Hiện nay, diện tích lúa xuân trên địa bàn huyện Phú Bình đang bước vào thời kỳ đầu đẻ nhánh. Để bảo đảm cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, cùng với việc hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp chăm sóc lúa, toàn huyện đang tập trung sửa chữa, nâng cấp hệ thống hồ, đập, kênh mương nội đồng cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất.
Trên địa bàn huyện Phú Bình hiện có 617km kênh mương nội đồng (trong đó đã kiên cố được 217km); 106 hồ chứa, đập dâng (với 4 hồ, đập lớn); 46 trạm bơm nước phục vụ sản xuất… Hệ thống kênh mương, hồ, đập này cơ bản đáp ứng nhu cầu nước tưới cho 70% diện tích lúa và hoa màu trong toàn huyện. Tuy nhiên, do nhiều công trình được xây dựng từ lâu nên đến nay đã xuống cấp, khiến việc cấp nước bị hạn chế. Thời tiết vụ xuân năm nay được dự báo là mùa mưa đến muộn nên ngay từ đầu vụ huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung thống kê, rà soát hệ thống kênh mương và kiểm tra mực nước tại các hồ, đập; đồng thời triển khai kế hoạch tu sửa, gia cố lại hệ thống thủy lợi để bảo đảm cung cấp đủ nước tưới phục vụ sản xuất. Cụ thể, toàn huyện đã huy động 6.800 ngày công lao động nạo vét được 527km kênh mương nội đồng (với 42.000m3 bùn đất); gia cố, sửa chữa bờ đập khoảng 2.900m3... Sửa chữa 7 công trình kênh mương tại các xã Thanh Ninh, Tân Khánh, Lương Phú, Úc Kỳ và thị trấn Hương Sơn (với tổng kinh phí trên 2,95 tỷ đồng); chủ động phối hợp với các đơn vị khai thác thủy nông và Công ty Khai thác thủy lợi sông Cầu thường xuyên tiến hành kiểm tra, kịp thời xử lý, khắc phục các công trình thủy lợi bị hư hỏng…
Là một trong những xã có diện tích gieo cấy lớn của huyện (khoảng 300ha/vụ) nên công tác thủy lợi luôn được xã Xuân Phương quan tâm thực hiện. Trước đây, do kênh mương chưa được cứng hóa, nhiều đoạn đã nứt, vỡ khiến dòng chảy bị ách tắc nên hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân tại cánh đồng thuộc 4 xóm: Giữa, Ngoài, Núi và Hin gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, năng suất lúa đạt thấp khoảng 1,3 tạ/sào hoặc khó lấy nước nên người dân chưa mạnh dạn đưa các giống lúa lai vào gieo cấy. Với nguồn vốn trên 1 tỷ đồng từ kinh phí hỗ trợ và bảo vệ đất lúa, ngay từ đầu vụ xuân năm nay, xã đã triển khai cứng hóa 689m kênh mương Vườn Giờ (chạy qua cánh đồng của 4 xóm). Tuyến kênh mương được đưa vào sử dụng đã bảo đảm cung cấp nước tưới cho 92ha lúa và khoảng 18ha cây màu vụ xuân. Trò chuyện với chúng tôi, bà Dương Thị Thắng, xóm Giữa cho biết: Với 3 sào lúa ở cánh đồng này, trước đây, vụ nào tôi cũng phải dùng máy bơm để bơm nước từ ao lên gieo cấy. Vụ xuân này, mương đã được kiên cố hóa, bà con không còn lo về nguồn nước mỗi khi đến vụ sản xuất nữa.
Không chỉ quan tâm đến tu sửa kênh mương nội đồng, huyện còn chú trọng đến việc cải tạo, nâng cấp các hồ, đập chứa nước. Đơn cử như công trình hồ Ao Hang (xã Bảo Lý) và hồ Liêm Vạn (xã Tân Khánh). Các công trình này bảo đảm cấp nước cho khoảng 60ha lúa và hoa màu của người dân 2 xã. Tuy nhiên, sau 40 năm sử dụng, các hạng mục đầu mối đã hư hỏng, khả năng giữ nước kém, cống lấy nước bị rò rỉ dẫn đến dung tích hồ chứa bị giảm, không bảo đảm nước tưới và đáp ứng yêu cầu dẫn nước. Trước thực trạng này, huyện đang triển khai kế hoạch nâng cấp, sửa chữa với tổng kinh phí 3 tỷ đồng. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Hải, cán bộ phụ trách thủy lợi và phòng chống thiên tai (Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện) cho biết: Hiện tại, mực nước đo được tại các hồ trên chỉ đạt 60-65%, trước mắt, có thể đáp ứng được nhu cầu tưới cho diện tích lúa vụ xuân của 2 xã nhưng sẽ không được lâu dài. Dự kiến, công trình sẽ được cải tạo trong tháng 4 tới và bảo đảm xong trước mùa mưa lũ để người dân yên tâm sản xuất, sinh hoạt.
Trong những năm qua, hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện đã phát huy hiệu quả và cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân, góp phần đưa sản lượng lương thực của toàn huyện tăng từ 2%-3% mỗi năm. Ông Lê Xuân Bảy, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Phú Bình cho biết thêm: Hiện nay, cùng với việc chủ động nâng cấp, cải tạo hệ thống kênh mương, hồ, đập thì công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) cũng được huyện đặc biệt quan tâm. Ngay từ đầu năm, huyện đã tiến hành kiện toàn Ban chỉ huy PCTT-TKCN; kiểm tra, kê khai, rà soát các hộ vi phạm lấn chiếm hành lang đê điều tại xã Đồng Liên và Nga My. Đến nay, lực lượng đê nhân dân của UBND các xã đã phối hợp cùng lực lượng quản lý đê chuyên trách tiến hành triển khai, tuyên truyền vận động người dân tự giác tháo dỡ lấn chiếm vi phạm. Với vùng trọng điểm (xã Nga My), huyện đã thống kê các hộ dân trực tiếp bị ảnh hưởng, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch phòng chống lụt bão, thực hiện di rời người và tài sản khi sự cố xảy ra…