Sáng ngày 5-7, UBND tỉnh đã tổ chức họp với các ngành, địa phương để tiếp tục cho ý kiến vào các đề án chương trình phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) giai đoạn 2016-2020. Dự Hội nghị có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở: Giáo dục - Đào tạo, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Nội vụ và các huyện, thành, thị, các phòng GD&ĐT. Đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở GD&ĐT đã báo cáo 3 kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 là: Nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; khắc phục tình trạng quá tải học sinh ở cấp học mầm non, tiểu học; phương án huy động các nguồn lực thực hiện đề án xây dựng hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia. Hiện, nhiều trường mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh quá tải về trường, lớp, học sinh đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, thực hiện phổ cập giáo dục, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, công nhận lại trường đạt chuẩn, thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Cơ sở vật chất phòng học và đội ngũ giáo viên ở nhiều trường học còn thiếu, chưa đáp ứng được sự tăng trưởng nhanh về quy mô số lượng học sinh.
Để khắc phục tình trạng quá tải, ngành Giáo dục đề nghị xây dựng mới 17 trường mầm non, 6 trường tiểu học; xây dựng thêm 3.410 phòng học, phòng chức năng. Để đạt mục tiêu 80% số trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2020 thì tổng số trường phải công nhận lại là 506 trường, công nhận mới 55 trường. Về nhu cầu kinh phí là trên 1.692 tỷ đồng, trong đó phân bổ ngân sách Trung ương 40%, tỉnh 20%, huyện và xã 25%, huy động từ nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp 15%.Theo tính toán của ngành Giáo dục để giải quyết tình trạng quá tải cần bổ sung thêm trên 3.000 cán bộ, giáo viên và xây dựng mới gần 1.700 phòng học…
Tại cuộc họp, các ngành, địa phương đã thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng quá tải như vấn đề quy hoạch mạng lưới trường, lớp; giải pháp về nguồn vốn đầu tư xây dựng trường, lớp học; sử dụng hiệu quả đội ngũ…. để chống quá tải. Các ý kiến cũng tập trung đề nghị UBND tỉnh sử dụng 20% trong phần đầu tư phát triển của nguồn tăng thu ngân sách hằng năm của tỉnh và khoảng 10-20% nguồn thu vượt ngân sách dành cho giáo dục. Đối với nguồn huy động từ nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp không nên khống chế ở 15% mà đề án để từ 15 đến 30%...
Kết luận Hội nghị, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Quyết tâm thực hiện tốt các đề án lớn của ngành Giáo dục trong giai đoạn 2016-2020 chính là thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư vì con người, vì sự phát triển bền vững. Vì vậy, dựa trên cơ sở cân đối nguồn lực tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư cho giáo dục. Phải phân kỳ trong đầu tư. Tuy nhiên, hạn chế khởi công mới các công trình khi chưa rõ nguồn lực để khắc phục tình trạng tái diễn nợ đọng xây dựng cơ bản. Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên hiện nay, đồng chí đồng ý chủ trương tuyển dụng, hợp đồng; giao cho các Sở: Nội vụ, Giáo dục - Đào tạo và các địa phương tính toán cụ thể trong đó ưu tiên đối với những trường đang trong tình trạng quá tải. Đối với việc xã hội hóa giáo dục, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải phù hợp với sức dân. Ngay sau cuộc họp này, các ngành hoàn thiện các kế hoạch, đề án sớm báo cáo Thường trực HĐND tỉnh trước khi đưa ra trình tại kỳ họp HĐND tỉnh xem xét thông qua.