Ngày 20-1, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo về tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020. Đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Dự Hội thảo có đồng chí Dương Văn Lành, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh; đại diện Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Lâm nghiệp, vụ Kế hoạch, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn...
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghiên cứu, cho ý kiến vào Dự thảo Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020. Giai đoạn 2011-2015, từ các nguồn vốn, tỉnh đã đầu tư trên 1.786 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất. Nhờ đó, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản bình quân của tỉnh tăng 6,2%. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi (từ 32% năm 2010 lên 41% năm 2015). Tuy nhiên, sản xuất vẫn chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún theo quy mô hộ, chưa có nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, thiếu liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm...
Dự thảo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 đề ra một số chỉ tiêu cụ thể như: Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hằng năm giai đoạn 2016-2020 là 4%, cơ cấu kinh tế đến năm 2020 nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 11%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 35 triệu đồng/ người/ năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm từ 2% trở lên; 70% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới; 95% người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...
Các đại biểu dự Hội thảo đã đóng góp ý kiến để hoàn thiện các nội dung của Đề án như: Cần có kế hoạch cụ thể về thực hiện các mô hình cánh đồng mẫu lớn, trồng rừng thâm canh, phát triển trung tâm công nghệ cao về nông nghiệp; chú trọng phát triển lĩnh vực chăn nuôi; đánh giá xu hướng chuyển đổi giống lúa chất lượng cao, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè...
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Đoàn Văn Tuấn nhấn mạnh, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng mà tỉnh cần tập trung thực hiện. Vì vậy, các ngành chức năng, các địa phương cần đưa ra định hướng để phát triển cây trồng, vật nuôi dựa theo lợi thế của từng vùng; xác định rõ sản phẩm hàng hóa và nâng cao giá trị hàng hóa sau khi thực hiện Đề án; hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất và nâng cao đời sống cho người dân khu vực nông thôn...