Ngày 05/12/2015 tại thành phố Thái Nguyên, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Hội Kiến trúc sư Thái Nguyên đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm, đối thoại về chuyên đề “Phát triển thành phố hai bên sông Cầu”.
Đến dự có các đồng chí: Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đoàn Văn Tuấn, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Sở Xây dựng và Hội Kiến trúc sư Thái Nguyên; các chuyên gia về Kiến trúc - quy hoạch; Hội KTS các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Hải Dương, Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái, Lạng Sơn và T.P Hà Nội...
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, KTS Nguyễn Tấn Vạn, khẳng định: Nghiên cứu “phát triển thành phố hai bên Sông Cầu” là một việc làm rất có ý nghĩa để bước đầu tiếp cận, triển khai công việc tiếp theo một cách chắc chắn, hiệu quả, đạt được mục tiêu mong muốn, đánh thức được tiềm năng của dòng sông Cầu, đáp ứng mục tiêu phát triển hiện nay và trong tương lai.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã cùng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm cũng như định hướng, giải pháp mang tính khả thi đối với vấn đề quy hoạch kiến trúc, cảnh quan hai bên bờ Sông Cầu (đoạn qua thành phố Thái Nguyên) với các chủ đề như: Đô thị và những dòng sông; Những vấn đề chung đối với đô thị tiếp cận sông; Lưu vực sông Cầu – Một vùng đất giàu yếu tố lịch sử, cảnh quan và truyền thống văn hóa; tiềm năng và thách thức đối với quy hoạch phát triển thành phố hai bên bờ sông Cầu. Cùng với đó là chia sẻ từ các nhà quản lý ở các địa phương đã quy hoạch và phát triển hiệu quả đô thị ven sông đã bước đầu gợi mở những định hướng quan trọng trong vấn đề quy hoạch kiến trúc, cảnh quan hai bên bờ sông Cầu đoạn qua thành phố Thái Nguyên.
Bên lề Hội thảo, một triển lãm về quy hoạch – kiến trúc đã được tổ chức, trưng bày 60 bức ảnh, 10 bản đồ, một số ảnh 3D với các nội dung: hình ảnh hiện trạng sông Cầu; các đồ án quy hoạch liên quan đến phát triển quy hoạch - kiến trúc bên bờ sông Cầu đoạn qua T.P Thái Nguyên; một số phương án thiết kế kiến trúc tạo cảnh quan bên bờ sông Cầu.
Sông Cầu có chiều dài khoảng 290km, bắt nguồn từ núi Tam Tao, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn và kết thúc ở ngã ba Lác, nơi tiếp giáp tỉnh Hải Dương. Sông Cầu chảy qua 6 tỉnh và thành phố là: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Dương với diện tích lưu vực là 6.030km2. Sông Cầu đoạn qua T.P Thái Nguyên có chiều dài 22km, độ dốc không lớn, dòng sông rộng về mùa cạn được xác định là yếu tố chủ đạo trong sự phát triển không gian đô thị nếu khai thác và quy hoạch hợp lý. Tuy nhiên, ngoài lợi thế về phát triển kiến trúc đô thị, dòng sông Cầu đoạn qua thành phố Thái Nguyên cũng có những điểm yếu cần quan tâm và có giải pháp thích hợp để khai thác tiềm năng, đồng thời tạo ra bản sắc, tính độc đáo của đô thị Thái Nguyên bên dòng sông Cầu.