Đó là khẳng định của đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi kiểm tra việc quy hoạch phát triển vùng sản xuất rau an toàn tại T.P Thái Nguyên chiều ngày 12-1. Cùng tham gia đoàn có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.
Đoàn đã đi kiểm tra, khảo sát vùng đất dự kiến sẽ trồng rau an toàn tại xã Thịnh Đức và thăm quan mô hình trồng cây ăn quả của xã. Tại đây một số hộ dân đã đưa các giống cây ăn quả như: Cam canh, quýt, táo, bưởi…vào trồng trên đất một vụ lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng mô hình còn nhỏ, lẻ. Vùng đất xã và T.P Thái Nguyên dự kiến quy hoạch vùng trồng rau an toàn tập trung thuộc xóm Mỹ Hào, tuy nhiên qua kiểm tra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng vùng đất này còn hẹp và yêu cầu T.P Thái Nguyên xem xét các cơ chế hỗ trợ để người dân mở rộng sản xuất, quảng bá sản phẩm, đồng thời nhân rộng mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao để người dân từng bước phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.
Tiếp đó, đoàn đã đi kiểm tra tình hình thực hiện mô hình trồng chè theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Tân Cương; kiểm tra việc thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại xã Phúc Trìu. Qua tìm hiểu, hiện thu nhập của người dân xã Phúc Trìu đạt 35 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, địa phương còn gặp khó khăn về nguồn lực đầu tư hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM như: Mở rộng, nâng cấp đường giao thông, cơ sở vật chất các trường học, trạm y tế, kinh phí triển khai các mô hình sản xuất…
Sau khi đi kiểm tra thực tế và nghe báo cáo của lãnh đạo xã, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Tỉnh và thành phố sẽ tạo điều kiện về nguồn lực để địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Mục tiêu của xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, vì vậy, ngoài việc phấn đấu hoàn thành các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, địa phương phải thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng các mô hình điểm đem lại thu nhập cao, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu để có những cơ chế hỗ trợ nông dân phù hợp.