Nhiều vấn đề được tập trung thảo luận

20:58, 09/12/2015

  Buổi chiều ngày làm việc thứ hai (9-12), kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XII, các đại biểu tập trung thảo luận tại tổ, đóng góp nhiều ý kiến vào các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết. Nhiều vấn đề "nóng" mà đông đảo cử tri quan tâm đã được các đại biểu đưa ra thảo luận, đề nghị làm rõ như: Việc giao chỉ tiêu biên chế; tình trạng nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), nợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản; vấn đề quá tải ở bậc học mầm non…

Phóng viên Báo Thái Nguyên lược ghi các ý kiến thảo luận tại 4 tổ.

 

* Về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, phương hướng, nhiệm vụ năm 2016:

 

Nhìn chung, các đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo của UBND tỉnh đưa ra. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, cần phải làm rõ nhiều chỉ tiêu còn đạt thấp để có giải pháp trong thời gian tới. Đại biểu Hoàng Văn Quý (Đoàn T.P Thái Nguyên) và đại biểu Dương Văn Hưng (Đoàn Phú Bình) băn khoăn: Mặc dù các chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh năm 2015 đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức, thậm chí có những chỉ tiêu vượt ở mức rất cao như giá trị sản xuất công nghiệp đạt 365 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2014 và bằng 140,8% kế hoạch được giao. Tuy nhiên, công nghiệp do địa phương quản lý chỉ đạt 14,5 nghìn tỷ đồng, bằng 101,6% kế hoạch; công nghiệp Trung ương đạt 15,6 nghìn tỷ đồng, bằng 120% kế hoạch; còn lại chủ yếu từ khu vực đầu tư nước ngoài đạt 335 nghìn tỷ, bằng 144% kế hoạch. Trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp, thì khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới 91,7%; chỉ còn lại 8,3% là công nghiệp Trung ương và địa phương… Từ thực tế này dẫn đến kết quả thu ngân sách tuy vượt khoảng 2.000 tỷ đồng so với kế hoạch nhưng lại có tới 3 nguồn thu mang tính bền vững, gồm: Thu từ doanh nghiệp Nhà nước Trung ương; từ khu vực dịch vụ ngoài quốc doanh và thu phí và lệ phí tiếp tục không đạt kế hoạch như 2-3 năm gần đây… Thực tế này rất đáng lo ngại, cho thấy "sức khỏe" của các doanh nghiệp nội trên địa bàn vẫn còn rất yếu. Đề nghị UBND tỉnh làm rõ nguyên nhân, đưa ra các giải pháp trong thời gian tới.

 

* Về vấn đề giao chỉ tiêu biên chế:

 

Đại biểu Lê Văn Tuấn (Đoàn T.P Thái Nguyên) và một số đại biểu khác nêu ý kiến: Năm 2015, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ giao cho tỉnh phải giảm 39 biên chế công chức. Tuy nhiên, trên thực tế, các sở, ngành, địa phương, đơn vị từ nhiều năm nay đều có nhu cầu được tăng biên chế. Trong khi đó, lại có thực trạng một số cơ quan, đơn vị, địa phương nhiều năm liền không sử dụng hết biên chế được giao. Đề nghị Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện việc rà soát lại toàn bộ việc sử dụng biên chế được giao đến hết năm 2015 để điều hòa giữa những nơi sử dụng không hết biên chế với những nơi thực sự thiếu, nhằm sử dụng hiệu quả nhất số biên chế hiện có.

 

- Về hợp đồng theo Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 22-11-2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về công tác cán bộ giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020, theo các văn bản hướng dẫn của tỉnh, hợp đồng theo Nghị quyết số 04-NQ/TW sẽ kết thúc vào ngày 31-12-2016. Theo báo cáo của Sở Nội vụ, tính đến thời điểm này, các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh đã hợp đồng 166 người, nhưng mới có 27 trường hợp được tuyển dụng vào công chức, chiếm tỷ lệ 16,3%. Đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu giải pháp chỉ đạo xử lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng này.

 

* Về vấn đề nợ thuế, nợ BHXH của các doanh nghiệp:

 

Đại biểu Nguyễn Văn Tiệu (Đoàn Võ Nhai), đại biểu Lưu Văn Toán (Đoàn Đại Từ) và nhiều đại biểu khác cho rằng: Từ kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh, ngành Thuế đã công khai số nợ thuế của các doanh nghiệp trên địa bàn, nhưng cho đến Kỳ họp lần này, báo cáo của UBND tỉnh vẫn không đề cập đến công tác quản lý và xử lý nợ thuế. Đại biểu Nguyễn Như Tuấn (Đoàn Phổ Yên) còn nhấn mạnh đến việc xem xét trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc để một số doanh nghiệp đọng thuế lớn, kéo dài. Nguyên nhân của thực trạng này và giải pháp xử lý của tỉnh trong thời gian tới ra sao?

