Nửa thế kỷ vun đắp cho sự nghiệp trồng người

07:30, 29/10/2016

Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, đến nay Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) thuộc Đại học Thái Nguyên đã trở thành một trong những cơ sở đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục có chất lượng cao trong cả nước, góp phần đắc lực vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Trước những yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà, Nhà trường đang nỗ lực phấn đấu thực hiện sứ mạng và trách nhiệm tiên phong, đồng thời tiếp tục đảm nhận vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu xã hội.

Ghi nhận quá trình phấn đấu xây dựng và phát triển của Nhà trường, trong 5 năm (2010-2015), Trường đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất; 11 Cờ thi đua xuất sắc (2 Cờ của Chính phủ; 4 Cờ thi đua của Bộ Giáo dục - Đào tạo; 4 Cờ thi đua của tỉnh Thái Nguyên và 1 Cờ thi đua của Bộ Công an); 27 Bằng khen của các tỉnh, bộ, ngành. Năm 2016, Trường ĐHSP đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Cách đây 50 năm (1966), mặc dù trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt khi đế quốc Mỹ xâm lược leo thang đánh phá miền Bắc, nhưng Trung ương Đảng, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội chủ nghĩa, trong đó tập trung phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc - tiền thân của Trường ĐHSP ngày nay là một trong hai trường ĐHSP đầu tiên của miền Bắc xã hội chủ nghĩa và là Trường ĐHSP duy nhất ở khu vực miền núi phía Bắc được thành lập. Sự nghiệp trồng người cho cả vùng Thái - Tuyên - Hà, Cao - Bắc - Lạng (Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn), vùng mỏ và biên giới hải đảo Quảng Ninh bắt đầu từ đó.

 

Trong những năm tháng chiến tranh, vừa sơ tán chạy bom đạn, vừa chiêu sinh, 40 thầy, cô giáo từ Trường ĐHSP Hà Nội đã tình nguyện trở về Chiến khu xưa để thắp lên ngọn lửa đầu tiên cho sự nghiệp trồng người tại đây. Đúng ngày 31-10-1966, tại khu sơ tán của huyện Đại Từ, khóa học đầu tiên chính thức khai giảng năm học mới. Được rèn luyện trong gian khó, lớp sinh viên những khóa đầu nhanh chóng trưởng thành và đến với mọi miền của Tổ quốc để tiếp tục gieo mầm cho sự nghiệp giáo dục. Trong chiến tranh, Nhà trường vừa thực hiện nhiệm vụ đào tạo, vừa sẵn sàng chi viện nhân lực cho chiến trường. Những năm tháng đó, đã có 427 cán bộ, sinh viên của Trường “xếp bút nghiên, lên đường chiến đấu” có mặt trên khắp chiến trường miền Nam. Trong số đó, đã có 20 người anh dũng hy sinh, trở thành Anh hùng liệt sĩ nằm lại nơi chiến trường.

 

Mặc dù mỗi giai đoạn, thời kỳ lịch sử có những khó khăn riêng, nhưng với truyền thống tôn sư, trọng đạo, đoàn kết thống nhất, các thế hệ thầy cô giáo, cán bộ Nhà trường vẫn nỗ lực vượt qua để đến nay, Nhà trường luôn hoàn thành sứ mạng của mình một cách vẻ vang. Hiện nay, đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ của Trường là 159 người (đạt gần 41%), thạc sĩ có 204 người, trong đó có 40 giáo sư, phó giáo sư và đang có gần 100 giảng viên học nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Trong công cuộc đổi mới, mỗi giảng viên của Nhà trường đang đứng trước nhiệm vụ và thách thức mới, đó là: Giảng viên phải là Nhà chuyên môn giỏi, Nhà giáo dục tài năng, Nhà khoa học, Nhà tư vấn giáo dục đại học và giáo dục phổ thông, Nhà hoạt động xã hội…

 

