Đột phá trong cải cách thủ tục hành chính thuế

08:00, 02/01/2016

Có thể nói, chưa bao giờ tốc độ cải cách hành chính (CCHC) thuế lại diễn ra mạnh mẽ và hiệu quả như 2 năm trở lại đây. Từ nước nằm trong tốp có số giờ nộp thuế cao, năm 2015, Việt Nam đã trở thành một trong 5 nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á được xếp hạng có mức độ thuận lợi về thuế… Trong thành tích chung ấy, ngành Thuế Thái Nguyên được Tổng cục Thuế đánh giá là một trong số các địa phương làm tốt công tác CCHC, góp phần đáng kể vào việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Trách nhiệm, chuyên nghiệp và kịp thời là nhận xét chung của nhiều lãnh đạo, kế toán doanh nghiệp (DN) trên địa bàn khi nói về tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức ngành Thuế tỉnh. Và qua kết quả điều tra sự hài lòng của DN đối với việc thực hiện thủ tục hành chính của Cục Thuế các tỉnh, thành trong cả nước năm 2015, với 7 tiêu chí thành phần, ngành Thuế Thái Nguyên được xếp vào tốp các địa phương đứng đầu thực hiện tốt. Vậy các giải pháp mà ngành Thuế tỉnh đã triển khai trong thời gian qua là gì?

 

Theo đồng chí Phạm Văn Chức, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, trước hết, Ban lãnh đạo Cục Thuế luôn xác định CCHC là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Trên cơ sở đó, quán triệt đến toàn thể cán bộ công chức toàn ngành thực hiện theo đúng các quy định mà ngành đề ra; chỉ đạo các Chi cục thuế, các phòng chức năng thường xuyên tiến hành rà soát, kiện toàn, công khai các thủ tục hành chính ngay tại nơi tiếp nhận và trả kết quả. Đồng thời, chú trọng làm tốt việc xây dựng kế hoạch, cải cách thể chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, tài chính công và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa toàn ngành.

 

Có mặt tại Hội nghị đối thoại với hơn 500 DN do Cục Thuế phối hợp với Hiệp hội DN tỉnh tổ chức vào đầu tháng 12 vừa qua, điều chúng tôi dễ dàng nhận thấy là sự hài lòng của các DN về những gì mà ngành Thuế tỉnh đã và đang làm vì DN. Nói như đại diện lãnh đạo Hiệp hội DN tỉnh và một số hội DN, thông qua đối thoại, DN sẽ được hiểu hơn về các chính sách thuế mới vừa được đưa vào triển khai; được giải đáp những gì chưa hiểu, hiểu chưa sâu, thậm chí là hiểu sai. Ngược lại, cơ quan Thuế cũng sẽ biết được DN đang thiếu gì, cần gì và lắng nghe được DN đánh giá về chất lượng phục vụ của ngành mình ra sao để từ đó có sự kê chỉnh sao cho hài hòa, hợp lý, đảm bảo tính hiệu quả cho cả 2 bên. Đã có rất nhiều câu hỏi được đưa ra và được giải đáp ngay tại Hội nghị đối thoại. Được biết, các hội nghị tập huấn, đối thoại với người nộp thuế (NNT) như thế này khoảng 3 năm trở lại đây đã được ngành Thuế đặc biệt chú trọng. Cách làm này đã và đang nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao từ phía cộng đồng DN. Chỉ tính riêng năm 2015, toàn ngành đã tổ chức được 45 hội nghị tập huấn, với sự tham gia của gần 12 nghìn lượt tổ chức, cá nhân; trong đó có 31 hội nghị đối thoại, với sự tham gia của hơn 9 nghìn lượt người…

 

