Năm 2015, Công ty Than Núi Hồng (xã Yên Lãng, Đại Từ) tiếp tục hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra và trở thành một trong những đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả nhất của Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV - CTCP. Có được thành công trên là do tinh thần thi đua lao động của tập thể CB,CNV và sự phối hợp giữa Công ty với chính quyền địa phương trong quản lý chặt chẽ khoáng sản thuộc những điểm mỏ đã được bàn giao, quy hoạch....
Đến thời điểm đầu tháng 12, các chỉ tiêu chuyên môn của Công ty Than Núi Hồng, như: Bóc đất sản xuất, khai thác than nguyên khai; sản xuất than sạch và tiêu thụ than; sản xuất vỏ bao xi măng; sản xuất và tiêu thụ đá vôi... đều đã vượt từ 10% tới gần 40% kế hoạch của cả năm 2015. Để có được kết quả này, Ban Giám đốc Công ty đã quyết liệt trong thực hiện các giải pháp đề ra từ đầu năm và động viên tập thể CB,CN nêu cao trách nhiệm, sự sáng tạo trong sản xuất...
Cùng với đó, Ban lãnh đạo Công ty Than Núi Hồng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền xã Yên Lãng, các phòng chức năng của huyện Đại Từ thực hiện việc cắm mốc các vị trí để phân định vùng mỏ theo các quyết định của cấp có thẩm quyền về giao đất, cấp phép khai thác khoáng sản, quy hoạch vùng mỏ theo lộ trình. Đồng thời, Công ty Than Núi Hồng định kỳ phối hợp với chính quyền xã Yên Lãng, cán bộ các xóm nằm trong vùng mỏ tổ chức thống kê, kiểm đếm sơ bộ hiện trạng đất, tài sản trên đất đối với những khu vực đã quy hoạch khai thác than, xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh nhưng chưa thực hiện xong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Riêng đối với những trường hợp tổ chức, hộ gia đình có tài sản nằm trong vùng mỏ cố tình xây dựng các công trình dân dụng đều bị lập biên bản, đình chỉ thi công hoặc yêu cầu cam kết phải tháo dỡ khi Công ty tiến hành quy trình khai thác và không đòi hỏi đề bù, hỗ trợ. Anh Đoàn Văn Giang, Trưởng phòng Kỹ thuật của Công ty Than Núi Hồng cho biết: Theo phân vùng từ thấu kính 1 đến thấu kính 3 đã được cấp có thẩm quyền cấp phép thì vùng mỏ của Công ty trải dài qua nhiều xóm của xã Yên Lãng với diện hàng trăm héc-ta. Do đó, Công ty chưa thể đủ nguồn lực đầu tư kinh phí thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng 100% diện tích đã được cấp phép, quy hoạch phục vụ khai khoáng, đổ thải. Chính vì điều này mà việc quản lý vùng mỏ đặt ra rất quan thiết, được Ban Giám đốc Công ty đặc biệt quan tâm để hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng xâm lấn, xây dựng, cơi nới công trình dân sinh với nhiều mục đích khác nhau, trong đó không loại trừ ý đồ đón đền bù.
Trước đây, tại một số xóm của xã Yên Lãng nằm trong vùng mỏ của Công ty Than Núi Hồng đã có hiện tượng người dân lén lút xây dựng trang trại, công trình dân sinh tại những địa điểm đã công bố quy hoạch khai thác than theo lộ trình nên khi thực hiện quy trình đền bù, thu hồi đất gặp rất nhiều khó khăn, gây dư luận không tốt tại địa phương. Khắc phục hạn chế trên, từ năm 2011 đến nay, hằng năm, Công ty Than Núi Hồng đều phối hợp với cán bộ chuyên môn của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đại Từ, chính quyền xã Yên Lãng và các trưởng xóm trong vùng mỏ tổ chức rà soát lại các điểm mốc phân giới; ký cam kết giữ nguyên hiện trạng tại các vùng đã có quy hoạch phục vụ khai khoáng. Đồng thời, Công ty luôn ủng hộ cấp uỷ, chính quyền địa phương về vật chất, tinh thần trong quá trình tổ chức hoạt động phúc lợi tại địa phương để lồng ghép với công tác tuyên truyền, vận động người dân trong vùng mỏ và các vùng phụ cận chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước; phối hợp, ủng hộ, cùng chia sẻ khó khăn với Công ty trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Với cách làm vừa có lý, vừa có tình của tập thể cán bộ Công ty Than Núi Hồng và cán bộ cấp xóm, cấp xã ở Yên Lãng nên phần đông người dân nằm trong vùng mỏ đều không có tư tưởng lợi dụng việc xây dựng công trình để đón đền bù hay đòi hỏi phi lý khi Công ty phối hợp với cơ quan có thẩm quyền thực hiện quy trình đền bù, thu hồi đất...
Về cơ bản việc quản lý vùng mỏ đang được Công ty Than Núi Hồng và chính quyền địa phương thực hiện khá hiệu quả (minh chứng là trong năm 2014 và 2015 không phát sinh thêm trường hợp người dân tự ý xây dựng công trình trên những khu vực đã có quy hoạch). Tuy nhiên, theo lãnh đạo xã Yên Lãng và lãnh đạo Công ty Than Núi Hồng vấn đề xâm lấn, xây dựng công trình dân sinh trên những khu vực thuộc Công ty Than Núi Hồng đang trực tiếp quản lý và các vùng quy hoạch phục vụ khai khoáng luôn tiềm ấn, dễ tái phát hiện xâm lấn, xây dựng nếu không được quan tâm giải quyết thường xuyên. Cùng với đó là hoạt động khai khoáng đã, đang gây ra những tác động bất lợi đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân sở tại (hiện tượng tụt nước ngầm, ô nhiễm môi trường...) đòi hỏi Công ty Than Núi Hồng và cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm giải quyết để hài hoà mối quan hệ, lợi ích với người dân sống trong khu vực khai khoáng.