có mặt bằng.

 

Tháng 4 năm 2015, UBND tỉnh đã tổ chức Đoàn công tác do đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đi kiểm tra thực tế tình hình phát triển Cụm công nghiệp tại huyện Phú Lương. Đồng chí Nhữ Văn Tâm đã có ý kiến chỉ đạo về việc đóng cửa mỏ và phát triển đầu tư hạ tầng CCN Động Đạt - Đu. Hiện tại, Sở Tài nguyên - Môi trường đang hướng dẫn HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công hoàn thiện hồ sơ đóng cửa mỏ, HTX đang tích cực tuyển quặng hoàn trả mặt bằng. Trong thời gian tới, UBND tỉnh giao Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với UBND huyện Phú Lương và các ngành liên quan đôn đốc HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công khẩn trương hoàn thiện thủ tục đóng cửa mỏ, hoàn trả mặt bằng, triển khai xây dựng hạ tầng CCN để thu hút đầu tư trong thời gian sớm nhất. Giao Sở Tài nguyên - Môi trường khẩn trương làm tủ tục đóng cửa mỏ tận thu tại điểm khai thác của CCN Động Đạt - Đu.

 

* Cử tri phường Quan Triều, xã Cao Ngạn, thành phố Thái Nguyên phản ánh Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ đổ đất lấn chiếm dòng chảy của sông Cầu; quá trình vận chuyển xỉ thải của Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn gây ô nhiễm môi trường. Đề nghị tỉnh sớm kiểm tra và có biện pháp xử lý.

 

Trả lời:

 

* Đối với nội dung Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ đổ đất lấn chiếm dòng chảy của sông Cầu, Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo như sau: Đầu năm 2014, Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ thực hiện Dự án mở rộng dây chuyền sản xuất giấy công suất 30.000 tấn/năm, đã đổ đất ra bờ sông Cầu, phần sát bờ sông Cầu và cửa suối Phượng Hoàng có diện tích 2.700m2, khối lượng đất đổ khoảng 16.500m3.

 

Để ngăn ngừa việc tiếp tục san đất tạo mặt bằng không đúng quy định của Công ty, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra thực tế và có văn bản số 234/STNMT-BVMT ngày 18-3-2014 yêu cầu Công ty dừng đổ đất thải ra khu đất ngoài tường rào và phải khắc phục vi phạm, trả lại dòng chảy cho dòng sông Cầu, nhưng Công ty đã chậm thực hiện. Ngày 18-4-2014, Sở đã báo cáo UBND tỉnh tình trạng trên tại Văn bản số 388/STNMT-TTr về việc vi phạm và tiến độ khắc phục của Công ty, yêu cầu Công ty bốc xúc, di chuyển toàn bộ đất vi phạm. Ngày 18-9-2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2480/QĐ-UBND về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ, qua đó yêu cầu Công ty khôi phục lại tình trạng ban đầu, vận chuyển toàn bộ khối lượng đất đã đổ ra hành lang sông Cầu trong thời hạn 60 ngày.

 

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ đã hợp đồng với Công ty TNHH Quang Ngà, Công ty TNHH Minh Hoàng để vận chuyển lượng đất đã đổ đi san lấp mặt bằng. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện còn chậm, mới di chuyển được khoảng 3.000m3 chưa đáp ứng yêu cầu. Trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục theo dõi, đôn đốc, yêu cầu Công ty khẩn trương khắc phục theo đúng yêu cầu tại Quyết định số 2480/QĐ-UBND của UBND tỉnh, đồng thời phối hợp, giúp Công ty liên hệ với các dự án mới triển khai có nhu cầu về đất san gạt mặt bằng, hỗ trợ bốc xúc để tăng tiến độ khôi phục hiện trạng sông Cầu.

 

* Đối với nội dung quá trình vận chuyển xỉ thải của Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn gây ô nhiễm môi trường: Quá trình sử dụng than để sản xuất điện của Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn làm phát sinh trung bình 500 tấn tro xỉ/ngày. Xỉ thải của Công ty được vận chuyển và gom tại bãi chứa tại đồng Giếng To, xã Cao Ngạn. Tuyến đường vận chuyển xỉ từ Nhà máy đến bãi chứa là đường Tân Long và đường tránh Thành phố.

