Ưu việt nhưng còn nhiều khó khăn

10:16, 24/09/2016

Sau hơn 5 tháng được thành lập và đi vào hoạt động, mô hình Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp (gọi tắt là Văn phòng ĐKĐĐ) của tỉnh đã thể hiện rõ tính chuyên nghiệp trong việc thực hiện chức năng giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy còn không ít khó khăn, tồn tại trong lĩnh vực này, đòi hỏi những nỗ lực của cơ quan Văn phòng ĐKĐĐ cũng như sự quan tâm, chia sẻ của chính quyền và người dân trong tỉnh.

Từ ngày 1-4-2016, Văn phòng ĐKĐĐ (Sở Tài nguyên - Môi trường) được tổ chức lại theo hướng một cấp quản lý, trên cơ sở hợp nhất nguyên trạng Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất của 9 huyện, thành, thị trong tỉnh. Văn phòng ĐKĐĐ được đánh giá là mang lại nhiều ưu điểm, thể hiện tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa cao trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Hoạt động ĐKĐĐ có sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất và chặt chẽ hơn. Thông qua đó, các thủ tục rườm rà trong việc ĐKĐĐ trước đây cơ bản không còn, thời gian giải quyết cũng nhanh hơn, chất lượng được nâng lên, đặc biệt là góp phần giảm tải công việc cho cán bộ địa chính cơ sở… Đây là những ưu điểm mà Văn phòng ĐKĐĐ một cấp mang lại. Tuy nhiên, do thay đổi hình thức quản lý, nhân sự và cơ chế tài chính nên bước đầu thực hiện mô hình mới này không tránh khỏi những vướng mắc, tồn tại.

 

Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Đồng Hỷ là nơi chúng tôi tìm đến để hiểu hơn về những khó khăn, tồn tại đó. Tại đây, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công việc chuyên môn còn rất thiếu thốn. Ngoài Giám đốc Chi nhánh có phòng làm việc riêng, còn lại đều tập trung trong một gian nhà cũ tương đối chật hẹp, sử dụng lại của cơ quan khác đã chuyển đi. Trong phòng, bàn ghế làm việc kê liền nhau từ ngoài vào trong, chỉ chừa một lối nhỏ để đi lại. Vậy nhưng, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện chia sẻ: “Cơ sở vật chất ban đầu như vậy là đã khá tốt rồi, bởi tôi biết một số địa phương khác còn thiếu thốn hơn nhiều”. Cũng theo bà Hằng, giống như một số địa phương khác, Đồng Hỷ là huyện miền núi, địa bàn rộng, phức tạp, trình độ dân trí chưa đồng đều, nên việc hướng dẫn, lập hồ sơ địa chính mất nhiều thời gian. Trong khi đó, lực lượng cán bộ của Văn Phòng khiêm tốn (có 4 biên chế, 6 hợp đồng). Nếu phân công cụ thể thì chỉ có 1 cán bộ làm ở bộ phận một cửa, 2 người chuyên đo đạc và 3 cán bộ thẩm định. Mặt khác, trung bình mỗi tháng có trên dưới 1.000 hồ sơ, thủ tục đất đai cần phải xử lý, trong đó có từ 50 đến 60 hồ sơ đề nghị đo đạc thực địa. Do địa bàn xa, đi lại khó khăn nên hiện tại Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Đồng Hỷ chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu của người dân. Theo cán bộ chuyên môn của Chi nhánh thì có khi đi cả ngày mới hoàn thành việc đo đạc cho một trường hợp cụ thể. Cá biệt, nếu đo đất rừng, diện tích rộng, đồi núi hiểm trở có khi mất tới vài ngày.

 

Được biết, ngoài những khó khăn trên, thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc, tồn tại khác mà Văn phòng ĐKĐĐ một cấp đang gặp phải. Đó là chất lượng, trình độ cán bộ khi chuyển giao ở các chi nhánh không đồng đều, nhất là trình độ công nghệ thông tin (vì chủ yếu lập hồ sơ điện tử). Việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính hiện nay thực hiện còn chậm do hồ sơ địa chính được lập từ hơn 20 năm nay, không được cập nhật thường xuyên, lưu trữ lại không đầy đủ. Việc phân cấp quản lý và sắp xếp lại hồ sơ địa chính theo mô hình mới ở các địa phương chưa được thực hiện. Các trang thiết bị kỹ thuật cho Văn phòng ĐKĐĐ và các chi nhánh sau khi tổ chức lại còn thiếu thốn, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là thiết bị công nghệ thông tin phục vụ nhiệm vụ xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu. Một số chi nhánh không đủ máy tính cho cán bộ làm việc. Một số khác lại chưa có cả máy đo đạc phục vụ yêu cầu thủ tục đăng ký. Đa số chi nhánh chưa có máy quét phục vụ yêu cầu cập nhật dữ liệu…

 

Theo bà Nguyễn Thị Loan, Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ một cấp của tỉnh thì việc tổ chức lại Văn phòng ĐKĐĐ cấp huyện là tương đối phức tạp, nảy sinh nhiều vấn đề không dễ giải quyết, trong khi cơ chế tài chính cho hoạt động của Văn phòng chưa rõ ràng, chủ yếu vận dụng linh hoạt để đảm bảo nhiệm vụ. Cả cơ sở vật chất và con người sau khi kiện toàn Văn phòng ở cấp huyện đều không được kế thừa đầy đủ và nguyên trạng. Một số địa phương, cán bộ lãnh đạo, nhân viên có năng lực, chuyên môn đã được điều động sang đơn vị khác trước khi chuyển đổi về Văn phòng ĐKĐĐ mới.

