Nhiều vấn đề "nóng" được cử tri quan tâm

17:03, 08/12/2015

Tại kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh khoá XII, nhiều lĩnh vực "nóng", bức xúc được cử tri đặc biệt quan tâm, đưa ra ý kiến đóng góp. Báo Thái Nguyên Điện tử lược ghi một số ý kiến đó.

Cần nâng cao trình độ cán bộ “một cửa”

 

Ông Đỗ Tuấn Anh, xóm Nước Hai, xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên)
Ông Đỗ Tuấn Anh,
xóm Nước Hai, xã Quyết Thắng (TPTN)

Thời gian qua, T.P Thái Nguyên đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (chế độ một cửa) đem lại hiệu quả nhất định. Việc làm này đã giúp người dân chúng tôi khi đi giải quyết công việc không phải gặp nhiều người, đến nhiều nơi, bởi vậy tiết kiệm được thời gian. Cơ sở vật chất phục vụ giao dịch “một cửa” cũng khang trang, đảm bảo điều kiện giao dịch, các thủ tục công khai, minh bạch... Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy quá trình giải quyết công việc của cán bộ “một cửa” đôi lúc còn lúng túng, đặc biệt là ở các lĩnh vực giải quyết thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân. Tôi nghĩ để thực hiện tốt hơn công tác cải cách thủ tục hành chính, cán bộ “một cửa” cần phải thường xuyên nâng cao trình độ, tích cực tham gia các lớp tập huấn để đáp ứng yêu cầu công việc đặt ra.

 

 

 

Nguy hại từ bao bì rác thải trên đồng ruộng
 

Ông Lường Văn Hà, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Hoà Bình (Đồng Hỷ)
Ông Lường Văn Hà,
Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Hoà Bình (Đồng Hỷ)

Mỗi năm ở các xã nông thôn có rất nhiều rác thải là vỏ thuốc bảo vệ thực vật, trừ sâu bị vứt bỏ sau sử dụng. Đây là loại chất thải rắn độc hại, gây ra những tác động xấu đối với môi trường đất, nước, không khí và sức khỏe con người. Tuy nhiên, việc xử lý vỏ bao bì chưa thực sự được quan tâm, và vấn đề xử lý triệt để những chất thải này còn là bài toán khó. Ở một số địa phương, dù đã xây dựng được bể chứa loại rác thải này nhưng vẫn chưa có cách xử lý triệt để hóa chất chứa trong các vỏ bao bì. Trên địa bàn xã Hòa Bình, hiện tại, phần lớn các vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng bà con thu gom lại, tự đốt bỏ hoặc chuyển đi chôn lấp. Cách xử lý này có thể làm môi trường bị ô nhiễm bởi dư lượng hóa chất còn sót lại trong bao bì của các vỏ đựng thuốc. Đây cũng là nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm môi trường và nguồn nước.

 

Bởi thế, chúng tôi mong muốn Nhà nước có những chính sách cụ thể hỗ trợ các địa phương áp dụng các mô hình sản xuất sạch hơn và đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ, năng lực về quản lý chất thải rắn. Ngoài ra, cần dựa vào những nghiên cứu cụ thể về đặc trưng chất thải rắn để chọn lựa phương pháp xử lý chất thải rắn phù hợp, nhằm bảo vệ môi trường theo hướng bền vững.

 

Cần giám sát chất lượng công trình nhà trọ cho thuê

 

Bà Phạm Thị Huệ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Đồng Tiến (Thị xã Phổ Yên)

Phạm Thị Huệ,
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Đồng Tiến (T.X Phổ Yên)

Trên địa bàn T.X Phổ Yên có trên 1.500 nhà trọ, trong đó 80% là thuộc phường Đồng Tiến. Theo quy định, trước khi xây dựng nhà trọ, người dân phải xin cấp phép xây dựng tại cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các nhà trọ vẫn được người dân xây dựng tự do mà chưa xin cấp phép. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý trật tự xây dựng ở địa phương cũng như việc giám sát về chất lượng công trình xây dựng. Nhất là trong thời gian gần đây, nhiều nhà trọ được xây dựng với quy mô lớn, cao tầng. Đến nay, khoảng 10% tổng số nhà trọ trên địa bàn là nhà 2-3 tầng. Các công trình này nếu không được giám sát sẽ có nguy cơ không đảm bảo chất lượng, đặt ra mối lo ngại về sự an toàn đối với người thuê trọ.

 

 

 

 

 

Chợ Dốc Hanh có làm nữa hay không?

 

Bà Trần Thị Thanh, Chủ tịch UBND phường Trung Thành (T.P Thái Nguyên)
Trần Thị Thanh,
Chủ tịch UBND phường Trung Thành (TPTN)

Đó là câu hỏi mà nhiều tiểu thương chợ Dốc Hanh cũng như người dân trên địa bàn phường Trung Thành (T.P Thái Nguyên) đặt ra tại các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND các cấp thời gian qua. Từ tháng 12-2014, sau khi không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các tiểu thương về việc xây dựng chợ mới, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu tạm dừng các hoạt động đầu tư tại chợ Dốc Hanh. Tuy nhiên, việc chợ Dốc Hanh có tiếp tục đầu tư nữa hay không thì cho đến nay chính quyền sở tại và cả người dân đều chưa có câu trả lời. Điều đáng nói là mặc dù đã có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tạm dừng các hoạt động đầu tư đối với chợ chính nhưng khu chợ tạm hoạt động trên đường đi thuộc tổ 6, tổ 9 của phường đến nay vẫn tồn tại mà không mang lại bất cứ ích lợi gì, thậm chí còn ảnh hưởng đến các hộ dân sống ở khu vực xung quanh, cũng như việc tham gia giao thông của người dân. Chúng tôi mong muốn, tỉnh sớm đưa ra chủ trương có hay không việc đầu tư xây dựng chợ Dốc Hanh? Nếu có thì vào thời điểm nào? Còn nếu chưa có kế hoạch hoặc không đầu tư nữa cần sớm giải tỏa khu chợ tạm để tạo thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt, đi lại.

 

Sớm đền bù giải phóng mặt bằng để người dân ổn định cuộc sống
 

Ông Nguyễn Đức Thắng,
Chủ tịch UBND phường Bách Quang (T.P Sông Công)

Khu Công nghiệp (KCN) Sông Công I nằm trên địa bàn phường được thành lập từ năm 1999 với tổng diện tích quy hoạch 195ha. Tuy nhiên, đến nay, KCN mới giải phóng mặt bằng được gần 100ha, chiếm khoảng 50% tổng diện tích KCN. Việc đền bù, giải phóng mặt bằng chậm đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của hơn 100 hộ dân. Gần 20 năm qua, người dân phải sống trong cảnh chờ đợi đền bù, giải phóng mặt bằng. Nhiều gia đình có nhà, công trình phụ xuống cấp nhưng không được sửa chữa, xây mới. Thậm chí có những gia đình gần hơn 10 nhân khẩu phải sống trong 1 ngôi nhà cấp 4 chật hẹp, có gia đình phải dọn cả chuồng trâu để cho con cái lập gia đình ra ở riêng… Đặc biệt là hơn chục hộ gia đình nằm ngay sát Nhà máy Kẽm Điện phân, hằng ngày phải sống trong tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống sản xuất. Người dân và chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị với thành phố và tỉnh sớm triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng để người dân ổn định cuộc sống, nhưng đến nay kiến nghị này vẫn chưa được giải quyết.