Thái Nguyên: Tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản

08:15, 25/06/2016

Để thực hiện hiệu quả chương trình quản lý tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Thái Nguyên đang triển khai thực hiện nhiều biện pháp. Đó là chấn chỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý nhà nước về khoáng sản; thiết lập trật tự, kỷ cương trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng công tác thẩm định các hồ sơ, đảm bảo việc tham mưu cấp phép đúng quy định của pháp luật.

Cùng với đó, tỉnh hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng đầu tư khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả; chấm dứt xuất khẩu khoáng sản thô, chưa qua chế biến hoặc chỉ ở dạng sơ chế; ngăn chặn kịp thời tình trạng khai thác, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép...

 

Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên cho biết: Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn, tỉnh đã kiện toàn Ban chỉ đạo quản lý khoáng sản, Đội kiểm tra liên ngành của tỉnh và 4 huyện có nhiều khoáng sản là Đồng Hỷ, Võ Nhai, Đại Từ và Phú Lương, tổ chức thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, xử lý, ngăn chặn các hoạt động khoáng sản trái phép, hoàn thành việc lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản, làm căn cứ cho công tác quản lý cấp phép theo quy định. Công tác cấp phép hoạt động khoáng sản được thực hiện thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong cấp phép hoạt động khoáng sản, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước với mức tăng từ 15% đến 50% giá trị so với khu vực không đấu giá, phát huy tối đa tiềm năng khoáng sản của địa phương, đảm bảo khai thác, sử dụng khoáng sản có hiệu quả và tiết kiệm hơn...

 

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, đến nay Hội đồng thẩm định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tỉnh đã thẩm định, phê duyệt 136 mỏ thuộc thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản của UBND tỉnh với tổng số tiền hơn 1.270 tỷ đồng được thu từng năm theo thời gian cấp giấy phép khai thác khoáng sản (từ năm 2014 đến năm 2036). Toàn tỉnh hiện có 91 doanh nghiệp được cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản, bao gồm 10 doanh nghiệp nhà nước, 35 công ty cổ phần, 30 Công ty Trách nhiệm hữu hạn, 8 doanh nghiệp tư nhân và 08 hợp tác xã. Tỉnh đang quản lý 138 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực để khai thác 47 mỏ khoáng sản kim loại, 15 mỏ than, 4 mỏ khoáng chất công nghiệp, 7 mỏ khoáng sản làm nguyên liệu xi măng, 65 mỏ vật liệu xây dựng thông thường...

 

Các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn đã đáp ứng được nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến và sử dụng khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế. 5 năm qua, các đơn vị hoạt động khoáng sản đã nộp ngân sách nhà nước hơn 1.880 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 6.100 lao động địa phương. Trong hoạt động quản lý tài nguyên khoáng sản, việc ký cam kết trong thực hiện công tác quản lý khoáng sản giữa Chủ tịch UBND các cấp đã nâng cao hơn trách nhiệm của các cấp chính quyền. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở nhiều nơi đã được phát hiện, ngăn chặn và giải quyết kịp thời.../.