Trả lời chất vấn, làm rõ nhiều nội dung cử tri quan tâm

17:40, 10/12/2015

Trong phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường diễn ra sáng 10-12 của kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh, không khí như ấm lên với những vấn đề, nội dung đang được cử tri quan tâm. Báo Thái Nguyên lược ghi một số ý kiến giải trình, làm rõ và trả lời chất vấn tại kỳ họp.

Những giải pháp quan trọng nâng cao chỉ số PCI

 

Đại biểu Cù Xuân Thu (Đoàn Phổ Yên) chất vấn UBND tỉnh: Do sự không thống nhất về văn bản pháp luật hướng dẫn đầu tư của các sở, ngành nên dẫn đến tình trạng thiệt thòi cho nhà đầu tư, làm giảm chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Vậy, giải pháp thực tế để nâng cao chỉ số PCI của tỉnh là gì?

 

Đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trả lời: Ban Chỉ đạo PCI tỉnh đã đề ra một số giải pháp chỉ đạo trọng tâm là: Chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết công việc; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, xử lý nghiêm những trường hợp nhũng nhiễu, phiền hà. UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa. Chỉ đạo hệ thống ngân hàng thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - DN để tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Chỉ đạo ngành Thuế, Hải quan tổ chức các hội nghị đối thoại với các DN, tạo điều kiện cho các DN kê khai hải quan điện tử, nộp thuế điện tử...

 

Khi nào xây dựng hồ Khuôn Nhà?

 

Đại biểu Lương Văn Ngân (Đoàn Định Hoá) chất vấn: Dự án xây dựng hồ Khuôn Nhà thuộc địa bàn 2 xã Quy Kỳ, Kim Sơn (Định Hoá) đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2010 nhưng đến nay chưa được đầu tư khiến người dân trong vùng quy hoạch gặp khó khăn trong việc xây dựng, sửa chữa nhà cửa, mở rộng sản xuất. Đề nghị UBND tỉnh cho biết khi nào triển khai Dự án?

 

Đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời: Giai đoạn vừa qua, ngân sách Trung ương, tỉnh đều gặp khó khăn, nợ công lớn nên chưa có vốn để thực hiện đầu tư xây dựng hồ Khuôn Nhà. UBND tỉnh đã đăng ký công trình trên vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và HĐND tỉnh khoá XII, kỳ họp thứ 13 thông qua sử dụng nguồn vốn đầu tư Trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa có hướng dẫn, thẩm định nên Dự án chưa thể thực hiện. Năm 2016, UBND tỉnh sẽ tiếp tục giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với chủ đầu tư, các đơn vị liên quan nỗ lực thực hiện Dự án trong giai đoạn 2016 - 2020.

 

Báo động sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

 

Đại biểu Nông Thanh Thủy (đoàn Đồng Hỷ) chất vấn:  Việc sử dụng chất Vàng O trong chăn nuôi gà và một số chất cấm khác trong thức ăn chăn nuôi đã xuất hiện tại một số địa phương. Đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết những giải pháp ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh?

 

Đồng chí Ngô Xuân Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trả lời: Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về việc triển khai đợt cao điểm hành động Năm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó tập trung vào kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, đặc biệt là chất Salbutamol và chất Vàng O. Thời gian thực hiện từ tháng 12-2015 đến hết tháng 2-2016. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Sở đã thành lập các đoàn thanh, kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm. Trong đó đã kiểm tra các cơ sở chăn nuôi và tiến hành lấy 15 mẫu, kết quả có 01 mẫu giò có sử dụng hàn the, 15 mẫu đều không phát hiện chất cấm Salbutamol. Hiện tại, Chi cục đang phối hợp với Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường tổ chức 2 đoàn kiểm tra đối với 20 cơ sở chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; lấy 10 mẫu nước tiểu lợn ở giai đoạn xuất chuồng và 05 mẫu thức ăn chăn nuôi gửi đi để kiểm nghiệm chất cấm Salbutamol. Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về nguy hại của việc sử dụng chất cấm; đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm nếu phát hiện cơ sở nào vi phạm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

 

Chế độ cho giáo viên mầm non vì sao chưa được thực hiện?
 