Cũng nằm trong nội dung CCHC, một trong những kết quả nổi bật trong năm qua của ngành Thuế Thái Nguyên đó là việc triển khai mở rộng dịch vụ nộp thuế điện tử nhằm rút ngắn thời gian nộp thuế cho DN theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính. Chỉ sau 3 tháng triển khai đồng bộ, quyết liệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và hỗ trợ DN, tính đến cuối tháng 5-2015, đã có trên 90% DN trên địa bàn đăng ký nộp thuế điện tử. Với kết quả này, Thái Nguyên đã về đích trước 3 tháng và trở thành một trong 3 tỉnh dẫn đầu cả nước về kết quả triển khai nộp thuế điện tử, được Tổng cục Thuế khen thưởng. Và tính đến cuối tháng 12-2015, tỷ lệ nộp thuế điện tử và DN nộp thuế điện tử đều đã đạt trên 95%, vượt chỉ tiêu Tổng cục Thuế giao và tiếp tục là một trong các địa phương dẫn đầu cả nước về nộp thuế điện tử. Thực tế cho thấy, dịch vụ nộp thuế điện tử không những hỗ trợ người nộp thuế giảm thời gian, kinh phí và đơn giản hóa thủ tục giấy tờ khi thực hiện nghĩa vụ thuế, mà còn giúp ngành Thuế tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế, xử lý thông tin thu nộp thuế nhanh chóng, chính xác. Bởi thế, để triển khai có hiệu quả dịch vụ này, Cục Thuế còn phát động phong trào thi đua trong toàn ngành; giao nhiệm vụ và chỉ tiêu cụ thể đến từng bộ phận, từng cán bộ công chức, nhất là những bộ phận trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ DN thực hiện đăng ký nộp thuế điện tử.

 

Song song với các biện pháp nêu trên, ngành Thuế Thái Nguyên cũng luôn chú trọng đến việc nâng cao hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin, coi đây là chìa khóa trong cải cách thủ tục hành chính của ngành. Đại đa số các thủ tục hành chính đều đã được ngành Thuế tỉnh đưa vào các phần mềm xử lý. Ngay cả các tờ khai, báo cáo, quyết toán thuế… cũng đã được nghiên cứu, ứng dụng trên các phần mềm. Để làm được điều đó, ngành Thuế phải thường xuyên thực hiện việc nâng cấp các phần mềm ứng dụng kê khai để cung cấp kịp thời cho người nộp thuế, nhằm giúp các DN rút ngắn thời gian, giảm thiểu các sai sót trong quá trình khai thuế.

 

Tính đến nay, cùng với ngành Thuế cả nước, ngành Thuế Thái Nguyên đã góp phần giảm được đáng kể số giờ nộp thuế/năm cho DN, từ 517 giờ (cuối năm 2013) xuống còn 117 giờ (hiện nay), vượt mục tiêu Nghị quyết số 19/2015/NQ-CP của Chính phủ đưa ra là 121,5 giờ. Điều này không chỉ có ý nghĩa với các DN, mà còn góp phần quan trọng giúp ngành Thuế tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách cả năm với số thu đạt tới 5.700 tỷ đồng, vượt 1.700 tỷ đồng so với chỉ tiêu tỉnh giao.

 

Có thể nói, những kết quả đạt được trong công tác CCHC thuế của tỉnh thời gian qua là rất đáng tự hào, song không vì thế mà ngành Thuế tự bằng lòng. Đồng chí Phạm Văn Chức cho rằng vẫn còn tồn tại một số chính sách quy định chưa rõ ràng, gây khó khăn trong việc xử lý và giải quyết chính sách cho NNT; nhận thức về văn hóa công sở của một số cán bộ (chủ yếu là cấp chi cục) chưa thấy rõ được mối liên hệ qua lại giữa trình độ văn hóa công sở với hiệu quả, năng suất công việc… Từ những kết quả đã đạt được cũng như những mặt hạn chế cần khắc phục, trong thời gian tới, ngành Thuế tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh CCHC theo hướng ngắn gọn, đơn giản nhất cả về mặt thời gian, thủ tục và trình tự giải quyết; tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ khi thi hành công vụ trong quá trình tiếp xúc với NNT; xây dựng và ban hành kế hoạch tuyên truyền - hỗ trợ NTT; kế hoạch về công tác thanh, kiểm tra, quản lý nợ thuế; hỗ trợ công khai đối với NNT trên cơ sở nhằm giảm bớt phiền hà cho NNT, tránh thanh, kiểm tra chồng chéo giữa các đơn vị… nhằm hướng tới 4 giá trị theo đúng tuyên ngôn của ngành Thuế đã đề ra “Minh bạch - chuyên nghiệp - liên chính - đổi mới”. Đồng thời thực hiện quản lý thuế theo đúng tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 để đáp ứng, phục vụ tốt hơn đối tượng nộp thuế, tăng tính tự giác tuân thủ pháp luật thuế đối với người nộp thuế; đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước của tỉnh, phục vụ mục tiêu phát triển của ngành và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.