Niềm vui này không chỉ riêng ai!

16:04, 15/06/2016

Vậy là sau hơn 15 năm hoạt động thông tin trên hạ tầng Internet, Thái Nguyên là một trong số ít tỉnh có báo điện tử. Nhận được tin này, không chỉ riêng tôi mà tất cả những người làm báo Đảng tỉnh nhà đều ngập tràn niềm vui!

Sáng 13-6-2016, tôi được đón mấy đồng nghiệp từ Báo Thái Nguyên xuống - Đồng chí Đỗ Thị Thìn, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên và Chu Thế Hà, Trưởng phòng Báo Điện tử. Sau cái bắt tay xã giao, đồng chí Thìn thông tin trong sự phấn khích: Từ 30-5-2016, Trang thông tin điện tử tổng hợp của Báo Thái Nguyên đã được cấp phép thành Báo Thái Nguyên điện tử. Kính mời nguyên Tổng Biên tập (là tôi), 14 giờ ngày 14-6 trở lại số 10, đường Nha Trang (T.P Thái Nguyên) dự Lễ công bố.

 

Phải nói nhận được tin này, tôi rất vui. Thế là sau hơn 15 năm hoạt động thông tin trên hạ tầng Internet, Thái Nguyên là tỉnh có báo điện tử (con số này ít lắm - dưới 10). Tôi thầm cảm ơn vị Tổng Biên tập kế nhiệm và anh em Báo Thái Nguyên. Tôi thích những lời răn dạy của các cụ: “Dựng nghiệp dị/ Thụ nghiệp nan” (Dựng nghiệp đã khó, giữ được nghiệp càng khó hơn). Do vậy lúc nào cũng đau đáu mong mỏi và đón chờ sự phát triển. Và, đây chính là minh chứng cho điều đó…

 

Ngày 12-12; 31-3; 30-5:

 

Đây là những điểm nhấn, dấu mốc của Báo Thái Nguyên điện tử. Nhớ lại: Năm 1998, khi ấy là cộng tác viên đặc biệt của Báo Nhân dân, chúng tôi được mời về chứng kiến sự ra đời của mạng truyền dẫn Internet, lần đầu tại Việt Nam do Hiệp định được Chính phủ ta ký với các đối tác quốc tế. Và cũng chỉ sau đó cỡ 1 năm, Báo Nhân dân chính thức ra đời Nhân dân điện tử…

 

Trở về Thái Nguyên, tờ báo in lúc bấy giờ xuất bản 4 kỳ mỗi tuần, Nhà in đi vào sản xuất nhưng cũng không chạy hết công suất tối thiểu. Sóng truyền hình của tỉnh lúc ấy phát hệ truyền dẫn analog chỉ loanh quanh tỉnh nhà, câu văn trong nghị quyết đại hội Đảng tỉnh luôn là “Phấn đấu đến năm… 80% hộ gia đình trên địa bàn xem được ti vi Thái Nguyên…” Vậy làm sao để có thể giới thiệu rộng rãi về Thái Nguyên? Câu hỏi này thôi thúc chúng tôi đến với thông tin điện tử… Chẳng có đề án, chẳng xin tiền, chúng tôi mày mò cách làm, thu gom máy móc, tự thiết kế giao diện. Một số cán bộ nhiệt tình ủng hộ ý tưởng của Ban Biên tập đã không quản ngày đêm lao động sáng tạo như kỹ thuật viên Đỗ Quý Hân, họa sỹ Đặng Thanh Hạnh… Và sự kiện đáng nhớ đầu tiên đó là lúc 9h40’ ngày 12-12-2001 giao diện Thái Nguyên đã lên mạng Intranet (mạng nội bộ tỉnh). Đã có công cụ thì lại phải có tổ chức thích ứng. Phòng Thái Nguyên điện tử ra đời, tôi nhớ không nhầm thì Nhà báo Nguyễn Minh Hằng là Trưởng phòng đầu tiên. Đây là nữ đồng chí có “phông” kiến thức khá chắc, lại kiệm, cần, có thể tạo dựng “cơ nghiệp” trong những ngày “khởi đầu nan” ấy!

 

Đưa chữ, đưa ảnh (tĩnh) rồi, một câu hỏi đặt ra là làm sao có hình ảnh động như truyền hình. Vậy là “cửa” truyền hình ra đời trên trang điện tử. Việc này hầu như là xa lạ với hệ thống báo viết, nhiều báo đã về Thái Nguyên “mục sở thị”…

 

Ngày 31-3-2004 - Ngày này đánh dấu sự phát triển mới về mặt truyền dẫn: Báo Thái Nguyên điện tử (cách gọi cho dễ) lên mạng thông tin toàn cầu Internet.

 

Nhà báo Phan Hữu Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam (nguyên là Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên) đang phỏng vấn Đại tá Đỗ Hà Thái lúc đi trên xuồng máy trong chuyến công tác đến khu vực kênh 5, tỉnh Kiên Giang để làm phim tài liệu về liệt sĩ Vũ Xuân. Ảnh: Thế Hà.

 

Đồng thời với việc truyền dẫn là sự tăng tốc về sản xuất nội dung. Ảnh động, ảnh tĩnh, tin ngắn, phóng sự dài được sản xuất với tốc độ ngày càng cao. Chất lượng kỹ thuật ngày càng tốt hơn. Báo đã “dũng cảm” làm phim tài liệu. Bộ phim tài liệu đầu tay được “đẩy lên” mạng là phim “Bác Hồ với chiến khu” - Đó là 50’ hình ảnh và lời bình đầy xúc động mô tả về lãnh tụ vĩ đại ở chiến khu, mở đầu bằng: “Một nhà sàn đơn sơ vách nứa/ Bốn bên suối chảy cá bơi vui/ Đêm đêm chòi hồng bên bếp lửa/ Ánh đèn khuya còn sáng trên đồi/ Nơi đây sống một người tóc bạc/ Người không con mà có triệu con/ Nhân dân ta gọi người là Bác/ Cả cuộc đời là của nước non”. Vì thế đã có mấy chục đài phát thanh truyền hình phát đi phát lại bộ phim này.

 

Báo điện tử là một phương tiện thông tin hết sức tổng hợp gồm: Báo viết, nói, hình. Vì thế, đây cũng là nơi đào tạo cán bộ. Chỉ một thời gian làm ở đây, kỹ năng nói, viết, biên tập, đọc... kể cả kiến thức đã lên rất nhiều. Chẳng thế mà Biên tập viên, Phát thanh viên kiêm quay phim Nguyễn Lan Anh sau này về làm ở Truyền hình Nhân Dân được đánh giá rất cao về chuyên môn.

 

Từng lớp cán bộ đến làm việc rồi tiếp tục làm ở các lĩnh vực công việc khác đều cảm thấy sự bổ ích khi làm báo mạng. Tôi rất mừng là các cán bộ làm việc ở báo điện tử như Trưởng phòng Chu Thế Hà, Phó phòng Phạm Thanh Xuân, Nguyễn Mai Phương và nhiều anh em biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật đã có nhiều sáng tạo, tiếp tục xây dựng và phát triển để Báo Thái Nguyên điện tử đạt được thành quả như ngày hôm nay.

 

30-5-2016 - Câu chuyện mới bắt đầu:

 

Trong quy hoạch báo chí sẽ được áp dụng thời gian tới, mỗi tỉnh có một tờ báo, một đài phát thanh truyền hình. Báo Thái Nguyên điện tử là một ấn phẩm độc lập, báo độc lập. Chính điều này là thử thách đối với những người làm báo quê ta. Bởi nghiệp vụ làm báo điện tử nhiều điểm khác. Do vậy phải hết sức nhanh nhạy, ngắn gọn thông tin, cập nhật thông tin. Là báo điện tử rồi thì chức năng “đao loát” (download) biên tập lại của các tờ báo khác sẽ chấm dứt. Thay vào đó là việc tự tác nghiệp trong môi trường chuyên nghiệp - đây là một thử thách lớn với đội ngũ...

 

Ra đời vào thời điểm chúng ta chuẩn bị thực hiện Luật Báo chí năm 2016 mà theo đó, hoạt động của báo chí phải hết sức chuyên nghiệp, phải cạnh tranh khốc liệt ở kỷ nguyên bùng nổ thông tin...

 

Không sao, 15 năm qua thử thách cũng lắm mà vượt qua cũng nhiều - xin chúc mừng báo chí Thái Nguyên, chúc mừng những thế hệ làm báo Đảng quê nhà.