Nâng cao đời sống người dân vùng khó khăn

09:45, 23/12/2015

Với nhiều dự án hỗ trợ hiệu quả, từ năm 2011 đến nay, Chương trình 135 của Chính phủ (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi) đã được triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao đời sống người dân miền núi, vùng cao. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực các xã của tỉnh được hưởng Chương trình 135 là xấp xỉ 36,5%, sau hơn 4 năm triển khai Chương trình (đầu năm 2015), tỷ lệ này đã giảm xuống còn hơn 17%...

Từ năm 2011 trở về trước, đường vào bản người Mông Lũng Hoài, xã Thượng Nung (Võ Nhai) được ví như đường… “lên trời”. Vì muốn vào bản phải men theo con đường dốc thẳng đứng, kiên nhẫn bấm bàn chân trên đá tai mèo để bước đi từng bước khó nhọc. Con đường chỉ dài khoảng 3km nhưng phải đi bộ từ 3 đến 4 giờ đồng hồ mới đến được trung tâm bản. Năm 2012, được Nhà nước đầu tư trên 25 tỷ đồng làm đường, việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân Lũng Hoài thuận lợi hơn trước rất nhiều. Đến đầu năm 2015, khi 2km đường còn lại được đổ bê tông theo Đề án 2037 (Đề án phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống của tỉnh đến năm 2020), đời sống của người dân nơi đây ngày càng được nâng cao.

 

Cùng với tuyến đường vào bản Lũng Hoài, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 370 công trình đường giao thông được đầu tư xây dựng theo Chương trình 135. Ông Nông Văn Trân, Phó Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Theo kế hoạch, giai đoạn 2011-2015, Chương trình 135 đầu tư hơn 350 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xóm, xã vùng cao trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 585 công trình, trong đó có hơn 370 công trình giao thông, 66 công trình thủy lợi, 90 công trình trường học, 33 nhà văn hóa… với tổng kinh phí 322 tỷ đồng.

 

Không chỉ có dự án hỗ trợ nêu trên, trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh ta còn thực hiện 4 dự án khác theo Chương trình 135. Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, việc thực hiện các dự án đều bảo đảm đúng quy định. Trong đó, đối với Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, toàn tỉnh có gần 43 nghìn hộ dân được hỗ trợ khoảng 480 con đại gia súc, trên 3.700 con gia súc, 32 nghìn kg giống cây lương thực, xấp xỉ 400 nghìn cây giống các loại, 18,3 nghìn máy móc thiết bị phục vụ sản xuất... Ông Hoàng Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), một trong những địa phương được hưởng lợi từ Chương trình 135 nhận định: Dự án này đã tăng thêm lực lượng sản xuất cũng như năng suất lao động cho bà con. Đặc biệt là nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng ở các bản vùng cao, có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống.

 

Bên cạnh đó, thông qua việc thực hiện Dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng, các địa phương đã mở được 127 lớp tập huấn và dạy nghề cho 6,7 nghìn học viên tham gia. Nhờ đó, năng lực đội ngũ cán bộ xã được nâng lên rõ rệt, nhiều xã đã thực hiện tốt nhiệm vụ làm chủ đầu tư các công trình hạ tầng và dự án hỗ trợ sản xuất; kiến thức mới về sản xuất đã được áp dụng, tập quán sản xuất đã có sự thay đổi đáng kể. Việc dạy nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số đã đem lại kết quả tích cực khi kiến thức được áp dụng vào sản xuất tại địa phương, một số được đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

 

Đối với việc duy tu, bảo dưỡng các công trình, từ nguồn vốn được hỗ trợ, tỉnh ta đã thực hiện sửa chữa được 69 công trình bị hư hỏng, xuống cấp, trong đó chủ yếu là các công trình giao thông, nhà văn hóa, trạm y tế, trường học...

 

Hỗ trợ học sinh con hộ nghèo theo Chương trình 135 cũng là một trong những chính sách được thực hiện hiệu quả tại Thái Nguyên. Nhờ được hỗ trợ, nhiều học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được đi học, nhất là với học sinh ở các trường mầm non. Cô giáo Ma Thị Duyên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Vũ Chấn (Võ Nhai) chia sẻ: Ở Vũ Chấn, đời sống của nhiều hộ đồng bào dân tộc Dao, Tày... còn nhiều khó khăn nên chính sách hỗ trợ tiền ăn cho học sinh đã giúp tỷ lệ học sinh không chỉ ở mầm non mà còn ở bậc tiểu học ra lớp đúng độ tuổi.

 

Với những kết quả đã đạt được có thể khẳng định, việc thực hiện Chương trình 135 là chủ trương đúng đắn, cần thiết, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Cùng với việc chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình 135, tỉnh ta còn yêu cầu các cấp, ngành chức năng phát huy nội lực, huy động tối đa các nguồn lực như vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình dự án khác, ngân sách địa phương, vốn huy động đóng góp lồng ghép với ngồn vốn Chương trình 135 để xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhờ đó đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Đồng thời, phát huy được tính năng động, sáng tạo của từng địa phương, từng cán bộ cũng như nâng cao trình độ, năng lực cán bộ. Một điều đáng nói nữa là Chương trình này được thực hiện bảo đảm công khai, dân chủ nên đã tạo ra khí thế thi đua sôi nổi, thu hút được các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia, nhất là với phong trào hiến đất làm đường, xây dựng trường học và nhà văn hóa... Những kết quả đạt được trong việc thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2011-2015 tạo tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình này trong những năm tiếp theo.

 

Năm 2011-2013, tỉnh ta có 44 xã và 53 xóm đặc biệt khó khăn (ĐBKK) ở xã khu vực II được đầu tư theo Chương trình 135. Năm 2014-2015, toàn tỉnh có 82 xã và 34 xóm ĐBKK ở xã khu vực II được đầu tư theo Chương trình này. Theo kế hoạch, vốn thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2011-2015 đầu tư hỗ trợ trên địa bàn tỉnh là gần 462 tỷ đồng. Đến cuối tháng 11-2015, tỉnh ta đã giải ngân được trên 414 tỷ đồng. Dự kiến hết năm nay, toàn tỉnh cơ bản hoàn thành 100% kế hoạch vốn được giao.