 

Theo kiến nghị, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, khảo sát thực tế tại Nhà máy và trên đường vận chuyển cho thấy, Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn đã thực hiện Dự án Sản xuất vật liệu xây dựng không nung và bãi tập kết xỉ nguyên liệu tại xã Cao Ngạn, thành phố Thái Nguyên, tận dụng xỉ thải làm phụ gia xi măng và sử dụng xỉ để san lấp mặt bằng,… Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa phát tán bụi trong quá trình vận chuyển, Công ty áp dụng biện pháp, như: trộn ẩm tro xỉ trong silo trước khi xả xuống xe vận tải, sử dụng xe vận tải chuyên dụng, có thùng kín để vận chuyển, có qui chế yêu cầu lái xe ký cam kết vận chuyển đúng tải trọng, phủ bạt kín, xe trước khi ra khỏi Nhà máy phải phun rửa sạch thành, lốp và phải qua trạm Barie đặt tại cổng Nhà máy để kiểm tra, đảm bảo đáp ứng yêu cầu mới được ra đường. Ngoài ra, Công ty sử dụng xe phun nước để tưới ẩm đường nội bộ, tuyến đường từ cổng nhà máy tới đường Tân Long và bãi tập kết xỉ để giảm bụi phát tán gây ô nhiễm. Tuy nhiên, trên tuyến đường vận chuyển vẫn còn tình trạng rơi vãi, phát tán bụi khi tham gia giao thông.

 

Theo kiến nghị cử tri, UBND tỉnh sẽ giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường của Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn, kịp thời phát hiện để đôn đốc Công ty chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, duy trì áp dụng các biện pháp ngăn ngừa phát tán bụi gây ô nhiễm. Đồng thời, yêu cầu Công ty nhanh chóng khắc phục tình trạng gây ô nhiễm như phản ánh của cử tri.

 

* Cử tri phường Tân Lập, thành phố Thái Nguyên đề nghị tỉnh sớm xây dựng các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung vì hiện nay trên địa bàn phường có một số lò mổ gia súc tư nhân gây ô nhiễm môi trường.

 

Trả lời:

 

Ngày 10-9-2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1761/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2013-2015, trong đó ưu tiên xây dựng 04 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, huyện Phú Bình, thị xã Phổ Yên trong giai đoạn 2013-2015. Theo đề xuất quy hoạch của các huyện, thành phố, thị xã đến năm 2020, dự kiến có 24 cơ sở giết mổ tập trung (trong đó thành phố Thái Nguyên đã Quy hoạch theo Quyết định số 10215/QĐ-UBND, ngày 11-12-2009 là 05 cơ sở giết mổ tại xã Thịnh Đức, Phúc Xuân, Phúc Trìu, Tân Cương và phường Tích Lương). Đến nay đơn vị đã phối hợp với doanh nghiệp, chính quyền địa phương xây dựng 02 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

 

Tại Phú Bình: Cơ sở giết mổ gia súc gia cầm do Công ty cổ phần Thực phẩm Cầu Mây, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình đã đi vào hoạt động từ ngày 26-6-2015.

 

Tại thành phố Thái Nguyên, ngày 15-01-2015, Công ty cổ phần Hương Nguyên Thịnh đã tổ chức khởi công xây dựng cơ sở giết mổ tập trung tại xóm Đà Tiến, xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên với diện tích 3,2 ha, dự kiến xây dựng 20 khu giết mổ tập trung, 03 dây chuyền giết mổ treo, 01 dây chuyền giết mổ gia cầm, xây dựng xưởng chế biến thực phẩm an toàn, khu xử lý chất thải đảm bảo môi trường. Hiện nay, cơ sở đang được xây dựng, lắp đặt, dự kiến đi vào hoạt động năm 2016. Đối với các địa phương đã được quy hoạch, hiện nay, đơn vị đang xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp có đủ điều kiện, đủ năng lực đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn 2016-2020.

 

Để khắc phục vấn đề cử tri đã nêu, trong thời gian tới, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan, tiến hành kiểm tra tại các hộ giết mổ gia súc nhỏ lẻ, phân loại đánh giá các tiêu chí theo Thông tư 45/TT-BNNPTNT ngày 3-12-2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Hướng dẫn các biện pháp giết mổ đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh thú y. Đối với cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y gây ô nhiễm môi trường sẽ không cho hoạt động và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

 

* Cử tri huyện Phú Lương đề nghị tỉnh đánh giá lại mạng lưới và hiệu quả hoạt động của hệ thống trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh; làm rõ tiến độ xây dựng cơ sở vật chất của Trường trung cấp nghề dân tộc nội trú Thái Nguyên.

