Khó kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tại chợ nông thôn

08:55, 21/09/2016

Khảo sát tại một số chợ ở huyện Phú Bình, chúng tôi thấy các nguồn thực phẩm khá phong phú từ thịt lợn, thịt bò, gia cầm cho đến rau, củ, quả… Tuy nhiên, tất cả đều không được kiểm soát về nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trước khi đưa vào lưu thông. Đây là thực tế đáng báo động ở nhiều chợ nông thôn, nơi mà công tác kiểm tra, giám sát còn bỏ ngỏ.

Tại Chợ Đồn (xã Kha Sơn), chúng tôi quan sát thấy nhiều xe máy chở thực phẩm từ các hướng đổ về chợ để phục vụ nhu cầu mua bán từ sớm. Không chỉ trong chợ mà các xe thồ tập trung kín hai bên đường lối vào chợ, với đủ loại từ gà, vịt đến giống cây trồng, các loại rau như: bí xanh, bí đỏ, su su, cà chua, bắp cải... Tuy nhiên, toàn bộ hàng hóa đều không có xuất xứ, nguồn gốc, không có chứng nhận bảo đảm VSATTP. Theo quan sát của chúng tôi, các xe chở gia cầm, chở thịt lợn cứ thế đi thẳng vào chợ mà không hề có sự giám sát, cũng không thấy có lực lượng chức năng làm công tác kiểm tra, phun thuốc khử trùng. Còn trong chợ, không có bất cứ quầy thịt nào được đóng dấu kiểm dịch. Anh Tám, một người buôn gà tại chợ Đồn, chia sẻ rằng: Tôi bán gà mưu sinh nên chỉ biết mua và bán sao cho có lãi, còn việc kiểm tra, kiểm soát là việc của các cơ quan chức năng. Thông thường, vào chợ thì chỉ bị thu vé xe, vé chợ còn tôi không thấy có lực lượng kiểm dịch.

 

Tiếp tục tìm hiểu tại chợ Hanh (xã Điểm Thụy), chúng tôi gặp anh Lê Văn Thắng, chủ sạp thịt lợn ở đầu chợ. Khi được hỏi sản phẩm thịt ngon mà anh đang bày bán liệu có đảm bảo an toàn, có sử dụng chất cấm hay không? Anh Thắng cho biết không có chất cấm. Tuy nhiên, khi chúng tôi thắc mắc dựa vào điều gì để khẳng định sản phẩm mà anh bán không chứa các chất độc hại đó thì anh lại không trả lời được. Anh cho biết: Vì khách hàng của tôi đều là người quen, nên ngay khâu đầu vào tôi đã chọn lọc kỹ tại các hộ chăn nuôi lợn trong xóm, con nào ngon thì tôi mua làm hàng. Rõ ràng, anh Thắng nói riêng và người bán hàng ở chợ nói chung không có nhiều thông tin cụ thể để chứng minh sản phẩm mà mình đang bán là không có chất cấm mà hoàn toàn tin tưởng vào uy tín của người chăn nuôi. Còn người tiêu dùng thì chỉ có thể tin vào cái tâm của người bán và kinh nghiệm của bản thân. Bà Kiều Thị Phượng, ở thị trấn Hương Sơn, chia sẻ: Bằng cảm quan, tôi chỉ nhận biết được thịt tươi với thịt ôi, còn phát hiện thịt có chứa chất cấm hay không thì chịu!

 

Vậy trách nhiệm đảm bảo VSATTP tại các chợ nông thôn do cơ quan nào kiểm soát? Để trả lời câu hỏi này chúng tôi đã tìm đến các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lí VSATTP tại huyện Phú Bình và được trả lời như sau: Phòng Y tế phụ trách quản lí các dịch vụ ăn uống, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên…; Đội Quản lí thị trường phụ trách quản lí bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát… và các thực phẩm khác theo quy định; Phòng Kinh tế - Hạ tầng thực hiện chức năng quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, buôn bán hàng rong... Tuy nhiên, trên thực tế tìm hiểu, các cơ quan trên chỉ thực hiện chức năng quản lí nhà nước về vấn đề này, chứ chưa có hoạt động giám sát cụ thể nào tại các chợ. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng mỏng, thiếu về phương tiện, trang thiết bị kiểm tra, giám sát thực phẩm cũng là một trong những cản trở đối với công tác này.

 

Vấn đề không có lực lượng làm công tác kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật trước khi đưa vào lưu thông tại các chợ, chúng tôi đã trao đổi với ông Đào Quang Lượng, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Bình. Ông Lượng cho biết: Trước đây, tại các chợ đều có cán bộ chuyên môn làm công tác kiểm dịch, sau đó giảm xuống chỉ còn 2 chợ là chợ Tân Khánh và chợ Hanh có chốt kiểm tra và đến 17-5 vừa qua thì hoạt động này dừng lại hoàn toàn ở tất cả các địa phương trên toàn tỉnh theo Luật Thú y hiện hành. Hiện việc kiểm dịch chỉ thực hiện đối với động vật, sản phẩm động vật xuất ra khỏi tỉnh.

 

Với bài báo này, chúng tôi chỉ làm một khảo sát nhỏ tại một số chợ trên địa bàn huyện Phú Bình. Tuy nhiên, đây cũng chính là vấn đề của hầu hết các chợ trên địa bàn tỉnh. Có thể thấy, công tác kiểm tra, giám sát ATVSTP tại các chợ nông thôn còn bỏ ngỏ. Mong rằng trong thời gian tới, việc kiểm soát nguồn thực phẩm tại các chợ nông thôn nói chung sẽ được các cấp, ngành liên quan chú trọng hơn nữa để người dân có thể an tâm tiêu dùng thực phẩm căn cứ vào nguồn gốc xuất xứ rõ ràng chứ không phải mua bằng niềm tin và kinh nghiệm như hiện nay.