Theo thông tin của các cơ quan chuyên môn, virut cúm gia cầm A/H7N9 đang có diễn biến phức tạp. Tại Trung Quốc, trong năm 2015 đã 226 người mắc cúm A/H7N9, trong đó 94 ca đã tử vong. Nguy cơ xâm nhập dịch cúm A/H7N9 và các chủng cúm khác vào Việt Nam là rất cao thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Để chủ động ngăn chặn dịch cúm gia cầm phát sinh và lây lan trên địa bàn tỉnh, ổn định chăn nuôi và bảo vệ sức khỏe của người dân, UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương thực hiện một số nội dung. Đối với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh: Triển khai thực hiện hiệu quả việc quản lý thị trường; phối hợp kiểm soát, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép.
Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi có ổ dịch; chỉ đạo Chi cục Thú y, Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; giám sát, đôn đốc các địa phương tiêu độc, khử trùng tại các cơ sở chăn nuôi. UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương tăng cường giám sát tận các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm trên địa bàn…
Ngoài ra, cần phối hợp tuyên truyền thường xuyên, kịp thời về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm trong cả nước; nâng cao kiến thức của người chăn nuôi về các biện pháp chủ động phòng, chống dịch và ý thức của người dân về sử dụng các sản phẩm từ gia cầm…