 

Trả lời:

 

* Về vấn đề đánh giá lại mạng lưới và hiệu quả hoạt động của hệ thống trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh:

 

Giai đoạn 2006 - 2010 các cơ sở dạy nghề phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở T.P Thái Nguyên (31/53 cơ sở) tổng số lao động được đào tạo nghề (giai đoạn 2006-2010 chỉ chiếm 18,55%). Trước những bất cập nêu trên, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13/2012/NQ-HĐND ngày 19/7/2012 về việc thông qua Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020. Sau khi triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, đạt được một số kết quả, cụ thể như sau:

 

- Mạng lưới cơ sở dạy nghề được mở rộng với 56 cơ sở dạy nghề, tăng 3 cơ sở so với năm 2011; 9/9 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh đều có Trung tâm hoặc Trường Trung cấp nghề. Trong đó có 24 cơ sở tư thục chiếm 42,86% số cơ sở dạy nghề, đây là kết quả của chủ trương xã hội hóa công tác đào tạo nghề của Đảng và Nhà nước.

 

- Về quy mô đào tạo: Đã tăng từ 34.641 người năm 2011 lên 40.917 người năm 2015, số lượng nghề đào tạo năm 2011 các cơ sở đào tạo 124 nghề, năm 2015, số nghề tăng lên 158 nghề. Các cơ sở đào tạo nghề đã lựa chọn nghề đào tạo phù hợp hơn với thị trường lao động, cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề cho các Khu công nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và thị trường lao động.

 

- Thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, tỉnh sẽ xây dựng và triển khai Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

 

* Về tiến độ xây dựng cơ sở vật chất của Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Thái Nguyên:

 

Dự án đầu tư xây dựng Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Thái Nguyên được phê duyệt theo Quyết định số 2751/QĐ-UBND ngày 31/10/2011, về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng giai đoạn I. Dự án đã thực hiện được bước chuẩn bị đầu tư. Tuy nhiên, đến nay Dự án vẫn chưa triển khai thi công tiếp các hạng mục theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt do chưa có nguồn kinh phí. Để dự án được thực hiện trong thời gian tới, UBND tỉnh đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo đề xuất chủ trương, hiện nay Dự án đã được đưa vào kế hoạch trung hạn 2016-2020.

 

* Cử tri thành phố Sông Công đề nghị tỉnh cần chủ động có phương án phòng, chống dịch hô hấp MERS - CoV vì hiện nay Thái Nguyên là địa phương có nguy cơ cao do rất nhiều người Hàn Quốc đang sống và làm việc tại các khu công nghiệp của tỉnh.

 

Trả lời:

 

Căn cứ Công điện số 790/CĐ-TTg ngày 03-6-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng, chống Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV); Công điện số 3274/CĐ-BYT ngày 20-5-2015 của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng, chống MERS-CoV; căn cứ chỉ đạo của UBND tỉnh và Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do virus Corona (MERS-CoV); Căn cứ Quyết định số 1944/QĐ-BYT ngày 3-6-2014 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch hành động phòng, chống Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông do virus Corona tại Việt Nam; căn cứ dự báo tình hình dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh có thể nhiều diễn biến phức tạp; UBND tỉnh ban hành các văn bản và chỉ đạo công tác phòng, chống Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do virus Corona (MERS-CoV) trên địa bàn tỉnh như:

 

- Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày ngày 18-6-2015 về việc tăng cường công tác phòng, chống Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút Corona trên địa bàn tỉnh;

 

- Kế hoạch số 112/KH-UBND 24-6-2015 về phòng, chống hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút Corona trên địa bàn tỉnh;

 

- Tổ chức họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người của tỉnh triển khai, chỉ đạo công tác phòng, chống MERS-CoV trên địa bàn ngày 10-6-2015; chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cần thiết để ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra.

 

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của UBND tỉnh, Sở Y tế đã ban hành các văn bản chỉ đạo:

 

- Kế hoạch số 778/KH-SYT ngày 9-6-2015 về phòng, chống Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút Corona trên địa bàn tỉnh;

 

- Ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Ban quản lý khu công nghiệp, Công ty Samsung về công tác phòng, chống dịch MERS-CoV như: Công văn số 762/SYT-NVY ngày 8-6-2015 gửi Ban quản lý Khu Công nghiệp về việc phát hiện sớm và phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp.

 

- Công văn số 758/SYT-NVY ngày 8-6-2015 về việc tăng cường công tác phòng, chống MERS-CoV, trong đó chỉ đạo tất cả các cơ sở y tế thực hiện ngay các biện pháp chuyên môn kỹ thuật, tuyên truyền, phát hiện bệnh sớm, chuẩn bị khu vực cách ly, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

 

- Tổ chức tập huấn về công tác phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV cho 90% cán bộ y tế trên địa bàn.

