Mất an toàn lao động ở các xưởng chế biến lâm sản

10:15, 02/12/2015

Huyện Phú Lương có gần 200 cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn. Những năm qua, các cơ sở này đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương. Thế nhưng từ lâu nay vấn đề đảm bảo an toàn lao động tại các cơ sở chế biến lâm sản vẫn chưa được các chủ xưởng và người lao động quan tâm đúng mức….

Trên địa bàn huyện Phú Lương hiện có gần 200 cơ sở chế biến lâm sản, tăng trên 100 cơ sở so với năm 2010, tập trung nhiều ở các xã có diện tích rừng trồng lớn như Phú Đô, Yên Đổ, Động Đạt, Yên Ninh… Theo thống kê, hàng năm từ các cơ sở chế biến này đã xuất ra thị trường khoảng 33.000m3 gỗ, doanh thu hàng chục tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trên địa bàn huyện. Dù số lượng cơ sở chế biến lâm sản tăng nhanh nhưng quy mô đầu tư chủ yếu là nhỏ lẻ, hộ gia đình tự mở xưởng, vì thế việc đầu tư các trang thiết bị bảo hộ lao động, phòng chống cháy nổ vẫn chưa được các chủ xưởng quan tâm đúng mức.

 

Chúng tôi đến xưởng chế biến gỗ Hà Sơn, xóm Ao Trám - một trong những cơ sở chế biến có quy mô lớn trên địa bàn xã Động Đạt. Tại đây hơn chục công nhân đang làm việc đều không đeo khẩu trang, nút tai chống ồn mặc dù môi trường làm việc rất ồn và bụi bặm. Khu vực tập kết rác thải, mùn cưa được dồn phía trong của xưởng đang có dấu hiệu bốc khói do ủ sinh nhiệt có khả năng gây cháy cao. Anh Hoàng Tiến Dũng, chủ cơ sở biện minh: Chúng tôi có trang bị các thiết bị phòng cháy chữa cháy trong khu vực xưởng (bình cứu hỏa) và bảo hộ lao động cho công nhân nhưng do công nhân ở đây làm việc theo thời vụ, hôm nay làm nhưng mai lại nghỉ nên họ không sử dụng. Khi chúng tôi hỏi về khu vực đặt bình cứu hỏa thì các công nhân đều lúng túng không biết để ở đâu.

 

Ông Dương Thanh Đao, Phó Chủ tịch UBND xã Động Đạt cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 14 cơ sở chế biến gỗ, mỗi cơ sở tạo việc làm ổn định cho khoảng 5 lao động với mức lương bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Các cơ sở này chủ yếu là các hộ gia đình làm nên việc trang bị kiến thức, kỹ năng về đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ còn hạn chế. Trên địa bàn xã chưa xảy ra vụ chết người nào do mất an toàn lao động tại các xưởng chế biến gỗ nhưng các trường hợp đứt tay, chân, mất ngón tay, chân do máy xẻ gỗ gây ra thì rất phổ biến. Về phía chính quyền địa phương cũng chỉ dừng ở việc nhắc nhở các cơ sở trong công tác bảo vệ môi trường, còn việc tuyên truyền về đảm bảo an toàn lao động tại các xưởng chế biến lâm sản trên địa bàn thì chưa có.

 

Ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết: Dù số lượng các xưởng chế biến lâm sản trên địa bàn huyện tăng nhanh song quy mô lại nhỏ lẻ, chủ yếu là các hộ gia đình mở xưởng, làm việc theo thời vụ. Chính vì vậy mà nhiều xưởng chế biến lâm sản chưa quan tâm đầu tư trang thiết bị bảo hộ lao động và phòng chống cháy nổ. Đây cũng là vấn đề mà huyện sẽ phải đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của các chủ xưởng và người lao động.