Chủ động phòng, chống cháy rừng

09:17, 07/01/2016

Huyện Đồng Hỷ có trên 24 nghìn ha rừng, tỷ lệ che phủ chiếm 53% diện tích tự nhiên toàn huyện. Nhiều năm qua nhờ làm tốt công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, địa bàn huyện không xảy ra vụ cháy rừng nghiêm trọng, một số ít vụ cháy nhỏ đã được phát hiện và chữa cháy kịp thời…

Gia đình ông Nông Văn Triệu, xóm Vân Hán, xã Văn Hán có trên 10ha rừng. Bước vào mùa khô năm nay, ông Triệu đã chủ động PCCCR bằng cách thu gom lá khô, cành khô là những vật liệu dễ châm mồi cháy; làm đường biên để chống cháy lan từ khu rừng của hộ này sang hộ khác. Để xử lý lá khô, ông Triệu và nhiều người dân trong xóm tìm cách thu gom và ủ lá cây thành phân vi sinh để bón lại cho rừng. Đây cũng là biện pháp PCCCR hiệu quả do hạn chế được vật liệu dễ châm mồi cháy và việc đốt dọn thực bì có thể gây ra cháy rừng. Được biết, xóm Vân Hán diện tích tự nhiên khoảng 800ha, là xóm xa nhất của xã Văn Hán. Toàn xóm có 247 hộ thì 100% số hộ đều tham gia trồng rừng với diện tích trên 550ha. Xóm đã thành lập được nhiều tổ quần chúng bảo vệ rừng có nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra rừng tại địa bàn và xử lý khẩn cấp khi xảy ra cháy rừng. Bên cạnh đó, quy ước của xóm quy định rõ: Muốn đốt dọn thực bì, hoặc rác, chủ rừng phải báo với trưởng xóm để cử người canh gác và đốt đúng thời gian quy định. Nhờ vậy, hơn 10 năm qua, xóm không xảy ra cháy rừng.

 

Cùng với xóm Vân Hán, nhiều năm qua, người dân các xóm của xã Văn Hán đã tích cực PCCCR để trên 2,3 nghìn ha diện tích rừng sản xuất của xã không xảy ra vụ cháy nào. Ông Vi Ngọc Thi, Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm nay, xã đã xây dựng phương án bảo vệ, PCCCR cụ thể, xác định từng vùng xung yếu và khó khăn của từng khu vực để có phương án sát, đúng. Bước vào mùa khô, xã đã thông qua các phương tiện thông tin như đài truyền thanh xã, loa phóng thanh ở các xóm kết hợp với các cuộc họp dân, triển khai lồng ghép thông báo nguy cơ cháy rừng, quy chế bảo vệ PCCCR…

 

Không chỉ riêng xã Văn Hán, tất cả các địa phương khác trên địa bàn huyện Đồng Hỷ cũng đều có sự chuẩn bị tốt cho công tác PCCCR, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng cháy rừng xảy ra. Được biết, huyện Đồng Hỷ có trên 24 nghìn ha rừng, với tỷ lệ che phủ rừng chiếm 53% diện tích tự nhiên toàn huyện. Với đặc điểm, nhiều diện tích rừng ở nơi địa hình phức tạp, hiểm trở nên khó khăn trong việc huy động các phương tiện, nhân lực chữa cháy khi xảy ra cháy rừng. Vì vậy, huyện Đồng Hỷ đã tích cực chỉ đạo công tác PCCCR, đề ra các phương án cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng và PCCCR nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về rừng do cháy rừng gây ra. Ngay từ đầu mùa khô, huyện Đồng Hỷ đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện, xã và các tổ, đội quần chúng ở cơ sở.

 

Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 185 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng và PCCCR tại chỗ của mỗi xóm, bản, có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tại những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao nhằm kịp thời phát hiện cháy và xử lý kịp thời. Đồng thời, huyện cũng xây dựng phương án PCCCR và triển khai đến các xã, chủ rừng và nhân dân tại khu vực có rừng; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về PCCCR. Ngoài ra, đối với các diện tích rừng có nguy cơ cháy cao, các cán bộ kiểm lâm đã kịp thời hướng dẫn chủ rừng về công tác vệ sinh, chăm sóc rừng trồng và mang các vật liệu dễ cháy ra khỏi phạm vi rừng. Cùng với đó, Hạt Kiểm lâm huyện cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức trong cộng đồng dân cư, các cơ quan, trường học trên địa bàn để mọi người nhận thức rõ công tác PCCCR là góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

 

Năm nay, tuy mới chỉ bắt đầu bước vào mùa khô, nhưng ngành chuyên môn dự báo thời tiết sẽ có những thay đổi khó lường, nguy cơ xảy ra cháy rừng luôn ở mức cao. Là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR, Hạt Kiểm lâm huyện đã có kế hoạch phân công cán bộ kiểm lâm thường trực 24/24 giờ. Tại mỗi xóm có rừng đều đã thành lập tổ, đội PCCCR từ 20 người trở lên, hoạt động với phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra. Lực lượng này cũng thường xuyên tuần tra, kiểm soát các khu vực rừng có nguy cơ xảy ra cháy; làm mới, phát dọn đường biên cản lửa, có phương án khoanh vùng, khống chế và hạn chế thấp nhất diện tích đám cháy nếu xảy ra cháy trên địa bàn…