Kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri

11:05, 02/12/2015

Tiếp theo thông tin đã đăng tải trên TNĐT ngày 1-12.

* Cử tri huyện Võ Nhai đề nghị tỉnh đầu tư mở rộng, nâng cấp tuyến đường từ thị trấn Đình Cả, xã Bình Long của huyện Võ Nhai đến huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn; đầu tư xây dựng mương thoát nước Quốc lộ 1B đoạn qua xã La Hiên.

 

Trả lời:

 

Đường ĐT.265 (Đình Cả - Bình Long) dài 23,3km có điểm đầu giao với Quốc lộ (QL) 1B tại thị trấn Đình Cả, huyện Võ Nhai; điểm cuối tại xã Bình Long và nối sang ĐT.242 của tỉnh Lạng Sơn. Hiện, tuyến đường đạt quy mô cấp V miền núi: nền đường rộng 6,5m, mặt đường láng nhựa rộng 3,5m. Theo quy hoạch giai đoạn 2015-2020, tuyến đường ĐT.265 sẽ nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, mặt đường BTN rộng 5,5m, nền đường rộng 7,5m. Do khó khăn về vốn đầu tư, hàng năm Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) đã sửa chữa, mở rộng mặt đường lên 5,5m và xây rãnh dọc một số đoạn qua trung tâm các xã và khu đông dân cư trên tuyến bằng nguồn vốn sự nghiệp giao thông địa phương và vốn sửa chữa giao thông miền núi. Trong giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh giao Sở GT-VT nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh phương án sửa chữa, mở rộng các đoạn qua các khu vực đông dân cư và tìm nguồn vốn để nâng cấp đồng bộ tuyến đường trên theo quy hoạch được duyệt.

 

Rãnh dọc trên QL 1B đoạn qua trung tâm xã La Hiên đã được đầu tư xây dựng đảm bảo thoát nước tốt, vệ sinh môi trường và mỹ quan khu vực. Hiện nay, Bộ GT-VT đã chấp thuận cho cho nhà đầu tư lập dự án sửa chữa nền, mặt đường và xây rãnh thoát nước dọc QL 1B Lạng Sơn - Thái Nguyên (Km100 - Km145) tại Quyết định số 2890/QĐ-BGTVT ngày 11-8-2015 của Bộ GT-VT để thực hiện theo hình thức BOT trong năm 2016. Kiến nghị của cử tri về việc xây rãnh dọc các đoạn còn lại qua xã La Hiên sẽ được quan tâm xem xét đầu tư trong năm 2016, 2017 cùng với dự án BOT QL 1B.

 

* Cử tri thị xã Phổ Yên, thành phố Thái Nguyên phản ánh một số tuyến đường, công trình bị hư hỏng, xuống cấp do ảnh hưởng bởi quá trình thi công đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và nâng cấp mở rộng QL 3. Cụ thể: tuyến đường 261, tuyến đường từ ngã tư Thanh Xuyên đi đê Chã, đường giao thông liên xã Tân Phú đi Trung Thành (thị xã Phổ Yên); mương thủy lợi, đường bê tông tổ 1, phường Tích Lương, cống thoát nước ở phường Phú Xá (T.P Thái Nguyên). Đề nghị tỉnh chỉ đạo, giải quyết.

 

Trả lời:

 

Một số tuyến đường, công trình bị hư hỏng, xuống cấp do ảnh hưởng bởi quá trình thi công Dự án QL 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, đến nay, Ban Quản lý Dự án 2 - Bộ GT-VT đã sửa chữa xong một số đoạn đường bị hỏng trên địa bàn thị xã Phổ Yên và cống thoát nước phường Phú Xá, thành phố Thái Nguyên. Hiện nay, tuyến ĐT.261 từ Ba Hàng - Minh Đức đang được Sở GT-VT tổ chức đấu thầu sửa chữa đoạn Km30 - Km41 (Minh Đức - Ba Hàng), phấn đấu triển khai thi công ngay trong năm 2015 và hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2016. Các tuyến đường còn lại, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương, Ban Quản lý Dự án 2 để tiếp tục bố trí kinh phí để sửa chữa.

