Như thông tin chúng tôi đã đưa, tình trạng sụt lún, mất nước đang diễn ra không chỉ ở tổ 14 thị trấn Trại Cau mà còn ở 3 xóm của xã Cây Thị (Đồng Hỷ). Người dân cho rằng, nguyên do là tại hoạt động khai khoáng của Mỏ sắt Trại Cau (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên). Trước sự việc trên, để rộng đường dư luận cũng như có thêm các giải pháp cải thiện tình hình, chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty CP Gang thép Thái Nguyên.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Tổng Giám đốc Công ty, ông Đỗ Trung Kiên khẳng định, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, toàn đơn vị đang nỗ lực vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm, đời sống cho gần 6.000 lao động, vừa chăm lo an sinh xã hội, giải quyết những vướng mắc có liên quan. Về tình trạng sụt lún, mất nước ở Trại Cau, ông Đỗ Trung Kiên cho rằng, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đặc biệt quan tâm, đã, đang đề xuất và thực hiện một số giải pháp cụ thể. Giải quyết vấn đề mất nước sinh hoạt cho nhân dân, Công ty đã xây dựng và được UBND tỉnh phê duyệt Dự án đầu tư Trạm cung cấp nước sạch tại Trại Cau công suất 1.000m3/ngày, đêm với kinh phí phê duyệt ban đầu là 8,5 tỷ đồng. Ngày 16-3 tới sẽ mở thầu để trong quý II năm nay chính thức thi công. Theo ông Đặng Minh Tuấn, Phó Trưởng phòng Đầu tư phát triển của Công ty thì trước khi đầu tư Dự án này, chính quyền địa phương đã họp lấy ý kiến nhân dân sở tại và nhận được sự đồng tình của bà con. Do vậy, về nguồn nước sạch sinh hoạt của người dân vùng ảnh hưởng cơ bản sẽ được giải quyết.
Đối với việc cấp nước sản xuất cho các hộ dân vùng ảnh hưởng, theo lãnh đạo Công ty, đây là vấn đề không dễ, nhưng không phải không khắc phục được. Mỏ sắt Trại Cau, đơn vị thành viên của Công ty sẵn sàng phối hợp với chính quyền địa phương bơm nước từ lòng moong lên phục vụ chăn nuôi, cấy trồng cho bà con. Còn những thiệt hại như nứt tường, lún đất, đề nghị người dân trước mắt cần xem xét lại chất lượng công trình để chủ động có phương án khắc phục. Ngoài ra, Công ty cũng sẽ đề nghị tỉnh và huyện Đồng Hỷ xem xét, nghiên cứu vận dụng linh hoạt từ nguồn phí bảo vệ môi trường hàng năm để hỗ trợ cho người dân. Theo thống kê từ năm 2013 đến 2015, Công ty đã nộp phí bảo vệ môi trường tại Thái Nguyên trên 83 tỷ đồng, trong đó khu vực Trại Cau là hơn 53 tỷ đồng. Theo quy định, nguồn phí này sẽ được trích lại phần lớn cho địa phương nơi trực tiếp chịu ảnh hưởng để chi phí khắc phục.
Tuy nhiên, việc khai thác của Mỏ sắt Trại Cau thực hiện theo lộ trình trên cơ sở trữ lượng được phê duyệt, nên về lâu dài cần tính đến phương án dịch chuyển dân cư ra khỏi vùng ảnh hưởng. Việc địa phương quy hoạch và bố trí xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân là một giải pháp mang tính bền vững. Dù vậy, đây là việc làm không dễ bởi có thể bố trí được quỹ đất, nhưng khó huy động nguồn đầu tư khi Gang thép đang gặp muôn vàn khó khăn và ngân sách địa phương còn nhiều hạn chế. Theo Phó Tổng Giám đốc Đỗ Trung Kiên thì Công ty hiện đang đứng trước nhiều thách thức trong sản xuất, kinh doanh. Hoạt động sản xuất chỉ đạt 40% đến 50% công suất do thị trường cạnh tranh khốc liệt, hàng tồn kho lớn, một số khu vực sản xuất cầm chừng, trong khi đơn vị đang phải đảm bảo việc làm, đời sống cho một lượng lao động khá đông. Cùng với đó, Công ty phải tập trung cao độ giải quyết những vướng mắc kéo dài của Dự án đầu tư mở rộng Gang thép giai đoạn II. Trước những khó khăn chồng chất đó, Công ty đề nghị tỉnh, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm, chia sẻ, cùng đồng hành, chung tay hỗ trợ đơn vị để những vướng mắc hiện tại mau chóng được giải quyết, bởi tình hình trên không chỉ ảnh hưởng đến người dân mà còn tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty.
Theo chúng tôi, mặc dù tình trạng sụt lún, mất nước ở Trại Cau chưa thực sự nghiêm trọng, nhưng những phản ánh, kiến nghị của người dân vùng ảnh hưởng là chính đáng và cần được quan tâm giải quyết kịp thời. Tuy nhiên, đây là vấn đề không chỉ của cá nhân doanh nghiệp khai khoáng mà còn là trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương. Sự vào cuộc trách nhiệm của các bên chắc chắn sẽ nhanh chóng giải quyết được vấn đề, từ đó dần ổn định đời sống người dân vùng ảnh hưởng đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai khoáng yên tâm sản xuất.