Những ngày qua, tại một số tỉnh, thành phố liên tiếp xảy ra các vụ cháy, gây lo lắng và sự quan tâm đặc biệt của người dân.
Theo các phương tiện thông tin đại chúng, một số vụ cháy đáng chú ý: khoảng 14 giờ ngày 18-9, lửa đột nhiên bùng phát tại khu nhà tạm làm bằng gỗ ở ngõ 398 phố Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội, nơi ở của hơn 200 công nhân đang thi công các công trình xây dựng. Công tác chữa cháy diễn ra khá khó khăn, phức tạp do có nhiều vật liệu dễ cháy như gỗ, nhựa, lại nằm sâu trong ngõ nên rất khó tiếp cận hiện trường. Trước đó, tối 17-9, một vụ cháy khác xảy ra tại quán karaoke ở số 83 phố Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy Hà Nội làm nhiều người hoảng loạn. Do đường nhỏ và tắc nên các xe cứu hỏa cũng gặp rất nhiều khó khăn khi làm nhiệm vụ. Tối cùng ngày, tại chợ Sơn, Hương Khê, Hà Tĩnh cũng xảy ra vụ cháy lớn. Vào lúc 13 giờ 50 phút ngày 20-9 xảy ra cháy tại Trạm biến áp Hòa Hưng số 1 Trường Sơn, Phường 15, Quận 10 Thành phố Hồ Chí Minh...
Trên địa bàn tỉnh, sau một thời gian tích cực kiểm tra, đôn đốc, tình hình phòng chống cháy, nổ đã có nhiều chuyển biến. Công tác tuyên truyền về PCCC thông qua các kênh thông tin được chú trọng. Thực hiện chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong công tác PCCC, ở nhiều khu dân cư, chợ có nguy cơ cháy cao đã tổ chức họp dân, hộ kinh doanh, thống nhất chủ động tháo dỡ vật cản, tạo khoảng cách chống cháy, đóng góp kinh phí để mua sắm phương tiện và củng cố các điều kiện PCCC…
Các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa, được đông đảo nhân dân hưởng ứng như: Hội thao nghiệp vụ PCCC; ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC; tự kiểm tra, chấn chỉnh công tác PCCC; triển khai thực hiện Quy chế dân chủ trong công tác PCCC ở cơ sở; xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến về PCCC... Trong điều kiện kinh tế thị trường, việc xây dựng và duy trì các phong trào tuy có khó khăn nhưng phong trào toàn dân tham gia PCCC vẫn được quan tâm. Nhiều ngành, địa phương đã có những hoạt động sáng tạo, thiết thực, tăng cường xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ và tổ chức được nhiều lớp huấn luyện cho cán bộ quản lý cũng như người sử dụng lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp về công tác PCCC. Nhờ có phong trào quần chúng PCCC hoạt động hiệu quả nên nhiều sơ hở, thiếu sót có nguy cơ gây cháy ở các cơ sở sản xuất và khu dân cư đã được phát hiện, khắc phục kịp thời, góp phần kiềm chế sự gia tăng về số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra.
Gần đây nhất, tỉnh ta đã tổ chức diễn tập với những tình huống giả định sát thực tế, nhất là tại các khu nhà cao tầng, khu công nghiệp, khu dân cư… Từ tình huống cháy phức tạp đặt ra, các lực lượng đã triển khai diễn tập thực binh theo các phương án, tổ chức hướng dẫn khách, nhân viên và người dân thoát hiểm an toàn; tổ chức tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ và sơ, cấp cứu ban đầu, đồng thời chuyển người bị thương đến cơ sở y tế gần nhất. Đây là những hoạt động rất cần thiết, có ý nghĩa, cần được nhân rộng. Việc tổ chức diễn tập giúp nâng cao kỹ năng thực hành PCCC cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng chức năng cũng như người dân khi có cháy nổ xảy ra.
Song, thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra nhiều vụ cháy để lại hậu quả không nhỏ cả về người và tài sản. Không ít vụ cháy nguyên nhân là do sự chủ quan của người dân trong việc phòng ngừa và lúng túng khi thao tác khống chế đám cháy xảy ra tại các khu dân cư. Theo thống kê từ Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ tỉnh, 6 tháng đầu năm (tính từ ngày 16/11/2015 đến 14/6/2016), trên địa bàn tỉnh xảy ra 85 vụ cháy, trong đó có 1 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 34 vụ cháy trung bình, 50 vụ cháy nhỏ; hậu quả làm 2 người chết, 4 người thương; thiệt hại về tài sản gần 10 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2015 số vụ cháy tăng 14 vụ. Những vụ cháy nêu trên cho thấy tình trạng mất an toàn trong PCCC tại các khu dân cư, khu chợ đang trở thành vấn đề nóng, để lại hậu quả không nhỏ.
Để bảo đảm an toàn và hiệu quả tốt trong PCCC, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là nâng cao ý thức của các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần có những hoạt động tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng về phòng, chống cháy nổ với những nội dung cụ thể, thiết thực, tránh kiểu làm hình thức, qua loa. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, rà soát thực hiện công tác PCCC, bảo dưỡng hệ thống, thiết bị PCCC tại các khu dân cư, khu chợ, các cơ quan, đơn vị là hết sức quan trọng.
Mỗi hộ gia đình cần chủ động trang bị cho mình những kiến thức về an toàn PCCC, thường xuyên kiểm tra và vệ sinh các thiết bị sử dụng điện, không câu nối tăng phụ tải bừa bãi và nên lắp thiết bị tự động ngắt cho hệ thống điện chung toàn nhà. Mọi người không nên để hàng hóa, chất dễ cháy gần nguồn nhiệt, thiết bị sử dụng điện. Các hộ dân cũng nên tự trang bị cho gia đình mình các phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình cứu hoả để chủ động PCCC ban đầu một cách hiệu quả khi sự cố xảy ra. Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác, kỹ năng về PCCC tại các khu dân cư, hộ gia đình cần phải được tăng cường.
Các cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý hiện tượng cơi nới, lấn chiếm lối thoát nạn, đường đi lại trong các khu dân cư, khu chợ, bởi đây là những hành vi vi phạm quy định pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản khi xảy ra tai nạn, sự cố về cháy, nổ. Đối với các vụ cháy đã xảy ra, các cơ quan chức năng cần khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân, từ đó chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong PCCC, xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với cá nhân, tổ chức có hành vi coi thường pháp luật; đồng thời đề xuất biện pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả.
Tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta trong công tác PCCC là: Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động PCCC; trong hoạt động PCCC lấy phòng ngừa là chính, mọi hoạt động PCCC trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ. Điều đó đồng nghĩa với việc phải đẩy mạnh phong trào quần chúng PCCC, làm tốt việc PCCC từ mỗi gia đình, thôn, ấp, bản, tổ dân phố mà đỉnh cao của phong trào được xác định vào "Ngày toàn dân PCCC" - 04/10 hằng năm đã được ghi trong Luật PCCC. |