Đầu tư phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số

17:00, 01/01/2016

Dẫn chúng tôi đi thăm các phòng học, khu ký túc xá, nhà ăn, hệ thống sân chơi, bãi tập được đầu tư xây dựng khang trang theo đúng quy cách của trường chuẩn, thầy giáo Nguyễn Văn Trường, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Thái Nguyên không giấu nổi niềm vui: Những năm qua tỉnh đã quan tâm đầu tư thích đáng cho công tác giáo dục dân tộc bằng việc xây dựng các trường dân tộc nội trú ở những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhờ vậy nhiều học sinh là con em đồng bào dân tộc được tới trường, hạn chế thấp nhất việc bỏ ngang chừng. Được học tại các trường nội trú, các em được dạy dỗ, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện để sau này mang kiến thức đóng góp cho sự phát triển của địa phương.

 

Đúng như khẳng định của thầy giáo Nguyễn Văn Trường, trao đổi cùng chúng tôi, em Đinh Thảo Hường, dân tộc Hrê, học sinh lớp 10A4 cho biết: Nhà em ở xóm Hồng Tiến, xã Trung Lương, huyện Định Hóa. Đầu năm học vừa rồi em nộp hồ sơ và được xét tuyển vào học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Thái Nguyên. Xa nhà thời gian đầu em rất buồn, nhưng được các thầy cô quan tâm, động viên em đã dần quen với môi trường học tập nội trú. Điều kiện ăn, ở, học tập ở trường rất tốt, em sẽ nỗ lực cố gắng để không phụ công thầy cô, cha mẹ dưỡng dục. Cũng như Hường, Chu Thị Thanh, dân tộc Tày học sinh lớp 11A1, nhà ở Là Bo, Tràng Xá (Võ Nhai) chia sẻ: Cấp II, em được học ở Trường phổ thông dân tộc nội trú Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cấp III em đủ điều kiện xét tuyển vào học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Ngôi trường này như mái nhà thứ 2 của em. Học tập ở mái trường này các thầy cô không chỉ dạy cho chúng em kiến thức mà còn cả nhân cách và kỹ năng sống. Ngôi trường nội trú còn là môi trường rèn luyện để chúng em sống trong khuôn khổ của sự kỷ luật, được dạy cách sống tập thể, làm việc tập thể và được rèn cách ứng xử, tính tiết kiệm… để trưởng thành hơn. Học sinh dân tộc nội trú chúng em sống rất tình cảm và gắn bó, rất quý nhau. Bản thân em sẽ nỗ lực phấn đấu xứng đáng với công lao của các thầy cô giáo dành cho.

 

Thực tế tại Trường Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tân Long (Đồng Hỷ), chúng tôi cũng được thầy giáo Hoàng Kim Đỉnh, Hiệu trưởng Nhà trường vui mừng nói: “Nhờ có chính sách xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú của tỉnh mà tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đạt cao. Các em có khoảng cách từ nhà đến trường trên 5km, không thể đi về trong ngày đều được hỗ trợ tiền ăn theo quy định. Nhờ vậy, từ năm học 2011-2012 đến nay, không có HS nào bỏ học. Chúng tôi còn vận động được 10/14 cháu bỏ học từ những năm trước ra lớp. Nhiều nhà có tới 2-3 anh em đang học ở trường này như chị em Vương Thị Chung, Vương Thị Mầu; 4 anh em học tại trường như nhà em Vương Thị Sầu, lớp 9A ở xóm Mỏ Ba”.

 

 Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, vào đầu mỗi năm học, ngành Giáo dục đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các chính sách thúc đẩy sự nghiệp giáo dục phát triển phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đối với những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, ngành tập trung tham mưu cho Bộ GD & ĐT, UBND tỉnh đầu tư xây dựng các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú. Việc đầu tư xây dựng các trường phổ thông dân tộc bán trú ở các xã vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã góp phần huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường và đảm bảo duy trì sĩ số, cải thiện chất lượng giáo dục, góp phần củng cố vững chắc kết quả công tác phổ cập giáo dục bậc tiểu học, THCS, từng bước phổ cập giáo dục bậc THPT.

 

Trong buổi làm việc với lãnh đạo ngành Giáo dục, đồng chí Ngô Thượng Chính, Phó Giám đốc Sở GD & ĐT cho biết: Trước năm 2010, tỷ lệ con em đồng bào các dân tộc thiểu số được vào học các trường nội trú không nhiều (trên địa bàn tỉnh lúc đó có 3 trường có hệ nội trú ở huyện Định Hóa và Võ Nhai và T.P Thái Nguyên), toàn tỉnh mới thu hút được 2,5% học sinh dân tộc được học nội trú từ bậc THCS đến THPT. Các em chủ yếu vẫn học tại trường ở sở tại, việc đi lại ở các xã khó khăn, nên tỷ lệ bỏ học ngang chừng, cũng như tốt nghiệp THCS không học tiếp THPT còn nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phổ cập giáo dục bậc trung học. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thành lập trường phổ thông dân tộc nội trú, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống các trường nội trú. Cuối năm 2011, UBND tỉnh quyết định việc phê duyệt Chương trình phát triển giáo dục Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015. Theo đó, quyết định đầu xây dựng mới 3 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS ở các huyện Đồng Hỷ, Phú Lương, Đại Từ với tổng kinh phí trên 161 tỷ đồng, trong đó vốn chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục là trên 103 tỷ đồng; ngân sách địa phương đối ứng là 31 tỷ đồng. Mỗi trường quy mô 8 lớp, 250 học sinh. Đồng thời, ngành Giáo dục cũng tham mưu cho tỉnh thành lập 9 trường phổ thông dân tộc bán trú ở cấp tiểu học và THCS ở Võ Nhai và Đồng Hỷ. Với hệ thống 12 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú cấp THCS, THPT được đầu tư trong giai đoạn 2011-2015 đã nâng số học sinh được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú lên 1.703 em vào năm học 2015-2016, nâng tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú lên 5,65%. Để đạt mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 8% học sinh dân tộc thiểu số theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, Sở Giáo dục & Đào tạo đã tham mưu để tỉnh xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư củng cố mở rộng, nâng quy mô của 4 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp THCS và 1 trường phổ thông dân dân tộc nội trú tỉnh. Đây là cơ sở để nâng cao tỷ lệ học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số được theo học tại các trường nội trú.

 

Việc tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường bán trú nhằm tạo điều kiện cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội học tập, vươn lên... Qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo nguồn cán bộ cho các xã, đảm bảo thực hiện công bằng trong giáo dục.

   

Trong 3 năm 2013 đến 2015, thực hiện Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, toàn tỉnh đã cấp 30 tỷ đồng và 1.495 tấn gạo cho học sinh dân tộc thiểu số của tỉnh.