Ngày 15-10, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên tổ chức buổi tọa đàm nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Nhà trường (31/10/1966 - 31/10/2016). Tham dự có các đồng chí lãnh đạo Đại học Thái Nguyên, các thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cựu sinh viên là cán bộ quản lý các ngành trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên.
Với chủ đề: “Bài học lịch sử - định hướng tương lai”, trên 20 tham luận của đại biểu đã khẳng định vai trò lịch sử và tương lai của đại học sư phạm nòng cốt của sự nghiệp giáo dục và đào tạo quốc gia. Mỗi giai đoạn lịch sử phát triển của sự nghiệp Giáo dục- Đào tạo, phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh trong khu vực Đông Bắc, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên có sứ mệnh tiên phong trong đào tạo, bồi dưỡng vun đắp cho sự nghiệp trồng người. Trước xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khoa học giáo dục và môi trường đào tạo sư phạm cũng cần có những đổi mới để phù hợp với quy luật vận động khách quan của tính chất toàn cầu hóa. Đó là chuẩn hóa đội ngũ, chuẩn hóa chất lượng đào tạo phù hợp với các tiêu chí, tiêu chuẩn sư phạm quốc tế.
Trăn trở lớn nhất đối với thế hệ cán bộ quản lý đương nhiệm là làm sao để thu hút được đông đảo sinh viên; Trường thực sự làm môi trường đào tạo uy tín, chất lượng và đáp ứng nhu cầu cũng như kỳ vọng của xã hội - trong tham luận của GS,TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XII, cựu giảng viên của Trường đã đề cập đến vấn đề chuyển hóa ngành nghề sau học sư phạm. Trong đó GS,TS khẳng định: “Mỗi thầy, cô dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải là tấm gương về học tập và nghiên cứu khoa học. Có kiến thức chuyên môn và kiến thức cơ bản vững, sâu thì lĩnh vực nào trong đời sống xã hội cũng cần sự phục vụ”. Còn GS,TS Đặng Kim Vui, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho rằng: “Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, trước hết đội ngũ giảng viên, cán bộ phải chuẩn quốc tế rồi tiếp đến là sản phẩm đầu ra là sinh viên cũng phải chuẩn quốc tế. Trong tương lai, môi trường sư phạm không thuần túy đào tạo ra giáo viên mà phải đào tạo ra những nhà sư phạm, nhà giáo dục phục vụ các lĩnh vực của đời sống xã hội”…
Với đội ngũ hiện có trên 40% giảng viên có học vị tiến sĩ, trong đó có 39 giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư đầu ngành các lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học giáo dục, Trường sẽ tiếp tục là đơn vị nòng cốt và đi đầu trong thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo.