Phát triển nông nghiệp ven đô hướng tới thích ứng với biến đổi khí hậu

15:22, 27/10/2016

Ngày 27/10, tại Hà Nội, Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức hội thảo “Đô thị hóa và phát triển nông nghiệp ven đô hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”.

Theo Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, đô thị hóa vùng ven đô đang gặp phải nhiều thách thức. Việc hình thành các khu đô thị mới hoặc khu công nghiệp làm suy giảm diện tích đất nông nghiệp, đa số người nông dân khu vực ven đô mất đi nguồn thu nhập duy nhất, nhiều người phải chuyển đổi nghề nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế, đặc biệt là những người phụ nữ do họ bị hạn chế về cơ hội chuyển đồi nghề nghiệp.

 

Việc đất nông nghiệp giảm sút khiến lĩnh vực nông nghiệp bị thu hẹp dần, làm giảm nguồn cung về lương thực, thực phẩm, đồng nghĩa với việc đô thị không thể chủ động nguồn cung cho mình. Cơ cấu kinh tế vùng ven đô có sự thay đổi lớn theo hướng chuyển dần từ nông nghiệp sang công nghiệp xây dựng, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại. Vành đai xanh của Thủ đô Hà Nội ngày càng bị thu hẹp, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường đô thị, mất đi hệ sinh thái tự nhiên vốn có của khu vực ven đô. Có sự phân hóa giàu nghèo và những mâu thuẫn về lợi ích giữa các nhóm xã hội.

 

Tiến sĩ Michael Di Gregorio, Trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam cho rằng, tốc độ gia tăng nhanh chóng dân số Hà Nội đã làm gia tăng áp lực đối với việc sử dụng đất và nước, tạo ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, nguồn cung cấp lương thực, đặc biệt là sinh kế đối với người nông dân sống trong khu vực thành phố. Để hỗ trợ nông dân mất đất, duy trì và cải thiện thu nhập của họ, Quỹ châu Á cùng với các đối tác đã có nhiều dự án phát triển đường giao thông, hệ thống cấp nước, bảo tồn không gian xanh dọc sông Đuống, trong tương lai có thể mở rộng đến sông Hồng, sông Đáy, bảo tồn không gian xanh và sản xuất nông nghiệp tại địa phương cũng có thể giúp thích ứng với biến đổi khí hậu…

 

Theo ý kiến của các chuyên gia, Hà Nội cần có kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo sinh kế cho những người nông dân sau khi đã thu hồi đất nông nghiệp, đảm bỏa môi trường sống cho toàn thành phố.

 

Khuyến nghị tập trung vào việc nên hợp nhất chức năng sử dụng đất nông nghiệp trong quy hoạch sử dụng đất trong lĩnh vực tài nguyên-môi trường với chức năng sử dụng đất nông nghiệp sạch trong lĩnh vực xây dựng đô thị. Quá trình lập quy hoạch xây dựng đô thị khu vực ven đô cần lưu ý các yếu tố tiềm năng về quỹ đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng và các hợp tác xã nông nghiệp với số lượng nông dân trên 35 tuổi. Nghiên cứu của Hội đề xuất quy định tỷ lệ diện tích là 50%, 70%, 100% cho loại hình đất nông nghiệp sạch và giao cho các hợp tác xã nông nghiệp khai thác sử dụng trồng rau sạch theo tiêu chuẩn Vietgap. Cơ quan chức năng cần điều chỉnh cục bộ mục đích sử dụng một cách linh hoạt trong việc quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên và kế hoạch sử dụng đất định kỳ, trên địa bàn các quận, huyện có khả năng đô thị hóa để hình thành các địa điểm sản xuất nông nghiệp sạch.

 

Cơ chế ưu đãi cần được áp dụng là ưu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch cho các hợp tác xã nông nghiệp có người dân bị mất đất trong quá trình đô thị hóa. Mức cụ thể đề xuất là miễn hoặc giảm 70% hoặc 50% tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước đối với dự án đầu tư đó; miễn hoặc giảm tiền thuê đất khi chuyển mục đích sử dụng đất từ quy hoạch đất cây xanh đô thị sang đất nông nghiệp sạch; không thu tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất từ quy hoạch đất cây xanh đô thị sang đất nông nghiệp sạch.

 

Các dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch cho các hợp tác xã nông nghiệp thực hiện trong các khu vực được quy hoạch là công viên cây xanh không phải lập quy hoạch mặt bằng. UBND các cấp chủ động xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hợp tác xã đối với các khu đất sản xuất nông nghiệp sạch, trên cơ sở quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt./.