Trước yêu cầu về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, Nhà trường xác định nhiệm vụ trọng tâm là đổi mới chương trình đào tạo giáo viên; đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng khoa học. Những năm học gần đây, hoạt động đào tạo luôn gắn liền với nghiên cứu khoa học và ứng dụng, chuyển giao thành quả nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống. Hiện nay, Trường đã và đang thực hiện 8 đề tài Nafosted (Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia) và đề tài Độc lập cấp Nhà nước. Trong 10 năm trở lại đây, Trường đạt được 87 giải thưởng về nghiên cứu khoa học các cấp, đạt 147 giải thưởng Olympic sinh viên. Giai đoạn 2005-2016, Trường chủ trì thực hiện 171 đề tài cấp bộ, 95 đề tài cấp đại học, 6 đề tài cấp tỉnh, 328 đề tài cơ sở, 3.657 đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên, công bố 2.818 bài báo trong nước và 255 bài báo quốc tế, xuất bản 467 đầu sách và giáo trình. Đặc biệt, Trường đã chuyển giao thành công 6 đề tài khoa học và công nghệ cho các địa phương. Đó là: “Đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục ở tỉnh miền núi”; “Cung cấp học liệu cho giáo viên”; “Bồi dưỡng đổi mới phương pháp có ứng dụng công nghệ thông tin cho giáo viên cốt cán THPT và THCS”; “Quy trình khai thác nội dung chương trình các môn học (Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý) cho giáo viên THPT”; “Tập huấn chuyên đề cho giáo viên các tỉnh miền núi phía Bắc”; “Bồi dưỡng kiến thức giáo dục và bảo vệ môi trường cho giáo viên THPT”. Thông qua kết quả nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ được công bố trong và ngoài nước đã góp phần thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế, thu hút hàng trăm lượt sinh viên, nghiên cứu sinh đến từ nhiều quốc gia để học tập, nghiên cứu mỗi năm.

 

50 năm xây dựng và phát triển, đã có gần 100 nghìn giáo viên, trong đó có trên 3.000 thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp và trưởng thành từ mái trường ĐHSP. Đây cũng chính là nguồn nhân lực dồi dào, tạo nguồn cán bộ chủ chốt cho các địa phương trong cả nước không chỉ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo mà còn ở nhiều lĩnh vực khác như văn hóa, báo chí, truyền thông, an ninh quốc phòng… Nhà trường đã khẳng định được vai trò nòng cốt đối với sự phát triển trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc nói riêng.

 

Đối với nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, Trường ĐHSP đã trở thành chiếc nôi đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Với trên 13 nghìn giáo viên cấp học THCS thì có đến 70% là cựu sinh viên của Trường. Đối với bậc THPT, Trung học chuyên nghiệp, cao đẳng trên địa bàn toàn tỉnh có gần 7.000 giáo viên và cán bộ quản lý, có trên 80% là sinh viên từng học và tốt nghiệp tại Trường. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý tại các cơ quan Đảng, chính quyền và Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND của tỉnh, các huyện cũng đều có sự tham gia của cựu sinh viên trưởng thành từ mái trường này. Ghi nhận những đóng góp quan trọng của Đảng bộ Nhà trường liên tục trong 11 năm qua (2005-2016), Tỉnh uỷ Thái Nguyên công nhận Đảng bộ trong sạch vững mạnh, được nhận Cờ “Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu 5 năm”; Tỉnh ủy Thái Nguyên tặng Bằng khen do có nhiều thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Công đoàn Nhà trường liên tục đạt danh hiệu “Công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc”; tổ chức Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên luôn đạt danh hiệu đơn vị dẫn đầu của tỉnh và khối thi đua.

 

Từ những thành tựu đã đạt được, Nhà trường đã đề ra những định hướng phát triển lâu dài, bền vững, gắn liền với yêu cầu về đổi mới, hội nhập và phát triển của giáo dục đại học và giáo dục phổ thông. Nhà trường xây dựng chương trình hành động đổi mới toàn diện công tác quản lý hoạt động đào tạo và phát triển đội ngũ; giữ vững quy mô đào tạo cân đối, hợp lý; coi trọng chất lượng đào tạo cũng như nâng cao khả năng ứng dụng của các đề tài, dự án khoa học gắn với giáo dục phổ thông và nghiên cứu cơ bản; đổi mới toàn diện công tác giáo dục người học theo định hướng năng lực. Có thể nói, với bề dầy truyền thống 50 năm xây dựng và phát triển, mỗi cán bộ, giảng viên Nhà trường đều đã và tiếp tục phát huy phẩm chất anh hùng của một đơn vị anh hùng, để vững bước tiến lên cùng công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.