Phủ xanh núi đá

09:00, 02/01/2016

Trên những dãy núi đá của xã Bình Long (Võ Nhai), màu xanh của cây rừng tự nhiên đã hiện hữu. Đó là kết quả của việc thực hiện thí điểm Dự án “Mô hình xây dựng năng lực cho cộng đồng dân tộc thiểu số sẵn sàng tham gia Chương trình giảm phát thải nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng” ( Dự án Redd+). Thông qua Dự án đã góp phần gắn kết, nâng cao vai trò cộng đồng dân cư trong bảo vệ và phát triển rừng…

Hơn 30 năm về trước, khi việc quản lý rừng còn lỏng lẻo thì người dân vào rừng khai thác gỗ trái phép diễn ra khá phổ biến, dẫn đến rừng bị tàn phá nghiêm trọng. Rừng núi đá của xã Bình Long có nhiều loại gỗ quý (chủ yếu là gỗ nghiến) và một số địa phương khác của huyện Võ Nhai cũng không tránh khỏi sự tàn phá. Nhiều cây gỗ có đường kính cả người ôm bị đốn hạ, kéo theo đó là những thảm thực vật bị bật bung gốc rễ khiến nhiều nơi chỉ còn trơ lại nền đá, độ che phủ của rừng suy giảm nghiêm trọng. Những khe suối từ rừng núi đá cung cấp nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của người dân cạn khô. Nhưng giờ, trở lại Bình Long, trên những dãy núi đá, màu xanh của rừng tự nhiên dần được khôi phục. Đặc biệt, từ khi người dân trong xã tham gia vào Dự án Redd+, trong đó, có cả những người từng một thời khai thác gỗ trái phép đã cũng tham gia bảo vệ rừng. Điều này giúp cho rừng núi đá tại Bình Long được phục hồi nhanh chóng. Đồng chí Đàm Văn Lượng, Bí thư Đảng ủy xã Bình Long chia sẻ: Không có Dự án Redd+ thì không biết bao giờ rừng ở đây mới có màu xanh như hiện nay. Thời gian qua, các tổ tự quản bảo vệ rừng hoạt động rất tốt. Khi chưa thực hiện Dự án Redd+, diện tích rừng núi đá do chính quyền địa phương quản lý thường bị xâm hại, nhiều người dân tự ý mang cưa, búa vào chặt gõ, mang lửa vào đốt ong dẫn đến cháy rừng…

 

 Dự án Redd+ do Trung tâm Nghiên cứu vùng cao CERDA phối hợp với huyện Võ Nhai thực hiện tại xã Bình Long với mục đích chủ yếu là nâng cao năng lực quản lý của cộng đồng dân cư trong bảo vệ và phát triển rừng. Cộng đồng dân cư sẽ là chủ thê bảo vệ rừng được giao, hoạt động thông qua hình thức tổ chức HTX. Bên cạnh đó, hướng người dân đến việc sản xuất liên kết mang tính hàng hóa để nâng cao giá trị  cho sản phẩm… Có thể khẳng định, việc phá rừng lấy gỗ của một số người dân trong khu vực có nguyên nhân chính là khó khăn về kinh tế do không có vốn, tư liệu để đầu tư mở rộng sản xuất. Vì vậy, khi tham gia Dự án Redd+ người dân được vay vốn đầu tư, mở rộng sản xuất và hoạt động thông qua tổ chức có tư cánh pháp nhân là Hợp tác xã (HTX). Bà Vũ Thị Liêu, nông dân xóm Bình An, xã Bình Long cho biết: Nếu như trước đây, mỗi gia đình trồng một thứ cây trồng khác nhau với diện tích nhỏ lẻ, manh mún nên việc tiêu thụ sản phẩm rất khó, giá cả bấp bênh do thị trường không ổn định, thì nay, chúng tôi liên kết với nhau trong quá trình sản xuất. Chẳng hạn như việc trồng khoai tây, người dân cùng trồng với diện tích lớn, sản lượng hàng vài chục tấn nhưng không phải lo đầu ra cho sản phẩm bởi, HTX đã chủ động tìm kiếm nguồn tiêu thụ sản phẩm… Kinh tế phát triển nhờ sản suất liên kết, vì vậy, tỷ lệ người dân vào rừng chặt gỗ để “kiếm sống” không còn.

 

 Hiện nay, 1.143ha rừng núi đá của xã Bình Long đã được giao cho 60 tổ tự quản với 100% hộ dân trong xã tham gia. Các tổ tự quản thông qua tổ chức có tư cách pháp nhân là 2 HTX Hòa Bình, Thống Nhất (hoạt động theo Luật HTX). Cộng đồng dân cư được giao rừng có thời hạn 50 năm (gianh giới thể hiện trên bản đồ) các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ rừng sẽ bị xử lý theo hương ước, quy ước, đối với trường hợp nghiêm trọng cần xử lý theo pháp luật sẽ được giao cho cơ quan chức năng xử lý. Chính những hoạt động bảo vệ có hiệu quả của các tổ tự quản, ý thức của người dân được nâng cao nên độ che phủ ở rừng núi đá từ gần 50% (năm 2011) lên 65% (năm 2015). . . Anh Ong Khắc Điệu, Tổ trưởng tổ tự quản  số 1, xóm Bậu, xã Bình Long cho biết: Tổ tự quản số 1, xóm Bậu được thành lập với 20 thành viên tham gia và nhận 26ha rừng thuộc khu vực của xóm để bảo vệ. Hằng tháng tổ họp một lần để đánh giá hoạt động của các thành viên và nắm bắt thực trạng rừng. Mặc dù, không được hỗ trợ kinh phí hoạt động nhưng các thành viên hoạt động rất tích cực, các thành viên tổ thay nhau đi tuần tra mỗi tháng 3 lần để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các tổ khác để tuần tra để việc bảo vệ rừng tốt hơn. Trong thời gian đầu chúng tôi phát hiện 2 trường hợp lấy củi tại địa phận rừng của mình, sau khi được nhắc nhở nên không ai vi phạm và tái phạm...

 

 Bà Vũ Thị Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vùng cao CERDA (đơn vị triển khai dự án)cho biết: Được chính quyền của tỉnh, huyện phối hợp chặt chẽ nên việc triển khai phương án đo đạc bàn đồ rừng do người dân bản địa đã thực hiện xong ở Bình Long. Nôi dung của Dự án Redd+ là cộng đồng dân cư sinh sống trong khu vực sẽ làm chủ sáng kiến bảo vệ rừng ở phần diện tích được giao. Song song với đó là xây dựng các mô hình sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân dựa vào những điều kiện phù hợp ở địa phương.  Đến nay, Dự án được coi là thành công, đại diện một số tổ chức môi trường ở nước ngoài đã đến thăm và đánh giá cao cả về nội dung cách thực hiện của dự án. Với sự thành công này, dự kiến tới đây, dự án sẽ thành lập Liên hiệp HTX gồm 6 HTX thành viên ở Bình Long, Dân Tiến, Phương Dao, Phú Thương, Tràng Xá. Điều này, sẽ là điều kiện để cộng đồng dân cư gắn kết cùng nhau bảo vệ rừng.