Ngày 29-9, Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có buổi làm việc với UBND huyện Định hóa nhằm đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng khu ATK Định Hóa tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2008-2020” theo Quyết định số 1134/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21-8-2008.
Qua 8 năm thực hiện Đề án (từ năm 2008 đến nay), Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa (đơn vị được giao làm chủ đầu tư) đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho chính quyền địa phương trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo quy định của pháp luật. Nhờ đó, diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã được quản lý chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm ngay khi mới phát sinh. Tỷ lệ che phủ rừng được tăng lên từ 45% năm 2008 lên 56% năm 2015. Trước khi thực hiện Đề án, trên địa bàn huyện chỉ có 90 doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản, hoạt động nhỏ lẻ, khối lượng lâm sản khai thác, sơ chế khoảng 5.000m3/năm. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 24 doanh nghiệp và 282 cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản với tổng khối lượng lâm sản khai thác, sơ chế đạt trên 30.000m3/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động địa phương.
Từ năm 2008 đến nay, Ban quản lý rừng ATK Định Hóa đã giải ngân tổng nguồn vốn thực hiện Đề án là 111,2 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng 76 tỷ đồng; vốn đầu tư lâm sinh 35,2 tỷ đồng. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Đề án, mỗi năm, người dân trên địa bàn huyện trồng được khoảng 2.000ha rừng, trong đó, có khoảng 500-600ha cây quế. Bên cạnh đó, trong 8 năm qua, lực lượng Kiểm lâm đã tổ chức hàng nghìn đợt kiểm tra, tuần tra bảo vệ rừng. Kết quả đã lập biên bản xử lý 551 vụ vi phạm Luật Bảo vệ rừng, tịch thu trên 1.000m3 gỗ các loại, 5 xe máy, 1 xe công nông, 76,4kg động vật hoang dã, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 2,3 tỷ đồng…
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã đánh giá cao những kết quả sau 8 năm triển khai triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn huyện. Đoàn đề nghị, thời gian tới, huyện Định Hóa và Ban quản lý rừng ATK Định Hóa cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ các điểm di tích lịch sử, phát triển cơ sở hạ tầng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.