 

- Ban hành Quyết định số 331/QĐ-SYT ngày 17-6-2015 của Giám đốc Sở Y tế về việc Thành lập Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch MERS-CoV trên địa bàn; Tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch MERS-CoV tại 9 huyện, thành, thị và các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn. Đặc biệt, ngày 9-6-2015, Đoàn kiểm tra đã tổ chức kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch MERS-CoV tại Công ty SamSung Electronic Việt Nam tại Thái Nguyên. Trong đó đề nghị Công ty quản lý chặt chẽ sức khỏe người đi từ Hàn Quốc về Việt Nam và ngược lại; lập sổ theo dõi thân nhiệt các đối tượng này trong vòng 14 ngày kể từ khi nhập cảnh về Việt Nam. Nếu có biểu hiện nghi ngờ, báo ngay cho cơ sở y tế dự phòng gần nhất để theo dõi, cách ly. Đến nay, Công ty đã thực hiện theo đúng quy định.

 

Qua kiểm tra, giám sát, cơ bản các Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người các huyện, thành phố, thị xã, các cơ sở y tế trên địa bàn, các đơn vị đã kiện toàn ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV, triển khai thực hiện tốt công tác giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh, sẵn sàng thu dung, chuẩn bị khu vực cách ly, trang thiết bị, thuốc để phát hiện sớm, điều trị bệnh nhân kịp thời.

 

Tuy nhiên, dịch bệnh MERS-CoV trên thế giới vẫn tiềm ẩn những nguy cơ, có thể xâm nhập vào Việt Nam. UBND tỉnh giao Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, phối hợp với các ngành, địa phương luôn chủ động, sẵn sàng triển khai thực hiện các tình huống theo Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV đã được UBND tỉnh phê duyệt, không để dịch xâm nhập, lây lan trên địa bàn.

 

* Cử tri huyện Phú Bình phản ánh tình trạng thẻ bảo hiểm y tế của năm 2015 bị sai hàng loạt (tất cả các thẻ đều ghi ngày tháng năm sinh là 01/01), ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Đề nghị tỉnh kiểm tra, làm rõ trách nhiệm.

 

Trả lời:

 

Thực hiện Luật BHYT sửa đổi được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 13-6-2014 và có hiệu lực  thi hành từ ngày 1-1-2015. Trong quá trình triển khai các văn bản hướng dẫn Luật, Nghị định 105/2014/NĐ-CP ngày 15-11-2014 và Thông tư số 41/2014/TTLT-BYT- BTC hướng dẫn chậm đồng thời đến  ngày 24-11-2014 mới được ban hành.  Để triển khai cấp thẻ BHYT kịp thời cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh khi đi khám, chữa bệnh (KCB), nhiều đơn vị khi lập danh sách tham gia BHYT năm 2015 đã không ghi rõ ngày tháng năm sinh, trong khi theo quy định của Luật BHYT thẻ BHYT phải có đủ ngày tháng năm sinh.

 

Tại huyện Phú Bình, các đối tượng chính sách, người nghèo, người sống ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội lập danh sách theo mẫu cũ không có ngày, tháng sinh, do đó khi cấp thẻ BHYT theo phần mềm cấp thẻ BHYT mới khi in đã mặc định ngày sinh 01 tháng 01. Sau khi cơ quan BHXH phát hiện ra đã phối hợp với các cơ sở KCB trên địa bàn tạo điều kiện cho các đối tượng đi KCB bình thường, đồng thời có văn bản số 48/BHXH-CST ngày 13-1-2015 gửi các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh và BHXH các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, thông báo về việc thẻ BHYT ghi sinh ngày 01 tháng 01 là thẻ BHYT chưa xác định được ngày, tháng sinh vẫn có giá trị sử dụng.

 

Những trường hợp đi khám, chữa bệnh ngoại tỉnh, đã thực hiện cấp lại thẻ BHYT ngay, đồng thời ngày 20-4-2015 BHXH tỉnh Thái Nguyên đã có Công văn số 384/BHXH-CST gửi UBND huyện Phú Bình chỉ đạo các phòng ban liên quan phối hợp với cơ quan BHXH cấp lại thẻ BHYT có ngày, tháng, năm sinh theo quy định. Hiện tại đã cấp được trên 11.630 thẻ BHYT. Để cấp thẻ BHYT năm 2016 không còn hiện tượng trên, cơ quan BHXH đã phối hợp với UBND các huyện, thành, thị hướng dẫn việc lập danh sách của các đối tượng có đầy đủ thông tin ngày, tháng, năm sinh.

 

UBND tỉnh tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri, yêu cầu UBND huyện Phú Bình làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, BHXH tỉnh nghiêm túc chấn chỉnh các bộ phận nghiệp vụ, BHXH các huyện, thành, thị trong việc cấp thẻ BHYT, không để xảy ra sai sót tương tự, đảm bảo đối tượng được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT theo quy định.

 

(Còn nữa)