Tập trung phát triển kinh tế - xã hội vùng ATK, dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn

09:25, 16/09/2016

Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 85 xã, thị trấn thuộc vùng ATK (an toàn khu) và dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn với tổng diện tích đất tự nhiên trên 2.400 km2, số dân trên 434.000 người, trong đó hộ dân tộc thiểu số chiếm trên 48%. Tỉnh Thái Nguyên đang xúc tiến triển khai chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng an toàn khu, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 – 2020.

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020 các xã thuộc khu vực này giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm bình quân từ 3,5%/năm trở lên; trên 46% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 87% các tuyến đường giao thông đến trung tâm xã, xóm được xây dựng, cải tạo nâng cấp; hoàn thành trên 50% hồ chứa, đập thủy lợi nhỏ chưa được xây dựng và kiên cố hóa được trên 70% chiều dài số kênh mương nội đồng; đưa điện lưới quốc gia đến 100% xóm, bản trong vùng; trên 60% số trường đạt chuẩn quốc gia; 70% xóm có nhà văn hóa đạt chuẩn nông thôn mới...

 

Theo đó, tỉnh tập trung các nguồn lực đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên bố trí kinh phí thuộc nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường tỉnh lộ 268 lên thành Quốc lộ 3C, đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Thái Nguyên – Tuyên Quang, nâng cấp các tuyến đường từ huyện xuống xã, các tuyến đường liên xã; chuẩn bị xây dựng trạm 500KV tại Thái Nguyên và trạm 200KV tại huyện Đại Từ theo quy hoạch, bố trí vốn thuộc Dự án cấp điện nông thôn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 – 2020 kéo điện cho 76 xóm chưa có điện lưới quốc gia trên địa bàn với tổng kinh phí trên 207 tỷ đồng, xây dựng hệ thống truyền tải trung thế cấp điện phân phối các xã ATK, xã đặc biệt khó khăn.

 

Bên cạnh đó, Thái Nguyên chú trọng phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, dịch vụ và du lịch, phát triển mạnh các ngành và sản phẩm công nghiệp có thị trường tiêu thụ, có hiệu quả, sức cạnh tranh cao và có khả năng giải quyết nhiều việc làm như dệt may, chế biến nông, lâm sản ở các huyện : Định Hóa, Võ Nhai, Đại Từ; hạn chế tối đa chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp, sử dụng có hiệu quả diện tích đất nông nghiệp hiện có, hình thành và phát triển các vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hoá như cây chè, lúa, ngô, lạc, đậu tương ... Trong phát triển nông lâm nghiệp, tỉnh đẩy mạnh quy mô trồng rừng sản xuất, trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn, kết hợp với trồng cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm và trồng rừng cảnh quan, tiến hành trồng rừng phòng hộ và rừng sản xuất...

 

Tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo của các xã ATK, xã đặc biệt khó khăn, bổ sung, điều chỉnh tăng cường mạng lưới cơ sở vật chất, hoàn thiện 4 trường Phổ thông Dân tộc nội trú cấp Trung học cơ sở ở các huyện Đồng Hỷ, Phú Lương, Đại Từ, Định Hóa và một số trường phổ thông dân tộc bán trú ở huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ...

 

Dự kiến, tổng nhu cầu vốn đầu tư, hỗ trợ cho chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ATK, dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020 hơn 7.400 tỷ đồng; trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ gần 3.000 tỷ đồng, vốn các dự án, chương trình mục tiêu trên 1.000 tỷ đồng, vốn gân sách tỉnh hơn 1.600 tỷ đồng...

 

Qua thống kê mới nhất của tỉnh Thái Nguyên tại các xã ATK, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn hiện có hơn 31.600 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 25,82%, trong đó có khoảng 19.500 hộ nghèo dân tộc thiểu số. Hầu hết các xóm, xã tại khu vực này có kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chưa cao, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ cơ sở, cán bộ là người dân tộc thiểu số ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, chưa được quan tâm đúng mức trong tuyển dụng, đào tạo, sử dụng .../.