 

Được biết, hiện nay một số cán bộ địa chính, chính quyền cấp cơ sở còn chưa hiểu rõ về Văn phòng ĐKĐĐ một cấp, chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong phối hợp với Văn phòng. Nhiều trường hợp chính quyền cấp cơ sở từ chối tiếp nhận hồ sơ đất đai của công dân, cho rằng đó là việc của chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ, khiến người dân phải đi lại vất vả. Tuy nhiên, trong quy định của Nhà nước, cùng với Văn phòng ĐKĐĐ, chính quyền cơ sở song cùng trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đất đai ban đầu cho công dân.

 

Một tồn tại nữa được đề cập chính là việc chậm cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Hiện tại, ngoài các tổ chức, doanh nghiệp đã và đang triển khai công việc này thì hầu như các hộ gia đình cá thể đều chưa triển khai. Nguyên do ở đây là vì các hộ chưa ý thức được sự cần thiết phải cấp Giấy chứng nhận nên không chủ động đăng ký. Trong khi đó, Luật Đất đai năm 2013 quy định rất rõ, việc đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất là bắt buộc với người sử dụng đất và giao đất quản lý. Thực tế thì chỉ khi có nhu cầu thế chấp, công dân mới đi xin cấp Giấy chứng nhận nên thường bị chậm và gặp khó khăn.

 

Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi nhận thấy, sau khi thành lập Văn phòng ĐKĐĐ một cấp, đã có một số ý kiến đánh giá chưa đúng với bản chất và những ưu việt của mô hình này. Có ý kiến cho rằng, Văn phòng ĐKĐĐ một cấp sẽ khiến quá trình giải quyết thủ tục phức tạp hơn, đi lại nhiều, mất thời gian, không an toàn. Tuy nhiên, với cách làm linh hoạt và khoa học, thực tiễn hoạt động của hệ thống cơ quan Văn phòng ĐKĐĐ một cấp của tỉnh đã là lời giải thuyết phục cho những thắc mắc trên. Hơn 5 tháng hoạt động, toàn bộ hồ sơ ĐKĐĐ từ cấp huyện chuyển về tỉnh để thẩm định và trình Sở Tài nguyên - Môi trường ký duyệt đều được luân chuyển bằng công nghệ số quét ảnh thông qua phần mềm quản lý văn bản của UBND tỉnh. Do đó, dù ở các địa phương xa xôi như Định Hóa, Võ Nhai cũng dễ dàng thẩm định mà không mất thời gian đi lại. Mặt khác, quá trình chuyển hồ sơ, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến cơ sở cũng được thực hiện rất bài bản, nhanh gọn, chính xác và an toàn. Văn phòng ĐKĐĐ một cấp của tỉnh đã ký hợp đồng với Bưu điện tỉnh để thực hiện nhiệm vụ chuyển hồ sơ, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến các địa phương thông qua hình thức gửi thư bảo đảm. Mỗi ngày đều đặn hai lần xe chuyên dụng của Bưu điện tỉnh qua Văn phòng ĐKĐĐ tiếp nhận hồ sơ chuyển đi.

 

Hiện nay, tỉnh ta là một trong hơn 40 tỉnh, thành của cả nước đã triển khai thực hiện Văn phòng ĐKĐĐ một cấp. Đây là mô hình mới mà nhiều địa phương thực hiện thành công từ năm 2014 theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài nguyên - Môi trường. Điều đáng quan tâm là, ở thời điểm đầu triển khai hầu hết các Văn phòng ĐKĐĐ một cấp đều gặp khó khăn, nhưng sau đó đã khắc phục kịp thời và phát huy hiệu quả nhờ nỗ lực tự thân của cơ quan Văn phòng và sự quan tâm cùng chia sẻ, tháo gỡ của chính quyền và người dân.

 

Văn phòng ĐKĐĐ một cấp của tỉnh có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng, gồm 4 phòng chức năng và 9 chi nhánh tại các huyện, thành, thị. Sau khi tiếp nhận nhân sự từ cấp huyện, Văn phòng ĐKĐĐ hiện có 165 cán bộ, viên chức, người lao động, trong đó có 60 viên chức và 105 hợp đồng.