Nhiều giải pháp phòng chống sạt lở, lũ quét

17:19, 10/07/2016

Với điều kiện địa hình chia cắt phức tạp cùng nhiều mỏ khai thác khoáng sản đang hoạt động trên địa bàn, huyện Đại Từ được xác định là địa phương có nguy cơ cao xảy ra sạt lở và lũ quét trong mùa mưa bão. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết hiện nay, cơ quan chuyên môn và các địa phương trong huyện đang triển khai nhiều giải pháp để ứng phó.

Mùa mưa bão đã đến, nỗi lo về nguy cơ sạt lở của hơn 300 hộ dân sống xung quanh khu vực mỏ than Núi Hồng, thuộc các xóm Mới, Đồng Cầm, Đồng Bèn và Đồng Mò của xã Yên Lãng lại trở nên thường trực. Ông Nông Văn Sơn, ở xóm Mới lo lắng: Mấy năm trước, trên địa bàn huyện đã từng xảy ra tình trạng sạt trượt bãi thải ở xã Phục Linh gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nhà tôi hiện nay chỉ cách khu vực đổ thải của mỏ Núi Hồng khoảng 50m nên rất lo. Mỗi khi có mưa lớn, xóm thường thông báo trên loa truyền thanh hoặc đánh kẻng để người dân nâng cao cảnh giác, sẵn sàng di chuyển khi có tình huống cấp bách xảy ra.

 

Ông Lưu Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lãng thông tin: Tại khu vực xóm Đồng Ỏm hiện có 23 căn nhà bị rạn nứt, nguy cơ sập đổ rất cao khi có mưa bão. Đây là những gia đình bị ảnh hưởng do việc đánh mìn trong quá trình khai thác than của mỏ Núi Hồng. Để bảo đảm an toàn cho người dân, chúng tôi đã phối hợp với cơ quan chuyên môn vận động và hỗ trợ 3 gia đình là: Phương Văn Mình, Đồng Thị Phương và Nông Xuân Học ra khỏi khu vực nguy hiểm, làm nhà tạm ở chỗ khác. Với các hộ còn lại, trong khi chưa thực hiện được phương án đền bù và di dời, xã đã chỉ đạo xóm Đồng Ỏm bố trí nhà văn hóa để các hộ trú tạm và chủ động lực lượng hỗ trợ các gia đình khi thiên tai xảy ra.

 

Đối với xã Đức Lương - địa phương từng bị sạt lở đất nghiêm trọng năm 2013 cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại của thiên tai. Ông Triệu Quang Hưởng, Chủ tịch UBND xã kể lại: Vị trí sạt lở khi ấy thuộc xóm Cây Xoan, nằm ngay sát trục đường liên xã Đức Lương - Phúc Lương. Tổng khối lượng đất đá bị sạt khoảng 1.500m3, khiến 6 hộ dân ở chân đồi Búi Túc phải di dời khẩn cấp. Bên cạnh hiện tượng mưa lớn bất thường, thì việc bà con xẻ núi lấy mặt bằng dựng nhà đã tạo nên những taluy cao, độ dốc lớn là lý do chính dẫn đến nguy cơ sạt lở cao hơn. Rút kinh nghiệm từ vụ việc đó, những năm gần đây, xã đã tăng cường tuyên truyền người dân không làm nhà ở những nơi có độ dốc lớn, vị trí trũng thấp có thể hình thành dòng chảy hoặc lũ ống khi có mưa lớn bất thường. Hiện hầu hết các gia đình đã san gạt, hạ thấp độ cao và độ dốc taluy cạnh nhà để bảo đảm an toàn. Bà Lã Thị Thành, ở xóm Đồi Cây, xã Đức Lương cho biết: Ý thức được sự nguy hiểm của sạt lở đất, ngay từ đầu mùa bão gia đình tôi đã thuê máy xúc để hạ thấp nền và độ dộc mái taluy xung quanh nhà. Giờ có mưa lớn thì cũng yên tâm hơn.

 

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Đại Từ, các địa điểm chân núi Chúa, núi Hồng và dãy Tam Đảo được xác định là có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét trong mùa mưa bão. Do vậy, trong phương án phòng chống thiên tai, các xã, thị trấn ở khu vực này bắt buộc phải chủ động lực lượng và phương tiện ứng cứu tại chỗ khi có tình huống bất ngờ xảy ra. Bà Chu Thị Nhì, Chủ tịch UBND xã Mỹ Yên cho biết: Do xã có tới 11 xóm nằm sát chân núi Tam Đảo, nên từ đầu mùa mưa chúng tôi đã chỉ đạo quyết liệt phòng chống sạt lở và lũ quét. Cụ thể, giao nhiệm cho thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã trực tiếp phụ trách các xóm; xây dựng phương án di dời khẩn cấp và đặt biển cảnh báo những khu vực nguy hiểm. Ngoài ra, công trình kè chống sạt lở suối Chì, thuộc địa bàn xóm Bắc Hà được Chi cục Thủy lợi tỉnh đầu tư gần 10 tỷ đồng cũng vừa hoàn thành, bảo đảm an toàn về người và tài sản của nhân dân dọc suối. Theo quan sát của chúng tôi, sau sự việc một người dân ở xã Quân Chu bị lũ cuốn trôi cuối tháng 5 vừa qua, hầu hết các tràn qua suối trên địa bàn huyện Đại Từ đã có biển cảnh báo nguy hiểm và lực lượng ứng trực khi mưa lớn.

 

Để bảo đảm an toàn tại khu vực khai thác khoáng sản trong mùa mưa bão, bắt đầu từ ngày 5-7, UBND huyện Đại Từ đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra tất cả các mỏ trên địa bàn gồm: Mỏ than Khánh Hòa, Núi Hồng, Phấn Mễ, mỏ sắt Ký Phú, barit ở Lục Ba, chì kẽm ở Khôi Kỳ… Ông Hoàng Văn Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện cho biết: Các đoàn sẽ tiến hành kiểm tra đến hết tháng 7, nội dung trọng tâm là công tác cứu hộ cứu nạn và phương án ứng phó với các sự cố bão lụt, sạt lở. Chúng tôi đã lập biên bản, yêu cầu một số đơn vị khai thác phải hoàn chỉnh phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại đơn vị, bổ sung trang thiết bị ứng cứu khi cần thiết. Ngoài ra, nếu đơn vị nào không bảo đảm các điều kiện an toàn sẽ yêu cầu tạm dừng đến khi nào hoàn thiện mới cho phép hoạt động trở lại.