Nhìn lại việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt

10:00, 25/12/2015

Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 2453/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 2453) về phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) giai đoạn 2011-2015, đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận trên địa bàn tỉnh ta. Tuy nhiên, so với mục tiêu mà Đề án hướng đến thì vẫn còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm giải quyết…

Trước sự bùng nổ của khoa học công nghệ cùng với xu hướng toàn cầu hóa, tự do hóa tài chính đã thúc đẩy các phương thức TTKDTM phát triển. Từ nhiều năm nay, ở những quốc gia phát triển, TTKDTM đã trở thành phương tiện thanh toán phổ biến và ngày càng được nhiều quốc gia khuyến khích sử dụng, đặc biệt là đối với các giao dịch thương mại, các giao dịch có giá trị và khối lượng lớn. Từ thực tế đó, từ cuối năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 291/2006/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020”. Sau 5 năm triển khai, việc thực hiện Quyết định bước đầu mang lại hiệu quả. Để tiếp tục đẩy mạnh phương thức thanh toán này, ngày 27-12-2011, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 2453 phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015.

 

Mục tiêu tổng quát mà Đề án là đa dạng hóa dịch vụ thanh toán, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử, chú trọng phát triển TTKDTM trong khu vực nông thôn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của nền kinh tế, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt về tập quán thanh toán trong xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả quản lý Nhà nước. Phấn đấu đến cuối năm 2015, tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 11%; tăng mạnh số người dân được tiếp cận các dịch vụ thanh toán, nâng tỷ lệ người dân có tài khoản tại ngân hàng lên mức 35-40% dân số…

 

Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện kịp thời các giải pháp về tài khoản không dùng tiền mặt trên địa bàn. Đối với các ngân hàng thương mại, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động khách hàng là các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện trả lương qua tài khoản; phối hợp với các sở, ngành thực hiện việc thu hộ tiền ngân sách và dịch vụ, từ đó hình thành thói quen TTKDTM qua mua sắm, thanh toán góp phần giảm tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt.

 

Tính đến hết tháng 10-2015, số lượng đơn vị hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trên địa bàn mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước tỉnh là 1.455, tăng 9% so với năm 2011; số đơn vị thực hiện trả lương qua tài khoản ngân hàng là 1.026, tăng 37% so với 2011, chiếm tỷ lệ 71% trong tổng số các đơn vị mở tài khoản tại Kho bạc; số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trên địa bàn đã thực hiện trả lương qua tài khoản là 31.589, tăng 39% so với năm 2011, chiếm tỷ lệ 75% tổng số người được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Riêng các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang và các đơn vị đóng ở địa bàn vùng sâu, vùng xa chưa thực hiện trả lương qua tài khoản.

 

Còn theo thông tin từ NHNN Chi nhánh tỉnh, cũng tính đến cuối tháng 10-2015, số tài khoản cá nhân trả lương qua ngân hàng là gần 110 nghìn người; số đơn vị trả lương qua tài khoản ngân hàng là 1.440; tổng doanh số trả lương qua tài khoản từ năm 2011-2015 là gần 34 nghìn tỷ đồng, với doanh số tăng đều qua từng năm, từ gần 5 nghìn tỷ đồng năm 2011, lên hơn 8,4 nghìn tỷ đồng năm 2015. Hiện, toàn tỉnh có 174 cây ATM, 435 máy POS (máy chấp nhận thanh toán thẻ), 609 nghìn thẻ nội địa, gần 14 nghìn thẻ quốc tế; tổng doanh số thanh toán qua thẻ từ năm 2011-2015 đạt trên 5,2 nghìn tỷ đồng.

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phương thức TTKDTM trên địa bàn tỉnh đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Đầu tiên là phải kể đến cơ sở hạ tầng thanh toán phân bố chưa đồng đều, hầu hết các máy ATM và POS mới chỉ tập trung ở khu vực thành thị, chưa phổ biến ở địa bàn nông thôn, gây khó khăn cho việc thực hiện trả lương qua tài khoản và TTKDTM ở khu vực này. Cùng với đó, thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt của phần lớn người dân, doanh nghiệp còn phổ biến, khiến số lượng và giá trị giao dịch thanh toán qua POS chưa nhiều. Ngoài ra, còn một số yếu tố khác gây cản trở, hạn chế sử dụng TTKDTM, đó là: Lừa đảo qua mạng, trình độ văn minh thương mại, tâm lý ngại tiếp cận với công nghệ mới, ngại công khai hóa thu nhập, doanh thu, sử dụng tiền mặt với những mục đích không minh bạch. Chất lượng dịch vụ ATM mặc dù đã được nâng lên, song vẫn còn những hạn chế do cả lý do khách quan và chủ quan như: mất điện, gián đoạn, nghẽn đường truyền viễn thông, việc chăm sóc khách hàng chưa được đầy đủ, kịp thời…

 

Để phát triển TTKDTM trong thời gian tới, theo đại diện NHNN Chi nhánh tỉnh, lãnh đạo một số doanh nghiệp và người dân thì Nhà nước cần có thêm các cơ chế, chính sách khuyến khích thanh toán qua thẻ như giảm một phần thuế giá trị gia tăng đối với doanh số bán hàng hóa, dịch vụ thanh toán bằng thẻ của doanh nghiệp để góp phần hình thành thói quen giao dịch bằng thẻ cho người tiêu dùng. Yêu cầu các điểm bán lẻ hàng hóa, dịch vụ có đủ điều kiện phải lắp đặt thiết bị và chấp nhận thanh toán bằng thẻ cho khách hàng; không phân biệt giữa thanh toán bằng tiền mặt với các phương tiện TTKDTM; không thu phụ phí của khách hàng. Lựa chọn một số địa bàn để thí điểm ứng dụng các phương thức, phương tiện thanh toán hiện đại nhưng dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở nông thôn; phối hợp, lồng ghép vào các chương trình, dự án khác để đạt hiệu quả cao…