 

* Cử tri thị xã Phổ Yên đề nghị tỉnh quan tâm, có ý kiến với ngành Đường sắt kiểm tra, đặt các biển báo, trạm barie còn thiếu tại các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ giao nhau trên địa bàn để đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông.

 

Trả lời:

 

Theo quy định tại Thông tư số 33/2012/TT-BGTVT ngày 15-8-2012 của Bộ GT-VT thì trách nhiệm “đặt các biển báo, trạm barie” (nếu có theo quy định tại Điều 6, Thông tư 33) thuộc đơn vị quản lý là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GT-VT phối hợp với ngành Đường sắt và UBND các huyện, thành phố, thị xã có đường sắt đi qua, kiểm tra toàn bộ các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt trên địa bàn tỉnh. Đến nay, công việc kiểm tra rà soát đã cơ bản xong, các bên đang tổng hợp, phân loại đường ngang để phân cấp quản lý theo quy định tại Thông tư số 33/2012/TT-BGTVT và báo cáo Bộ GT-VT cho xây dựng hệ thống rào chắn, cảnh báo theo quy định để đảm bảo an toàn giao thông.

 

* Cử tri huyện Đồng Hỷ phản ánh, hiện nay, các xóm: Khe Cạn, Liên Phương, Vân Lăng (khu vực Tàng Pàn) của xã Văn Lăng chưa có công trình nước sạch để  phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân. Cử tri đề nghị tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình nước sạch theo Quyết định số 2037/QĐ-UBND ngày 16/9/2014 của UBND tỉnh. Đồng thời, sửa chữa, nâng cấp công trình nước tự chảy trên địa bàn xã Hòa Bình.

 

Trả lời:

 

Theo số liệu rà soát, thống kê, hiện nay, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ là xã được đầu tư xây dựng công trình nước nhiều nhất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Từ năm 1995 đến năm 2012, xã Văn Lăng được đầu tư xây dựng 7 công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn 8 xóm là: Khe Cạn, Liên Phương, Văn Khánh, Tân Lập 1, Tân Lập 2, xóm Dạt, Bản Tèn và xóm Mong với tổng kinh phí khoảng 4,5 tỷ đồng bằng nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia thực hiện Quyết định 134/2004/QĐ-TTg, Quyết định 1592/QĐ-TTg, thực hiện chương trình định canh định cư, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... Như vậy, ở 3 xóm cử tri đề nghị đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt là xóm Khe Cạn, xóm Liên Phương và xóm Vân Lăng thì đã có 2 xóm Khe Cạn và Liên Phương đã được đầu tư xây dựng công trình nước. Việc đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung theo Quyết định số 2037/QĐ-UBND ngày 16-9-2014 của UBND tỉnh được huy động nguồn lực từ việc lồng ghép vốn của các chương trình, chính sách, như: Chương trình Xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135, Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ Dân tộc thiểu số nghèo theo Quyết định 755/QĐ-TTg... Hiện nay, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương chưa có nên chưa thể đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt theo các chương trình này. Khi có nguồn vốn của Trung ương giao cho tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, UBND tỉnh sẽ giao Ban Dân tộc tổ chức khảo sát nhu cầu, địa điểm và phối hợp với các ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ vốn đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho nhân dân ở các xóm có nhu cầu sử dụng.  

 

Công trình nước tự chảy của xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ được Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường - Sở Nông nghiệp và PTNT đầu tư xây dựng năm 2001 bằng nguồn vốn thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn xóm Tân Đô, xã Hòa Bình. Theo phân cấp quản lý các công trình cấp nước sinh hoạt tại Quyết định số 571/QĐ-UBND ngày 12-3-2015 của UBND tỉnh về việc phê duyệt phân cấp quản lý khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh thì công trình cấp nước tự chảy xóm Tân Đô đã được bàn giao cho UBND xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ quản lý. Vì vậy, việc sửa chữa, nâng cấp công trình này đề nghị UBND huyện Đồng Hỷ chỉ đạo UBND xã Hòa Bình tổ chức thực hiện theo quy định tại Quy chế quản lý, vận hành, khai thác và dịch vụ nước sinh hoạt các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn do các địa phương hưởng lợi trực tiếp quản lý ban hành theo Quyết định số 02/2011/QĐ-UBND ngày 26-01-2011 của UBND tỉnh.

 

(Còn nữa)