Ô nhiễm nguồn nước: Cần kiểm soát chặt từ khi chưa phát sinh

17:07, 24/08/2016

Thường thì khi sự việc vỡ lở, ô nhiễm đã ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường tự nhiên, gây hại cho đời sống xã hội thì mới được phát hiện và xử lý. Vì thế, dù được xử lý nhưng môi trường tự nhiên và cuộc sống người dân vẫn phải chịu ô nhiễm một thời gian dài. Có lẽ, cách giải quyết tốt nhất vấn đề này chính là tăng cường kiểm soát ngay từ khi nguồn thải chưa phát sinh ô nhiễm hoặc ngăn chặn ngay khi mới chớm.     

Sự việc ô nhiễm dòng suối Cốc (thuộc địa bàn phường Cam Giá - T.P Thái Nguyên) do một số nhà máy nằm trong Khu Công nghiệp Gang thép Thái Nguyên xả thải, trong đó có Nhà máy Cốc hóa, nhiều năm qua được dư luận đặc biệt quan tâm. Người dân sống gần dòng suối Cốc luôn bức xúc về tình trạng ô nhiễm làm thiệt hại đến hoa màu, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Mặc dù thời gian gần đây các nhà máy đã đầu tư hệ thống xử lý ô nhiễm, song do chịu tác động quá lâu nên hiện tại dòng suối Cốc vẫn bị bao phủ bởi lớp bùn thải dày đặc, không dễ khắc phục.

 

Hiện nay, UBND tỉnh đã xây dựng Dự án nạo vét và xử lý môi trường dòng suối Cốc nhưng đang chờ cân đối vốn thực hiện. Theo các chuyên gia môi trường thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm kéo dài tại đây chính là do việc kiểm soát và xử lý ô nhiễm không được cơ quan chức năng cũng như chủ nguồn thải quản lý chặt chẽ ngay từ đầu. Do vậy, lượng nước ô nhiễm tích tụ theo thời gian dẫn đến tình trạng khó xử lý và tốn kém. Hậu quả, người dân địa phương phải sống chung với ô nhiễm nhiều năm liền và chưa biết bao giờ mới cải thiện được tình hình.

 

Còn đối với trường hợp của Công ty CP Sơn Lâm - đơn vị chuyên sản xuất tinh bột sắn tại xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên), sau khi gây ô nhiễm nguồn nước đặc biệt nghiêm trọng, đơn vị này mới bị phát hiện, xử lý. Việc xả thải, gây ô nhiễm nguồn nước của Công ty này kéo dài hàng năm mới bị ngành Tài nguyên và Môi trường xử phạt. Sau đó, Công ty tiếp tục hoạt động, rồi lại tái phạm và bị xử lý thêm nhiều lần. Khi dư luận quá bức xúc, UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo, đồng thời ra quyết định  đóng cửa mọi hoạt động sản xuất của doanh nghiệp thì vấn đề ô nhiễm môi trường ở đây mới được giải quyết. Người dân địa phương cho rằng, giá như chính quyền và các cơ quan chức năng sớm tiếp thu ý kiến phản ánh của quần chúng, cương quyết xử lý ô nhiễm môi trường đối với Công ty CP Sơn Lâm ngay từ đầu thì sẽ giảm bớt được hậu quả.

 

Cũng trên địa bàn tỉnh thời gian qua, ngành Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp cùng các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp vi phạm quy định bảo vệ môi trường nước. Trong đó có Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ, Công ty CP Giấy xuất khẩu nằm trên địa bàn phường Quan Triều (T.P Thái Nguyên). Đã có một thời gian dài, hai đơn vị này xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Cầu và nguồn nước sinh hoạt của nhân dân trong vùng khiến môi trường trong lưu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng.

 

Tương tự, Nhà máy Kẽm điện phân Sông Công (Công ty TNHH Một thành viên Kim loại màu Thái Nguyên) cũng nhiều lần để xảy ra sự cố, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân địa phương. Bởi thế, mỗi khi nhắc đến ô nhiễm môi trường nước ở các khu công nghiệp người ta nghĩ ngay tới Nhà máy Kẽm điện phân Sông Công. Không ít lần bà con kéo nhau đến vây cổng Nhà máy để phản đối và ngăn các hoạt động sản xuất. Bà con cho rằng, nếu chính quyền làm mạnh tay, tạm dừng hoạt động của Nhà máy từ sớm và yêu cầu bao giờ có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo mới cho hoạt động thì thiệt hại của người dân sẽ giảm nhiều. Hiện tại, các đơn vị trên đã có phương án xây dựng hệ thống xử lý nước thải đảm bảo hơn, song thực tế môi trường tự nhiên và cuộc sống người dân vùng ảnh hưởng đã phải gánh chịu ô nhiễm cả chục năm rồi. Như vậy, hậu quả do không kiểm soát và xử lý kịp thời là rất lớn.

 

Thời gian gần đây, vấn đề môi trường nước ở Dự án khai thác mỏ đa kim Núi Pháo (trên địa bàn huyện Đại Từ) cũng có nhiều dư luận trái chiều. Kết quả quan trắc môi trường định kỳ của Sở Tài nguyên và Môi trường đã cho thấy nhiều chỉ số trong nguồn nước thải của Núi Pháo khi xả ra môi trường cao gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, phía chủ đầu tư Dự án là Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo phủ nhận và đưa ra những thông số ngược lại hoàn toàn. Bởi vậy, để có kết luận chính xác, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh tra toàn diện về môi trường đối với Dự án này ngay trong năm nay. Đây là việc làm cần thiết bởi Dự án này đã đưa vào khai thác và xả thải từ vài năm nay. Nếu phát hiện ô nhiễm và ngăn chặn ngay (tuy không còn sớm) sẽ giúp cải thiện môi trường, giải tỏa tâm lý lo lắng cho phần đông người dân trong tỉnh bởi phạm vi ảnh hưởng của dự án này rất rộng.

 

Những ngày gần đây, báo chí địa phương cũng phát hiện và đăng tải một số trường hợp bắt đầu phát sinh ô nhiễm nguồn nước như: Trường hợp nghi chôn lấp trái phép chất thải nguy hại của Công ty CP Nam Việt tại xã Phượng Tiến (Định Hóa); trường hợp xả thải chưa qua xử lý của một số doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình); trường hợp xả bùn thải sau khai thác khoáng sản ra suối Kim Cương của Công ty CP Kim Sơn tại xã Cây Thị (Đồng Hỷ)… Theo chúng tôi, những trường hợp nêu trên cần phải được kiểm soát và xử lý nghiêm ngay từ khi mới chớm phát hiện, tránh để lại hậu quả xấu kéo dài cho môi trường tự nhiên và đời sống nhân dân.

 

Được biết, Chính phủ vừa tổ chức họp trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường, đồng thời ban hành Chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách bảo vệ môi trường đến năm 2020. Trong các giải pháp bảo vệ môi trường bền vững có nhấn mạnh đến các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát môi trường. Một trong những yêu cầu về phòng ngừa ô nhiễm môi trường mà các địa phương phải thực hiện đó chính là lựa chọn, thu hút các dự án thân thiện với môi trường, không chấp thuận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm nghiêm trọng, đánh giá tác động môi trường và kiểm soát môi trường ngay từ sớm.