Trước tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là vào mùa đông ở Võ Nhai thường có rét đậm, rét hại kéo dài, nhiều vùng còn xuất hiện sương muối… Vì vậy, chính quyền các cấp của huyện Võ Nhai đã chủ động đề ra nhiều phương án phòng chống dịch bệnh và phòng chống rét cho gia súc.
Trong những năm qua, nhờ chủ động, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm nên trên địa bàn huyện Võ Nhai không bùng phát ổ dịch lớn, tình trạng gia súc bị chết do rét đã cơ bản không xuất hiện. Ông Đặng Văn Đức, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Võ Nhai cho biết: Ngay từ đầu mùa đông, Phòng Nông nghiêp và PTNT huyện đã phối hợp với Trạm Khuyến nông và UBND các xã, thị trấn xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh và phòng chống rét cho gia súc. Các cán bộ khuyến nông phụ trách địa bàn tích cực hướng dẫn người dân trên địa bàn che chắn chuồng trại, tích trữ nguồn thức ăn cho vật nuôi trong thời gian rét đậm, sương muối… Hiện nay, mục đích chăn nuôi của người dân mang tính hàng hóa rõ rệt nên các hộ đều rất chú ý đến công tác phòng tránh bệnh dịch, chống rét cho vật nuôi. Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân không nên thả trâu, bò và vật nuôi khác ra ngoài trời khi nhiệt độ xuống thấp…
Bà Hoàng Thị Lực, ở xóm Phượng Hoàng, xã Phú Thượng cho biết: Tuy hiện nay, thời tiết chưa vào vụ rét chính nhưng gia đình tôi đã lấy bạt che chắn chuồng bò vào ban đêm để tránh gió lùa, dùng cây gác làm trần, sau đó, dải rơm lên trên để giữ ấm cho bò. Ngoài ra, chủ động trồng cỏ và bột ngô để đảm bào nguồn thức ăn cho vật nuôi đề phòng khi nhiệt độ xuống thấp và có sương muối…
Bên cạnh việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh và rét theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, người dân còn áp dụng một số biện pháp chống rét cho vật nuôi theo kinh nghiệm dân gian rất tốt. Anh Đặng Văn Uy, ở xóm Bản, xã Phương Giao chia sẻ: Hiện nay, gia đình tôi nuôi 3 con bò và 2 con trâu, đây là số tài sản lớn nhất của gia đình. Vì vậy, vào mùa đông, tôi thường dùng muối pha với nước ấm (nồng độ phù hợp) để cho trâu, bò uống, như vậy lớp lông của trâu, bò sẽ mọc dày hơn nên chống rét tốt hơn và tăng sức đề kháng; hun chấu cạnh chuồng trâu bò vừa xua đuổi muỗi vừa giữ ấm cho vật nuôi…
Trong những năm gần đây, số lượng trâu, bò của huyện Võ Nhai đang có chiều hướng phát triển mạnh, trung bình mỗi năm đạt trên 1.000 trâu, bò, mục đích chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Hiện tại, người dân trên địa bàn huyện Võ Nhai chăn nuôi gần 9.000 con trâu, bò, hơn chục nghìn con dê và hơn 500 nghìn con gia cầm. Với nhiều tiềm năng và lợi thế, chăn nuôi gia súc đã và đang là hướng phát triển kinh tế hiệu quả của người dân, việc tích cực, chủ động phòng chống dịch bệnh, chống rét cho vật nuôi sẽ giảm thiệt hại tối đa do yếu tố thời tiết gây ra…