Ngày 19-10-1962, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 114/HĐBT về việc thành lập T.P Thái Nguyên, đánh dấu giai đoạn phát triển quan trọng của Thành phố. Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, với những thành tựu đạt được, T.P Thái Nguyên đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Ba…
Nhìn lại chặng đường 54 năm xây dựng và phát triển, thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc T.P Thái Nguyên đạt được là rất đáng tự hào. Từ một thành phố nghèo nàn, lạc hậu bước ra từ chiến tranh, đến nay đã vươn ngang tầm với nhiều thành phố lớn trong cả nước. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân của T.P Thái Nguyên đạt 15,1%/năm; GDP bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/năm; thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 1.000 tỷ đồng/năm. Kinh tế phát triển nghiêng về tỷ trọng dịch vụ, thương mại, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, trong đó thương mại chiếm 49,27%; công nghiệp - xây dựng chiếm 47,53%; nông, lâm nghiệp chiếm 3,2%...
Diện mạo đô thị của Thành phố ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, hệ thống giao thông từng bước được xây dựng đồng bộ, khai thác hiệu quả; dịch vụ thương mại ngày càng phát triển với hơn 2.200 cơ sở ăn uống (trong đó có 158 nhà hàng), gần 2.000 cơ sở kinh doanh lưu trú (trong đó có 70 khách sạn); gần 40 khu đô thị, khu dân cư được hình thành mới trong 5 năm trở lại đây. Công tác chỉnh trang đô thị, quản lý dịch vụ công ích đô thị được tăng cường, T.P Thái Nguyên đã được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh từ năm 2010, trong 3 năm liên tục (2011-2013) được Hiệp hội các đô thị Việt Nam bầu chọn và vinh danh là 1 trong 20 đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp của cả nước.
Những năm gần đây, các cơ sở thương mại dịch vụ được đầu tư xây dựng rất nhiều trên địa bàn thành phố. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm hàng hóa tại Siêu thị Đông Á Plaza.
T.P Thái Nguyên cũng là trung tâm đào tạo lớn thứ 3 của cả nước, với tổng số 33 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn. Thành phố còn là nơi tập trung khá nhiều cơ sở y tế uy tín (trong đó có 16 bệnh viện với 2.970 giường bệnh, 6 phòng khám đa khoa, 28 trạm y tế xã, phường với 3.232 cán bộ ngành Y - Dược)...
Nhiều năm qua, T.P Thái Nguyên thực hiện khá hiệu quả công tác cải cách hành chính, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Đến nay, Thành phố có trên 3.250 doanh nghiệp; gần 33.700 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, hàng năm đóng góp đáng kể vào nguồn ngân sách địa phương.
Có thể khẳng định, những thành tựu đạt được là kết quả từ sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc T.P Thái Nguyên và sự giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh trong suốt chặng đường 54 năm qua. Tuy nhiên, so sánh với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra thì Thành phố vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở; đặc biệt đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), như: Chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh sản phẩm của một số doanh nghiệp còn thấp; phát triển dịch vụ du lịch chưa tương xứng với tiềm năng; cơ sở dịch vụ có chất lượng cao chưa được đầu tư nhiều; hạ tầng đô thị đã phát triển nhưng chưa thật sự đồng bộ, hiện đại…
Kỷ niệm 54 năm Ngày thành lập T.P Thái Nguyên cũng vào thời điểm Thành phố đang tích cực triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng. Trên tinh thần phát huy mọi nguồn lực để xây dựng T.P Thái Nguyên phát triển nhanh, bền vững, với vai trò là thành phố trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - thể dục thể thao, giáo dục, khoa học kỹ thuật, y tế, du lịch, dịch vụ của tỉnh và trung du miền núi Bắc bộ, trong những năm tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, phòng, ban chuyên môn của Thành phố xác định cần tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nhiêm vụ trọng tâm:
Các cấp ủy Đảng từ Thành phố đến cơ sở, các phòng, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội của địa phương có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, quán triệt chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là Chương trình hành động số 03-CTr/TU ngày 6-10-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố về việc thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 2-8-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển T.P Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả 11 đề án về phát triển KT-XH; 6 đề án về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của Đảng bộ Thành phố; 20 dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 đã được xác định trong Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ T.P Thái Nguyên khóa XVII (nhiệm kỳ 2015-2020).
Chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ, thương mại, đưa dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đạt mức tăng trưởng hàng năm 18% trở lên. Trong đó tập trung phát triển Khu du lịch hồ Núi Cốc trở thành Khu du lịch trọng điểm Quốc gia để thu hút khách du lịch; khai thác cảnh quan hai bên bờ sông Cầu bằng chuỗi các nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại dịch vụ. Hình thành và phát triển các trung tâm thương mại, khách sạn cao cấp, trung tâm dịch vụ tổng hợp cao tầng và các khu phố mua sắm. Ưu tiên phát triển hệ thống phân phối hiện đại gồm các trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp, siêu thị, trung tâm vận chuyển, giao nhận hàng hóa; đầu tư phát triển hệ thống chợ đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án: Trung tâm Hội chợ và triển lãm vùng Việt Bắc; các chợ đầu mối, chợ nông thôn; các tổ hợp trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn 5 sao, phố mua sắm; trụ sở, chi nhánh các tổ chức tài chính. Phát triển công nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường, tập trung vào các ngành nghề như công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp vật liệu mới; công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu tập trung và xây dựng nông thôn mới; phát triển cụm công nghiệp tập trung gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hệ thống đô thị; phát triển cụm công nghiệp Cao Ngạn và Sơn Cẩm. Cùng với đó, xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các nội dung: Xây dựng trung tâm ứng dụng công nghệ cao; giới thiệu sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất các loại rau ứng dụng công nghệ cao đạt mục tiêu sản xuất rau sạch, rau an toàn; xây dựng hợp tác xã sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, mô hình chè ứng dụng công nghệ cao; mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (rau, hoa). Xây dựng, thực hiện Đề án bảo tồn, phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương với các nội dung như: Quy hoạch, cắm mốc quy hoạch, quản lý quy hoạch, sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap tiến tới đạt tiêu chuẩn quốc tế; giới thiệu quảng bá sản phẩm chè, xây dựng website về sản phẩm chè, kết hợp cổng vùng chè đặc sản Tân Cương.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố đến năm 2035. Tập trung hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại I trực thuộc tỉnh chưa đạt chuẩn theo quy định; mở rộng không gian đô thị theo quy hoạch đã được phê duyệt; tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, mỹ quan đô thị gắn với chỉnh trang đô thị và bảo vệ môi trường; tạo sự chuyển biến rõ nét trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại xác định đây là khâu đột phá để thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố phát triển nhanh và bền vững từng bước văn minh, hiện đại. Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án về quản lý đô thị, vệ sinh môi trường. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tới các cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, tạo sự đồng thuận trong việc xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Tiếp tục xác định công tác bồi thường giải phóng mặt bằng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển đô thị. Tập trung chỉ đạo để thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đúng chính sách, tiến độ các dự án nhất là các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh và thành phố.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác cải cách hành chính trên địa bàn thành phố. Tiếp tục đổi mới phương thức làm việc của cơ quan hành chính Nhà nước; tăng cường trách nhiệm, năng lực của người đứng đầu cơ quan hành chính và cá nhân từng cán bộ, công chức trong giải quyết công việc. Tăng cường kiểm tra công tác cải cách hành chính thường xuyên, đột xuất từ các phòng quản lý Nhà nước đến xã, phường trên địa bàn thành phố; làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân theo quy định.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác củng cố quốc phòng và an ninh, kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng và an ninh với sự phát triển KT-XH; tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự kỷ cương xã hội; thực hiện nghiêm túc các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông, phấn đấu giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương)…