Thái Nguyên phấn đấu mỗi năm giảm 2% số hộ nghèo

07:20, 20/04/2016

Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu giảm số hộ nghèo bình quân 2%/năm.

Trong đó số hộ nghèo trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân từ 3,5% đến 5%/năm, bảo đảm đến hết năm 2020 trên 70% số hộ nghèo trong tỉnh có mức sống trung bình; các hộ nghèo và người nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trước hết về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt và tiếp cận thông tin; 100% lao động thuộc hộ nghèo có nhu cầu đăng ký học nghề được hỗ trợ đào tạo và cấp bằng, chứng chỉ nghề, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế ; 95% số hộ gia đình nông thôn, hộ nghèo, người nghèo được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và 75% số hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh...

 

Để thực hiện thành công các mục tiêu này, tỉnh Thái Nguyên dự kiến bố trí tổng nguồn vốn để thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 7.180 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách chiếm 31%, còn lại là các nguồn vốn tín dụng, vốn huy động quỹ vì người nghèo, vốn vay tổ chức phi chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp, người dân tham gia đóng góp.

 

Tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai các lớp dạy nghề cho người nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, ưu tiên thành viên của hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người bị thu hồi đất canh tác, nhân rộng các mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm cho người nghèo, tạo điều kiện để người nghèo trong độ tuổi lao động tiếp cận, tham gia chương trình xuất khẩu lao động và việc làm tại các làng nghề, doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng hỗ trợ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ và chống tái mù chữ; duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở, đảm bảo 100% người nghèo được khám chữa bệnh miễn phí, thông qua thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người dân tộc thiểu số vùng khó khăn, hỗ trợ 100% giá trị thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 30%.

 

Trong giai đoạn này, tỉnh đặc biệt chú trọng việc triển khai có hiệu quả các dự án khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bền vững, theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tốt các thế mạnh của địa phương, tạo sự chuyển biến nhanh hơn về thu nhập và đời sống cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 có tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới từ 20% trở lên, mỗi năm bố trí kinh phí thực hiện ít nhất 5 mô hình giảm nghèo trên địa bàn...

 

Ông Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: Chủ trương xuyên suốt trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020 là thực hiện tăng trưởng kinh tế để có thêm nhiều nguồn lực giảm nghèo, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận được các cơ hội cải thiện cuộc sống, nỗ lực vươn lên tự thoát nghèo; thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững lồng ghép với xây dựng nông thôn mới, tập trung hỗ trợ, chăm lo các hộ nghèo cải thiện, nâng dần điều kiện sống, mức sống và chất lượng cuộc sống, chống tái nghèo; chú trọng nâng cao mặt bằng dân trí, đào tạo nghề; giảm nghèo theo lộ trình, bước đi thích hợp và đảm bảo hiệu quả thực chất trong các hoạt động giảm nghèo, không chạy theo thành tích; tăng cường kiểm tra, giám sát, trên tinh thần công khai, dân chủ và đảm bảo tiết kiệm, tránh lãng phí, tiêu cực, nhất là trong quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư cho chương trình...

 

Theo thống kê mới nhất của tỉnh Thái Nguyên, toàn tỉnh hiện vẫn còn trên 42.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 13,4% dân số và hơn 28.000 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 8,94%. Trên 90% số hộ nghèo của Thái Nguyên tập trung ở địa bàn vùng nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số; địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là huyện Võ Nhai (35,86%) và thấp nhất là thành phố Thái Nguyên (2,03%)./.