 

- Cùng với nợ thuế, các đại biểu cũng tiếp tục dành nhiều sự quan tâm tới nợ BHXH trong các doanh nghiệp. Điều này đã và đang dẫn đến nhiều hệ lụy cho xã hội, nhất là đối với người lao động đã đến tuổi nghỉ hưu và khi phải điều trị tại các cơ sở y tế. Trong khi đó, chế tài xử lý tình trạng này còn chưa đủ sức răn đe. Đề nghị UBND tỉnh cần có giải pháp tích cực hơn trong thời gian tới.

 

* Về lĩnh vực giáo dục - đào tạo:

 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi (Đoàn Đồng Hỷ) và nhiều đại biểu khác cho rằng: Tình trạng quá tải ở bậc học mầm non đang trở thành vấn đề bức xúc của hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh, mà 2 nguyên nhân chủ yếu là do thiếu trường lớp và giáo viên. Theo báo cáo của Sở Giáo dục - Đào tạo, hiện có tới 196/226 trường trong tình trạng quá tải. Theo tính toán, đến năm 2020, để đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội, cần có thêm 1.134 phòng học và trên 2.000 giáo viên. Bên cạnh đó, trước thực trạng cô nuôi chưa được ngân sách Nhà nước trả lương khiến nhiều giáo viên phải kiêm cả nhiệm vụ cô nuôi; hoặc phụ huynh phải đóng góp thêm tiền để thuê cô nuôi. Đề nghị UBND tỉnh sớm có biện pháp giải quyết thực trạng này.

 

* Về vấn đề nợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản:

 

Đại biểu Lê Văn Tâm (Đoàn T.P Thái Nguyên) và đại biểu Lương Trung Hà (Đoàn Phú Lương) cho biết: Qua giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, vấn đề nợ trong dân để đầu tư làm đường giao thông nông thôn tại các địa phương là rất lớn. Có xã nợ tới hàng tỷ đồng. Không ít nơi, người dân phải đi vay lãi để đối ứng xây dựng các công trình nông thôn. UBND tỉnh cần có những đánh giá thực tế để tìm giải pháp tháo gỡ tình trạng này. Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề nghị tỉnh cần làm rõ tổng số nợ trong xây dựng cơ bản hiện nay của tỉnh là bao nhiêu? Kế hoạch trả nợ trong thời gian tới như thế nào? Trong khi tổng thu của ngân sách của tỉnh năm 2015 vượt kế hoạch hàng nghìn tỷ đồng, nhưng lại chỉ dành ra 10 tỷ đồng cho việc khởi công xây dựng các công trình mới, dự án trong năm 2016, liệu có hợp lý?

 

* Về các vấn đề khác:

 

- Đại biểu Nguyễn Văn Khoa và đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Đoàn Phổ Yên) cho rằng, với những dự án thực hiện quá chậm, tỉnh cần có biện pháp cương quyết; những dự án còn khả năng thực hiện thì cần làm việc với nhà thầu để sớm có phương án triển khai. Trước khi chấp thuận đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư, các cơ quan chức năng cần phải thẩm định kỹ năng lực thực chất của nhà đầu tư. 

 

- Đại biểu Vi Thị Chung (Đoàn Đại Từ) và một số đại biểu cơ bản đồng tình với mức hỗ trợ kinh phí đối với một số chức danh ở cơ sở do UBND tỉnh trình tại Kỳ họp lần này. Tuy nhiên, riêng đối với Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm, bản, tổ dân phố thì cần nâng mức hỗ trợ lên 300 nghìn đồng/người/tháng, thay vì mức 200 nghìn đồng như đề nghị, vì công việc đối với chức danh này ở cơ sở là khá vất vả, chỉ sau bí thư chi bộ và trưởng xóm.

 

- Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga (Đoàn T.P Thái Nguyên) đề nghị từ năm 2016 trở đi, cần đưa chỉ tiêu về tỷ lệ gia đình; xóm, phố; cơ quan đạt chuẩn văn hóa là một trong số các chỉ tiêu chủ yếu trong báo cáo của UBND tỉnh, bởi trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và HĐND tỉnh, chỉ tiêu này là một trong những chỉ tiêu chủ yếu.