Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển

11:01, 12/10/2016

Cách đây 12 năm, ngày 20-9-2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 990/QĐ-TTg về việc lấy ngày 13-10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Có thể khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân có vị trí, vai trò đặc biệt ngày càng quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện nay, phát triển kinh tế, đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu và hội nhập quốc tế là nhiệm vụ trọng tâm của cả dân tộc, trong đó các DN, doanh nhân có vai trò “đầu tàu”.

Trong giai đoạn hiện nay, Thái Nguyên cũng như các tỉnh, thành phố khác của cả nước đang thực hiện một nhiệm vụ, một ước mơ to lớn là đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Để hoàn thành sự nghiệp đó, với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh” là phải phát triển mạnh về kinh tế, vật chất; mục tiêu “dân chủ, công bằng, văn minh” là xây dựng con người, xã hội, văn hóa. Hai mục tiêu này phải tiến hành song song, đồng thời, trong đó mục tiêu phát triển kinh tế là then chốt. Để chấn hưng và phát triển nền kinh tế đất nước, cộng đồng DN, doanh nhân phải là “đầu tàu”, là đội ngũ chủ lực.

 

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tích cực tạo điều kiện và định hướng phát triển đội ngũ DN, doanh nhân, ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, quyết liệt trong việc chỉ đạo các sở, ngành cắt giảm tối đa thủ tục hành chính cho DN. Cùng với đó, tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi để các DN, doanh nhân phát huy hết tiềm năng và vai trò của mình, phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

 

Cùng với sự lớn mạnh của các DN trong cả nước, đội ngũ DN, doanh nhân của tỉnh đã có những bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 5.000 DN đang hoạt động, trong đó có 4.914 DN trong nước (DN nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ trên 97%) với tổng vốn đăng ký khoảng 34.669 tỷ đồng; DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 86 DN với tổng số vốn đăng ký trên 7,1 tỷ USD (tương đương 155 nghìn tỷ đồng). Cơ cấu, quy mô, lĩnh vực hoạt động của các DN có chuyển biến phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ; hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các DN được nâng lên. Riêng trong năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của tỉnh đạt 25,2%; GRDP bình quân đầu người đạt 46,4 triệu đồng; thu ngân sách đạt 7.285 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch rõ nét: Công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 49,4%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 16,6%; dịch vụ chiếm 34%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 365.203 nghìn tỷ đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 2% so với năm 2014…

 

Để có được những thành tựu trên phải kể đến sự đóng góp quan trọng của các DN trên địa bàn tỉnh. Cộng đồng DN, doanh nhân đã có đóng góp chủ yếu vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định của kinh tế tỉnh nhà, tích cực góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống của người lao động, tham gia xóa đói, giảm nghèo và thực hiện các chính sách xã hội khác, thực sự là lực lượng xung kích trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh luôn ghi nhận, tôn vinh những đóng góp to lớn của các DN, doanh nhân vào quá trình phát triển của tỉnh.

 

Nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10) năm nay, thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi kêu gọi các DN, doanh nhân tiếp tục đồng tâm hiệp lực, năng động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh. Và cũng hy vọng rằng, các DN, doanh nhân trên địa bàn tích cực đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp chung, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.