Đại biểu Mai Thị Thúy Nga (Đoàn Phú Bình) chất vấn: Từ kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XII, tôi đã chất vấn lãnh đạo UBND tỉnh về việc vận dụng Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV để xếp lương cho giáo viên mầm non (có thời gian đóng BHXH) khi thực hiện chuyển đổi từ mô hình trường mầm non bán công sang công lập. Tuy nhiên đến nay, nội dung này vẫn chưa được xem xét giải quyết. Đề nghị UBND tỉnh cho biết, số giáo viên có thời gian đóng BHXH bắt buộc trước ngày 15-12-2011 theo diện nêu trên có đủ điều kiện xếp lương theo Thông tư liên tịch số 09? Nếu đủ, đề nghị cho biết giải pháp và tiến độ dự kiến triển khai thực hiện.

 

Đồng chí Trần Dương Thịnh, Giám đốc Sở Nội vụ (được UBND tỉnh ủy quyền) trả lời: Thông tư liên tịch 09 đã quy định đối tượng điều chỉnh là giáo viên mầm non đủ tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp, làm việc theo chế độ hợp đồng lao động ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Do đó, số giáo viên đã được tuyển dụng theo Quyết định số 31/2010/QĐ-UBND của tỉnh là viên chức nên không phải là đối tượng thực hiện xếp lương theo Thông tư 09.

 

Năm 2014, các sở, ngành liên quan đã đề xuất với UBND tỉnh vận dụng thực hiện đối với số giáo viên này theo Thông tư 09 nhưng do khó khăn về cân đối ngân sách, cũng như để đảm bảo công bằng trong việc vận dụng các chế độ chính sách đối với giáo viên trước đây nên tỉnh chưa giải quyết. Năm 2016, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giải quyết cho phù hợp.

 

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN

 

Giải trình về tình hình hoạt động của các DN Nhà nước sau cổ phần hoá, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Năm 1998, tỉnh có 54 DN Nhà nước do UBND tỉnh thành lập. Từ năm 1998 đến 2011, các DN này đã chuyển đổi sang các mô hình khác nhau. Nhìn chung các DN sau cổ phần hoá hoạt động tốt, nhưng vẫn còn một số DN gặp nhiều khó khăn do tình hình kinh tế có biến động. Hiện nay, UBND tỉnh quản lý 9 công ty cổ phần có vốn Nhà nước. Trong những công ty này có 5 công ty kinh doanh hiệu quả, 01 công ty có kết quả kinh doanh chưa cao, 01 công ty kinh doanh khó khăn và 2 công ty mới cổ phần hoá chưa thực hiện đánh giá. Thời gian tới, để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, UBND tỉnh sẽ tiếp tục cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn ưu đãi, tăng cường xúc tiến thương mại, kịp thời, nhanh chóng tháo gỡ khi các doanh nghiệp gặp khó khăn…

 

Nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ thuế

 

Trước nhiều ý kiến của các đại biểu quan tâm đề nghị làm rõ tình trạng nợ thuế và một số nguồn thu không đạt kế hoạch; nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới, ông Phạm Văn Chức, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh làm rõ: Tính đến cuối tháng 11, số nợ thuế toàn tỉnh là 296,7 tỷ đồng, bằng 5,2% so với ước thu cả năm của ngành. Trong đó, số thuế nợ khó thu là 124,7 tỷ đồng, còn lại là có khả năng thu; nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là 28,1 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ thuế có nhiều, nhưng chủ yếu do tình hình sản xuất kinh doanh của các DN còn gặp nhiều khó khăn; một số DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, cung cấp hàng hóa, dịch vụ từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước đã hoàn thành, nghiệm thu nhưng chưa được thanh toán; một số DN năng lực sản xuất kinh doanh, quản trị DN còn hạn chế, làm ăn thua lỗ, chưa có hướng đi hợp lý dẫn đến phải ngừng, nghỉ kinh doanh… Ngành Thuế phấn đấu đến cuối tháng 12 sẽ đưa tỷ lệ nợ thuế xuống dưới 5% theo quy định của Bộ Tài chính.