Chiều 21-9, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào dự thảo Luật Đấu giá tài sản đã được đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan tham gia đóng góp nhiều ý kiến (ảnh).
Dự thảo luật Đấu giá tài sản đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Trên cơ sở tiếp thu sự tham gia của các đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý gồm 8 chương, 79 điều. Để Dự thảo Luật được hoàn chỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các địa phương. Tại Hội nghị này, đã có hơn 10 lượt ý kiến tham gia góp ý đề nghị điều chỉnh, bổ sung một số nội dung; thêm bớt câu từ sao cho đảm bảo được sự thống nhất, không chồng chéo với các Luật khác đã và đang có hiệu lực thi hành, đồng thời phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tính khả thi cao.
Một số nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận nhiều bao gồm: Việc quy định tài sản đấu giá; đào tạo nghề đấu giá; việc cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá; các quy định về trường hợp không được cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá; cấp lại chứng chỉ hành nghề đấu giá; đăng ký tham gia đấu giá; vấn đề tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước; biên bản đấu giá; vấn đề bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá…
Đánh giá cao sự tham gia đóng góp trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đã có ý kiến đóng góp vào nhiều điều, khoản của Dự thảo Luật. Đồng chí cũng yêu cầu Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp của các đại biểu để gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chỉnh sửa.
Dự kiến, Luật Đấu giá tài sản bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2017.