Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh dại ở Thái Nguyên

14:45, 03/04/2016

Theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Thái Nguyên, trong 3 tháng đầu năm 2016, tình hình bệnh dại trên địa bàn Thái Nguyên tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp. Toàn tỉnh đã có 3 trường hợp tử vong do bệnh dại tại các huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai và thành phố Sông Công, gần 2.500 trường hợp bị chó nghi dại cắn phải đi tiêm vắc xin phòng dại tại các cơ sở y tế.

Ghi nhận bước đầu cho thấy: Cả 3 trường hợp tử vong do bệnh dại đều bị chó cắn và chủ quan không đi tiêm vắc xin phòng bệnh. Đáng tiếc hơn, 2 trong số 3 trường hợp này khi bị chó cắn đã đi thử thuốc nam và được trả lời không phải bệnh dại nên không đi tiêm; nạn nhân nhỏ nhất là 8 tuổi và lớn nhất là 63 tuổi.

 

Nguy cơ bùng phát bệnh dại ở Thái Nguyên có khả năng tăng cao khi gần đây tất cả các huyện, thành, thị trong tỉnh xuất hiện tình trạng chó chạy rông, chó không rõ nguồn gốc có biểu hiện lên cơn dại cắn người hàng loạt, cắn người với các vết thương nặng, rất nguy hiểm hoặc cắn nhau với chó nhà nuôi. Qua giám sát thực tế của cán bộ y tế cho thấy, nhiều trường hợp bị chó nghi dại cắn nhưng không đi khám và tiêm vắc xin, hoặc chỉ đi thử bằng phương pháp dân gian tại cộng đồng, chữa bằng thuốc nam. Khi có sự can thiệp tích cực, quyết liệt của cả cán bộ y tế và chính quyền, đoàn thể, người bị chó cắn mới đi khám, tiêm vắc xin phòng bệnh. Việc phát hiện các trường hợp bị phơi nhiễm tại cộng đồng để khuyến khích đến cơ sở y tế khám, tư vấn, tiêm phòng rất khó khan, do chính bản thân người bị phơi nhiễm không hợp tác, cố tình giấu thông tin... Trong khi đó, tỷ lệ chó được tiêm vắc xin phòng dại trong các năm gần đây theo thống kê của Chi cục Thú y chỉ đạt từ 40-65% so với tổng đàn, càng làm gia tăng nguy cơ bùng phát bệnh dại.

 

Trước tình hình bệnh dại diễn biến phức tạp, tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo Chi cục Thú y tăng cường công tác tiêm phòng bệnh dại, tuyên truyền cho người dân khi bị chó cắn phải đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn ngay và được tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch, đúng theo chỉ định của cán bộ y tế; không chủ quan, coi thường bệnh dại, đặc biệt không đi thử và chữa bệnh dại bằng thuốc nam. Ngành y tế tăng cường cung cấp các tài liệu tuyên truyền, phổ cập kiến thức phòng chống bệnh dại cho cộng đồng và nâng cao năng lực cho cán bộ y tế các tuyến, đảm bảo để người dân được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ một cách thuận tiện nhất; hỗ trợ tiêm vắc xin, huyết thanh phòng dại miễn phí cho một số trường hợp đặc biệt.

 

Năm 2015, tại tỉnh Thái Nguyên đã có 6 người tử vong vì bệnh dại sau khi bị chó cắn; hơn 10.000 người bị chó cắn phải tiêm vắc xin phòng dại./.